Lời khuyên về cách ứng xử trong quan hệ con cái

Một phần của tài liệu Thơ lẩu ở chợ đồn, Bắc Kạn (Trang 42 - 43)

Gia đình người Tày ở Chợ Đồn - Bắc Kạn thường có hai đến ba thế hệ cùng sinh sống. Con cháu trong nhà phải có hiếu với ông bà, cha mẹ. Khi con trai, con gái đến tuổi kết duyên, cha mẹ tổ chức đám cưới cho con, gia đình sẽ có thêm thành viên mới. Thơ lẩu không chỉ chỉ ra trách nhiệm của con đẻ đối với bố mẹ mình, mà còn chỉ ra nghĩa vụ của con dâu với bố mẹ chồng và con rể với bố mẹ vợ. Sự phụng dưỡng, hiếu nghĩa với bố mẹ được coi là sự trả ơn chân thành, sâu sắc nhất. Quan làng, Pả mẻ cũng hát các bài trong đó có các câu ghi nhận công lao sinh thành, nuôi nấng, dạy bảo của hai bên cha mẹ trong lễ dâng tấm vải ướt khô.

“Slon tạy lai công khỏ hiền lương Công pỏ mẻ như slơn, như thủy

Tốp lụp mà bít bí pền cần...” (Dạy dỗ nhiều công khó hài hoà

Công bố mẹ như sơn, như thuỷ

Vỗ về con trưởng thành nên người…) [39, tr.22]

Con cái trong gia đình phải ghi nhớ công lao ấy và thể hiện tình cảm trân trọng, biết ơn bằng những hành động cụ thể trong cuộc sống. Có ngày vui, có dịp thuận tiện người ta nghĩ ngay đến sự đền đáp công ơn mẹ cha.

Tấm lòng của con cái đối với mẹ cha không chỉ được thể hiện qua các lễ vật tạ ơn, mà còn được thể hiện ngay trong cung cách giao tiếp, cách xưng hô với ông bà, cha mẹ. Ngoài cách xưng lễ phép là “lục”, nghĩa là con, con cái trong nhà nhiều khi còn hạ thấp mình, khiêm tốn tự xưng là “khỏi” (khói) có nghĩa là tôi tớ, đầy tớ với ông bà, cha mẹ.

Trong đám cưới, bên cạnh việc răn dạy cô dâu, chú rể về đạo làm con, một số bài Thơ lẩu còn khuyên bố mẹ chồng nên có cách cư xử hợp lý với con dâu của mình. Cô dâu mới về nhà chồng còn nhiều điều lạ lẫm, bố mẹ chồng nên nhẹ nhàng khuyên bảo, giúp đỡ con dâu thích nghi với gia đình nhanh chóng để thiên hạ khỏi cười chê là “khác máu tanh lòng”.

“Lục cần cỏi cạ, cỏi thon Slon noọng khỏi đắc đạo, Giảo noọng khỏi đắc thông” (Con của người hãy bảo, hãy ban

Dạy em tôi có đạo,

Bảo em tôi thông minh)[39,tr.26]

Trong thời đại phát triển như hiện nay, người phụ nữ được giải phóng, có quyền tham gia vào các hoạt động văn hoá, xã hội. Nội dung các bài Thơ lẩu còn khuyên các bậc cha mẹ nên tạo điều kiện cho con cháu làm tốt mọi nhiệm vụ xã hội. Có như vậy mới là cô con dâu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, bố mẹ chồng cũng được mát mặt, mừng lây.

“Giá huông hảm dú lườn lảu lảu Khi tập thể giao hẩư việc chung Pú giả củng thêm dung slúc toọng.”

(Đừng hãm giữ ở nhà một chỗ Khi tập thể giao cho việc chung

Ông bà cũng thêm mừng, đẹp ý)[39, tr.27].

Tóm lại, có thể nhận thấy rằng, các bài Thơ lẩu có ý nghĩa hết sức lớn lao trong đời sống gia đình của người Tày ở Chợ Đồn - Bắc Kạn. Mỗi bài ca là một bài học ý nghĩa về ứng xử, không chỉ hướng tới răn dạy con cái, mà khuyên bảo cả bậc làm cha, làm mẹ cùng góp sức để xây dựng cuộc sống gia đình được êm ấm, thuận hoà hơn.

Một phần của tài liệu Thơ lẩu ở chợ đồn, Bắc Kạn (Trang 42 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)