Căn cứ vào các tài liệu nghiên cứu đầu tiên đề cập tới Thơ lẩu, tức là bài viết “Dân ca đám cưới Tày – Nùng” của nhà sưu tầm Vi Quốc Bảo đăng trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 3 – 1971, cuốn Dân ca đám cưới Tày - Nùng do Nông Minh Châu sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, NXB Việt Bắc, ấn hành năm 1973, có thể khẳng định: Thơ lẩu đã ra đời và phát triển cực thịnh trước thập niên 70 của thế kỷ XX. Qua tìm hiểu trong đời sống dân
gian ở Chợ Đồn – Bắc Kạn và lưu ý tới hai sự kiện lịch sử quan trọng, đó là chiến tranh chống Pháp từ 1945 - 1954, chiến tranh chống Mĩ từ 1954 – 1975, chúng tôi mạnh dạn đưa ra phỏng đoán cụ thể hơn về quá trình phát triển của Thơ lẩu như sau:
Trước 1945, Thơ lẩu đã ra đời, tuy nhiên phạm vi, quy mô diễn xướng còn manh mún, nhỏ lẻ. Thơ lẩu chỉ có thể được diễn xướng trong các đám cưới ở những gia đình có địa vị cao trong xã hội. Vì chỉ những gia đình này mới có đủ điều kiện về kinh tế để tổ chức một đám cưới có Thơ lẩu.
Từ 1945 đến những năm 1970, đồng bào Tày hăng hái hòa chung với không khí chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của đại dân tộc, Thơ lẩu ít có điều kiện diễn xướng trong đời sống.
Thơ lẩu phát triển cực thịnh, được diễn xướng phổ biến từ khoảng những năm 70 đến nửa cuối thập niên 90 của thế kỉ XX. Đặc biệt là từ sau năm 1982, do thấm nhuần tinh thần văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V về việc khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số trong nền văn hóa Việt Nam, các nhà nghiên cứu văn hóa Tày tiếp tục đẩy mạnh công cuộc sưu tầm, nghiên cứu Thơ lẩu. Dân ca đám cưới của người Tày vì thế có điều kiện được phổ biến rộng hơn trong cộng đồng Tày nói chung, ở Chợ Đồn - Bắc Kạn nói riêng. Hầu như ở xã nào, bản nào cứ có đám cưới là Thơ lẩu lại được diễn xướng với tư cách là một nghi lễ, phong tục. Nhắc tới Thơ lẩu là nhắc tới những gì bình dị nhất, thân thuộc nhất như đồng ruộng, con trâu, cái cày, hay núi rừng, nhà sàn, bếp lửa...
Thơ lẩu trong đám cưới xưa trở thành những cuộc hội ca bất tận và lan tỏa khắp không gian. Người ta mê Thơ lẩu vì nhiều lẽ, nhưng trước hết là ở sự hiểu biết, văn minh, trang trọng, lịch sự và đặc biệt là tài đối đáp thơ của ông Quan làng và bà Pả mẻ. Hơn nữa, Thơ lẩu phù hợp với phong tục tập quán và cuộc sống bình lặng của người dân miền núi. Cuộc sống với những lo
toan vất vả bộn bề, thiếu thốn thông tin từ những phương tiện hiện đại, thiếu các hình thức giải trí, vui chơi. Do đó đám cưới với người Tày ở Chợ Đồn - Bắc Kạn xưa là một dịp vui của tất cả mọi người. Đến đám cưới, mọi người không những được gặp gỡ, giao lưu mà còn được xem, nghe và có thể trổ tài văn nghệ của mình. Đám cưới kết thúc, lời Thơ lẩu khép lại mà ý chưa dừng, tình người vẫn nồng đượm, người nghe vẫn chưa thôi ham muốn được nghe tiếp, nghe mãi những lời ca. Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn như “chất muối”, “chất men”, “chất tình”, thiếu vắng nó đám cưới sẽ tẻ nhạt, như thiếu đi chén rượu nồng trong ngày đại hỉ [5, tr.3]. Chính vì lí do đó mà Thơ lẩu đã được lưu truyền qua bao thế hệ. Nhưng đáng tiếc, cuộc sống của người Tày ở địa phương dần thay đổi và chẳng có gì là có thể tồn tại vĩnh viễn mà vẹn nguyên trước dòng chảy của thời gian.
Từ cuối những năm 90 của thế kỉ XX, các đám cưới của người Tày ở Chợ Đồn - Bắc Kạn được tổ chức đơn giản hơn, dẫn đến vai trò, giá trị của nghi lễ, phong tục Thơ lẩu đã mai một đi nhiều. Các đám cưới vẫn diễn ra dù không có Thơ lẩu. Trong đám cưới, có Thơ lẩu hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu của hai họ và sự thay đổi phong tục ở mỗi địa phương.
Thực tế, Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn giờ chỉ còn được diễn xướng ở một số xã vùng sâu, vùng xa. Huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn gồm thị trấn Bằng Lũng và 21 xã trực thuộc, song không phải xã, bản nào thơ lẩu cũng được bảo tồn, diễn xướng và phát triển. Theo lời trao đổi của ông Lâm Xuân Ân – nguyên trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Chợ Đồn – Bắc Kạn và qua quá trình khảo sát, sưu tầm chúng tôi thấy một số xã ở Chợ Đồn - Bắc Kạn vẫn diễn xướng Thơ lẩu, tiêu biểu như: Xã Phương Viên, xã Đông Viên, xã Rã Bản, xã Bằng Phúc, xã Xuân Lạc, xã Nam Cường, xã Bản Thi, xã Yên Thượng, xã Yên Nhuận… Một số nơi hầu như không còn diễn ra thể thức hát Thơ lẩu trong đám cưới. Như: thị trấn Bằng Lũng, xã Bằng Lãng, xã Ngọc Phái, xã Bình Trung… Các xã khác vẫn có diễn xướng Thơ lẩu song đã bị mai một đi rất nhiều.
Thơ lẩu không những bị thu hẹp phạm vi sử dụng mà số lượng các lời hát cũng suy giảm. Trước đây, trong đám cưới có những phần cùng một nội dung mà có tới hai, ba lời hát khác nhau. Nhưng ngày nay, số lượng lời hát ít đi rõ rệt. Phần vì không được sưu tầm nên để lãng quên theo thời gian, phần vì các thủ tục, nghi lễ đám cưới ngày càng gọn, đơn giản hơn nên các nghệ nhân dân gian không có điều kiện để sáng tác thêm. Không những vậy, Thơ lẩu còn bị thu hẹp cả về phạm vi ý nghĩa. Nó không còn mang ý nghĩa nặng về nghi lễ, thủ tục, mà chủ yếu là hát để góp vui cho bầu không khí ngày con cái xây dựng gia đình.
Những năm gần đây, tiếp thu tinh thần chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước về việc khôi phục và bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương đã nhận thức được thực trạng của Thơ lẩu ở Chợ Đồn – Bắc Kạn, có những biện pháp tích cực song thành công mới chỉ là bước đầu và chưa đáng kể.
Điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển và tồn tại của Thơ lẩu nói chung, Thơ lẩu ở Chợ Đồn – Bắc Kạn nói riêng chính là diễn xướng Thơ lẩu trong đời sống dân gian.
3.2. Diễn xƣớng Thơ lẩu ở Chợ Đồn – Bắc Kạn
Khi nhắc tới một loại hình văn học dân gian người ta không thể không nhắc tới hình thức diễn xướng của nó trong đời sống. Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn chủ yếu được đồng bào biết đến, tiếp nhận, gìn giữ, phát triển và coi như là một nghi thức trong đám cưới khi nó được diễn xướng trong dân gian. Không có diễn xướng thì không có Thơ lẩu. Tách Thơ lẩu ra khỏi diễn xướng chẳng khác nào tách cá ra khỏi nước. Để hiểu sâu về Thơ lẩu buộc chúng ta phải hiểu khái niệm “diễn xướng”.
Trong quá trình phát triển, ngôn ngữ chỉ xuất hiện khi loài người đạt tới một trình độ tư duy nhất định. Ngôn ngữ đầu tiên ra đời là ngôn ngữ điệu bộ. Muốn trao đổi được thông tin với nhau, con người phải dùng hệ
thống các động tác, tín hiệu để bắt chước sự vật, hiện tượng. Như vậy, “diễn” sẽ có trước “xướng”. “Diễn” câm sẽ có trước diễn nói và diễn hát. “ Xướng” là phương thức phục vụ cho sự thể hiện nghệ thuật bắt chước của hành động “diễn” [46].
Tác giả Hoàng Tiến Tựu trong các công trình nghiên cứu của mình đã chia “diễn xướng” thành: Nói, hát, kể, diễn. Trong đó “diễn” bao gồm nói, hát, động tác, điệu bộ... “Diễn” chính là hình thức biểu diễn chủ yếu và tiêu biểu nhất của nghệ thuật sân khấu dân gian [50, tr.64]. Dựa trên nghĩa của từ “diễn” này, khái niệm “diễn xướng” có thể hiểu theo hai nghĩa sau:
Nghĩa rộng, diễn xướng chỉ toàn bộ các sáng tác phi kịch bản tồn tại bằng phương thức biểu diễn không chuyên, có thể thay đổi để biểu đạt thông tin.
Nghĩa hẹp, diễn xướng chỉ các sáng tác dân gian có tính tổng hợp cao được trình bày bằng phương thức sinh hoạt văn hóa có trình diễn [46].
Nói đến “diễn xướng” trong diễn xướng Thơ lẩu, ta hiểu theo nghĩa hẹp như trên.
3.2.1. Môi trường diễn xướng
Thơ lẩu khác với các sản phẩm văn hoá khác của người Tày như: hát Then, hát Lượn… ở phạm vi môi trường diễn xướng. Nếu hát Then, hát Lượn là hình thức sinh hoạt dân gian thường thấy trong các lễ h ội, thì diễn xướng Thơ lẩu chỉ xuất hiện trong đám cưới, gắn liền với không gian, thời gian tổ chức đám cưới. Diễn xướng Thơ lẩu thường được tổ chức nhiều nhất vào mùa cưới (từ tháng mười đến tháng chạp âm lịch). Đây là thời điểm đồng bào dân tộc đã kết thúc vụ mùa, ít bận công việc nhà nông, dồi dào lương thực, vật chất, lại có nhiều thời gian nhàn rỗi. Điều quan trọng hơn, thời điểm này là tiết thu đông có lẽ thường hay đem lại những rung cảm tinh tế, ấm áp trong tâm hồn của mỗi con người, nhất là làm bừng cháy thêm niềm khát khao hạnh phúc gia đình đối với những kẻ đang yêu.
Không gian diễn xướng Thơ lẩu không trải rộng trên tất cả không gian đám cưới mà chỉ tập trung nhất trong phạm vi hai gia đình nhà đám. Các bài Thơ lẩu được diễn xướng cùng một số tục lệ, nghi lễ. Do vậy, cổng nhà, cầu thang, cửa chính, gian tiếp khách, đến trước bàn thờ... đều là “sân khấu”. Những đám cưới càng đông vui thì không gian diễn xướng càng nhộn nhịp, thu hút được nhiều người.
Thực tế, Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn đang thay đổi và dần bị lãng quên trong đời sống. Khi cuộc sống và các phong tục, tập quán của đồng bào Tày ở địa phương thay đổi thì Thơ lẩu cũng sẽ vận động biến đổi theo từ thời gian, không gian diễn xướng đến các lời ca, điệu hát.
3.2.2. Nhân vật diễn xướng
Nghiên cứu, khảo sát Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn, dễ dàng nhận thấy trong các bài hát không có sự xuất hiện rõ ràng của các nhân vật diễn xướng. Bởi nhân vật diễn xướng và nhân vật trữ tình trong Thơ lẩu bị đồng nhất.
Người diễn xướng các bài Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn không chỉ có Quan làng, Pả mẻ mà còn có Chủ hôn và Phường họ bạn. Chủ hôn là người đại diện cho gia đình, được cử ra để giao tiếp và đưa ra thử thách với gia đình thông gia. Phường họ bạn tham gia vào diễn xướng Thơ lẩu trong các nghi lễ như: chăng dây, giao tặng phẩm, chúc mừng... cũng cử ra đại diện của mình. Chủ hôn và những người đại diện cho Phường nếu không hát được có thể nhờ Quan làng hay Pả mẻ hát giúp. Ngoài ra, nếu được yêu cầu thì Phù dâu, Phù rể cũng sẽ tham gia vào diễn xướng. Phù dâu, Phù rể thường có tới 4 - 6 người. Họ là những người chưa vợ, chưa chồng, hoạt bát, lanh lợi, có tài ứng khẩu. Họ có thể cử đại diện ra hát hoặc nhờ Quan làng, Pả mẻ hát thay.
Như vậy, có thể nhận thấy vai trò của Quan làng và Pả mẻ rất quan trọng trong diễn xướng Thơ lẩu. Họ dẫn dắt, tổ chức các bước của quá trình diễn xướng, đồng thời là những nghệ nhân diễn xướng chủ yếu, là người “giữ lửa”, là “linh hồn” của cả phái đoàn. Quan làng, Pả mẻ là người
thay mặt nhà trai, nhà gái, có đủ thẩm quyền và khả năng giải quyết mọi công việc, thực hiện các nghi lễ đám cưới. Trong xã hội xưa, Quan làng và Pả mẻ được chọn phải là những người đứng tuổi, thân thiết trong gia đình, ngoại giao tốt, thuộc nhiều bài hát dân gian, biết làm thơ và nhanh trí trong ứng xử. Họ cũng là người có uy tín, lịch thiệp, đông con, có cả con trai lẫn con gái, vợ chồng song toàn. Nếu họ là người có địa vị trong xã hội thì càng tốt. Quan làng, Pả mẻ là những người có uy tín trong việc đưa dâu, đón dâu chứ không phải là những ông Then, thầy Pụt. Ngày nay, Quan làng, Pả mẻ đã được “chuyên nghiệp hoá”, được coi như một nghề trong cuộc sống. Nhưng nếu các nghề khác, con người lao động để kiếm sống thì Quan làng và Pả mẻ lại coi việc giúp đỡ các gia đình nhà đám là trọng. Họ hát để thực hiện các nghi lễ, gieo thêm niềm vui và chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ trong đám cưới, còn thù lao với họ thì chỉ đơn giản là một bữa cơm rượu hay đĩa xôi, con gà. Với sự nhiệt tình như vậy, họ cũng được coi là thành viên của gia đình.
Các bài Thơ lẩu không thể hát tùy tiện, mà phải theo trật tự nhất định, nên việc tổ chức hát cũng được quy định chặt chẽ và có những tiêu chuẩn nhất định. Thơ lẩu mang tính “ngoại giao”, cho nên, bất kể ai khi diễn xướng, cái tôi của họ sẽ hòa vào ca từ của bài hát để thể hiện vai trò, nhiệm vụ và bộc lộ tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của chính mình cũng là của cả phái đoàn với mọi người. Nhân vật diễn xướng trong các lời hát hiện lên không chỉ là cá nhân Quan làng hay Pả mẻ mà còn đại diện cho hai họ. Lúc này, nhân vật trữ tình và nhân vật diễn xướng đều hòa nhập làm một, cảm xúc chứa đựng trong mỗi lời ca tiếng hát là tiếng nói của con tim, hết sức chân thành, tha thiết. Nói cách khác nhân vật diễn xướng và nhân vật trữ tình trong Thơ lẩu là một.
3.2.3. Trang phục diễn xướng
Trong đám cưới người Tày ở Chợ Đồn - Bắc Kạn xưa, người diễn xướng phải mặc quần áo truyền thống như cách ăn vận của mọi người. Đó là áo chàm, bằng vải bông tự dệt và khâu lấy. Trang phục truyền
thống của người Tày được cắt may đơn giản, không màu sắc sặc sỡ và không có hoa văn, hoạ tiết trang trí loè loẹt. Áo dài của đàn ông và phụ nữ đều là áo năm thân. Áo của nữ giới màu chàm dài tới bắp chân, của nam giới màu đen dài tới đầu gối. Ngoài áo chàm nữ giới còn mặc quần hoặc váy, thắt lưng, khăn đội đầu, đi giày vải. Nam giới mặc quần đen hoặc trắng, quấn khăn dài hoặc đội khăn xếp, hoặc đội mũ, đi giày vải.
Ngày nay, quần áo dân tộc không phổ biến. Người Tày chuyển sang ăn mặc theo kiểu thời trang phổ thông như đồng bào miền xuôi. Nhưng dù có ăn vận thế nào thì yêu cầu về trang phục của người diễn xướng cũng phải thật chỉnh tề, sang trọng. Một số Quan làng còn mặc Âu phục, nhưng đội mũ nồi. Một số Pả mẻ còn mặc áo dài của người Kinh.
Như vậy, trang phục diễn xướng Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn cũng có sự thay đổi phù hợp với sự thay đổi về hoàn cảnh xã hội, tập tục sinh hoạt của đồng bào địa phương. Tuy nhiên, tiếc rằng trang phục truyền thống không còn phổ biến và đang bị thu hẹp phạm vi sử dụng một cách nhanh chóng. Việc một đám cưới được tổ chức ăn mặc theo kiểu truyền thống sẽ có tác động tích cực tới ý thức bảo tồn trang phục truyền thống nói chung và các giá trị văn hoá của người Tày nói riêng.
3.2.4. Hình thức diễn xướng
* Hát
Nhìn chung, hình thức chủ yếu của diễn xướng Thơ lẩu ở Chợ Đồn - Bắc Kạn là hát đối đáp. Hát đối đáp trước hết thể hiện ở người hát. Khi diễn xướng, hai gia đình được chia ra làm hai phía. Phía nhà trai, đại diện chủ yếu là Quan làng. Nhà gái đại diện chủ yếu là Pả mẻ. Thường cứ đại diện nhà gái hát xong thì đại diện nhà trai sẽ hát tiếp lời. Quá trình hát cứ nối nhau như vậy cho đến khi các nghi lễ đám cưới kết thúc.