Đặc sắc trong diễn xướng Thơ lẩu

Một phần của tài liệu Thơ lẩu ở chợ đồn, Bắc Kạn (Trang 85 - 89)

Tìm hiểu nét đặc sắc trong diễn xướng Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn, chúng tôi mạnh dạn phỏng vấn “Diễn xướng Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn có gì đặc sắc?” Câu trả lời chúng tôi thu được khá phong phú vì đây

là một câu hỏi mang tính tự luận. Mỗi người đều có quan điểm riêng, cách cảm nhận riêng về diễn xướng Thơ lẩu, tùy thuộc vào việc họ tiếp nhận được gì qua hình thức diễn xướng và lớp vỏ ngôn từ đa dạng, giầu màu sắc của ngôn ngữ dân tộc.

Quan làng Hà Sĩ Ngự ở Phương Viên - Chợ Đồn - Bắc Kạn chia sẻ với chúng tôi trong lời Hát Quan làng (Thơ lẩu) ở Phương Viên - Chợ Đồn - Bắc Kạn có câu:

Hất gần giá phuối lở hẩư căn Nhằng phứa se oằn lăng tuộng ngải”

(Làm người chớ giở giọng đau Còn phòng mai mốt gặp nhau lời chào.)

Do đó, Quan làng và Pả mẻ phải lựa chọn ngôn từ, sắp xếp thành những lời thơ và diễn xướng sao cho thể hiện được sự chân thành, nhiệt tình, lịch sự. Quan làng, Pả mẻ vừa phải hát nối tiếp, đối đáp logic với nhau vừa phải thể hiện được sự khiêm tốn, nhã ý của mình. Sự giao tiếp giữa Quan làng, Pả mẻ trước các nghi thức đám cưới là một sự giao tiếp đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe, người xem. Mỗi Quan làng, Pả mẻ lại có tài giao tiếp, khả năng diễn xướng khác nhau, đáp ứng các thử thách, đòi hỏi không giống như một kịch bản có sẵn, ở từng đám cưới, ở mỗi địa phương. Chính những lời hát được chọn lọc như vậy, kết hợp với các nghi lễ, nghi thức trong đám cưới đã tạo nên sinh hoạt Thơ lẩu – một sinh hoạt văn hóa độc đáo của người Tày ở Chợ Đồn - Bắc Kạn.

Về làn điệu, diễn xướng Thơ lẩu, ở từng địa phương cũng có đặc sắc riêng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng: “Về cơ bản, kết cấu âm nhạc của Thơ lẩu theo giai điệu chủ yếu tiến hành bước lần, một đôi chỗ có bước nhảy quãng 4 đúng (Đô - Sol, Sol - Đô) hoặc 6 thứ. Nội dung của toàn bộ cuộc hát chủ yếu dựa trên một câu nhạc: Đô sol mì, đô sol đo, sol đô. Kết cấu này có sự biến đổi đôi chỗ cho phù hợp giữa nốt, giai điệu nhạc với lời, sáng tạo ở

chỗ kết lửng, kết nửa, kết trọn, tạo nên sắc thái riêng trong điệu hát của mỗi địa phương” [23, tr.36], [35, tr. 32]. Thơ lẩu ở huyện Bạch Thông - Bắc Kạn được hát theo bốn làn điệu. Ban đầu, khi hai bên hỏi han, chào mời, trò chuyện thì giọng điệu đều đặn, khoan thai. Khi buộc Quan làng phải vượt qua thử thách thì đôi lúc chuyển sang vui tươi, giễu cợt. Khi thực hiện các nghi lễ, thủ tục cưới xin, điệu ca trở nên chậm rãi, trầm lắng và trang trọng. Về gần cuối cuộc hát, làn điệu lại trở nên êm đềm, da diết khi dặn dò, chia tay, tiễn biệt. Trong khi đó, Thơ lẩu ở huyện Chợ Đồn và huyện Pác Nặm - Bắc Kạn, rất khó nhận ra được các làn điệu. Họ chủ yếu hát đều đặn, trang nghiêm từ đầu cho đến khi kết thúc cuộc hát, ít có biến tấu. Nếu có thay đổi thì chủ yếu là thay đổi về giọng điệu cho phù hợp với tâm trạng người diễn xướng và nội dung lời ca. Với những công chúng “khá sành” nghe Thơ lẩu, nhận biết được sự khác biệt về làn điệu có thể giúp họ phỏng đoán được tương đối chính xác Quan làng, Pả mẻ là người ở huyện nào.

Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn còn đặc sắc trong nghi thức diễn xướng. Mỗi bài Thơ lẩu là một lời thưa – đáp của mỗi bên gia đình trước việc đưa ra thử thách, xin giúp vượt qua thử thách, mời chào, đón nhận hay thực hành nghi lễ. Ngoài các bài Thơ lẩu mang tính thủ tục bắt buộc để thực hành nghi lễ trong ngày lễ đón dâu, đưa dâu như: hỏi - đáp danh tính, xin thắp hương kính tổ, nộp lễ sinh thành, xin dâu, trao bằng biên (tiền lì xì trả ơn), giao tặng phẩm; các bài hát giao tiếp thông thường: mời khách, khách nhận các lời mời, chia tay, nhắn gửi, hát chúc mừng hạnh phúc, Thơ lẩu còn có nhiều bài không mang tính bắt buộc để thử thách, trêu ghẹo, đùa nghịch. Có diễn xướng các bài hát này trong đám cưới hay không là do yêu cầu của nhà chủ. Nhu cầu của mỗi nhà khác nhau đem đến cho Thơ lẩu nét đặc sắc trong từng cuộc diễn xướng.

Theo ông Lâm Xuân Ân – nguyên Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Chợ Đồn – Bắc Kạn, Thơ lẩu ở Chợ Đồn khi diễn xướng ít có các bài để thử thách, trêu ghẹo, đùa nghịch như ở các huyện khác. Thơ lẩu ở Chợ Đồn

thường nặng về thực hành nghi lễ nhiều hơn. Nhiều khi làm Quan làng đi đón dâu ở các huyện khác (như huyện Pác Nặm, huyện Bạch Thông) gặp nhà gái treo con mèo hoặc con cá trước cửa, đặt dao trước cửa, ông cũng bối rối không hát được mà chỉ nói đại ý theo nội dung thơ cổ, xin phép nhà gái cho vào nhà. Dù ở huyện Chợ Đồn ít có các thử thách mang tính trêu ghẹo, đùa nghịch như vậy, nhưng ông cũng phải hỏi các Quan làng khác, ghi chép lại những bài hát dùng trong các trường hợp trên để phòng khi gặp lại.

Những bài Thơ lẩu hát để mời dùng tăm, dùng nước xúc miệng sau khi ăn xong ở huyện Chợ Đồn cũng không còn được diễn xướng như các huyện khác vì người Tày ở địa phương cho rằng lời hát này hơi vô duyên, chẳng khác nào như chê khách không biết tự giác vệ sinh răng miệng.

Trong nhiều đám cưới của người Tày hiện nay, khi đưa dâu về nhà trai, ở nhiều huyện tại Bắc Kạn, nhà trai cử người phụ nữ có uy tín, yên bề gia thất, thay mặt gia đình trải màn chiếu sẵn và trang trí phòng cưới trước cho cô dâu như đám cưới của người Kinh, nhưng ở huyện Chợ Đồn lại không làm như vậy. Người Tày ở huyện Chợ Đồn vẫn giữ nguyên nghi lễ mời trải chiếu căng màn như đám cưới truyền thống. Sau khi ra mắt họ hàng, thắp hương tổ tiên, cô dâu được đưa về phòng cưới cất đồ, Quan làng phải hát mời Pả mẻ hoặc một người phụ nữ là đại diện bên nhà gái vào trải chiếu, căng màn cho cô dâu. Người Tày ở Chợ Đồn cho rằng làm như vậy là để họ hàng nhà gái được chứng kiến sự đầy đủ về vật chất cũng như thái độ chăm sóc nâng niu nhà trai dành cho con dâu mới về mà yên tâm hơn khi con cháu họ được gả về gia đình tử tế.

Những đặc sắc trong Thơ lẩu đã lý giải vì sao Thơ lẩu là hình thức sinh hoạt văn nghệ quần chúng không thể thiếu trong đám cưới truyền thống của người Tày. Người Tày say lời Thơ lẩu cũng say mê hình thức diễn xướng đặc thù của loại hình, bởi chỉ có trong sinh hoạt đám cưới, Thơ lẩu mới có điều kiện để đi vào tâm thức dân gian một cách nhanh chóng nhất, hiệu quả nhất.

Một phần của tài liệu Thơ lẩu ở chợ đồn, Bắc Kạn (Trang 85 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)