Đặc điểm của chia tài sản chung của vợ chồng

Một phần của tài liệu Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Trang 28)

Sở hữu của vợ chồng đối với tài sản chung thuộc hình thức sở hữu chung. Do vậy, chia tài sản chung của vợ chồng cũng mang một số đặc điểm

chung của chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung. Theo đó, vợ chồng với

tư cách là các đồng sở hữu đối với tài sản chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; tài sản chung không thể chia bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để chia… Tuy nhiên, so với các sở hữu chung khác, sở hữu chung của vợ chồng mang nhiều nét đặc thù như sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất với phần quyền sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản chung không được xác định; khi hình thành quan hệ hôn nhân hợp pháp, sở hữu chung của vợ chồng cũng mặc nhiên được xác lập theo quy định của pháp luật mà không cần bất cứ thỏa thuận nào về tài sản của vợ chồng…Vì vậy, bên cạnh một số điểm chung như chia tài sản thuộc các loại sở hữu chung khác, chia tài sản chung của vợ chồng còn mang những đặc điểm riêng sau đây:

Chỉ được chia tài sản chung của vợ chồng khi thuộc trường hợp chia pháp luật quy định

Mục đích tiến tới hôn nhân của hầu hết các đôi nam, nữ là cùng nhau xây dựng gia đình, no ấm, hạnh phúc, cùng yêu thương, chia sẻ. Vì vậy, nhiều tác giả cho rằng sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà nhằm chung sống với nhau suốt đời, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững là một trong những đặc điểm của hôn nhân và tính chất bền vững suốt đời là đặc trưng của hôn nhân xã hội chủ nghĩa. Với đặc trưng đó của hôn nhân, pháp luật Việt Nam quy định chế độ tài sản chung của vợ chồng bắt đầu từ khi quan hệ hôn nhân được xác lập và được thực hiện trong suốt thời kỳ hôn nhân, vợ chồng không thể thoả thuận nhằm thay đổi trongộ tài sản chung này. Bởi vậy, không giống như hình thức sở hữu chung theo phần, các chủ sở hữu có thể yêu cầu hoặc thỏa thuận chia tài sản chung với nhiều lý do khác nhau xuất phát từ ý muốn chủ quan của họ, việc chia tài sản chung của vợ

chồng chỉ được thực hiện khi "rơi" vào các trường hợp chia do pháp luật dự liệu, vợ chồng không thể chia tài sản chung chỉ vì ý thích cá nhân của vợ chồng.

Đặc biệt, trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, mặc dù vợ chồng được quyền chủ động trong việc thỏa thuận chia hoặc không chia tài sản chung nhưng không phải là sự thỏa thuận "tùy hứng" theo ý chí của vợ chồng mà phải trên cơ sở các lý do pháp luật quy định. Trong trường hợp này, lý do chia phù hợp với quy định pháp luật trở thành một trong những điều kiện để công nhận hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng. Quy định như vậy nhằm tránh tình trạng vợ chồng lạm dụng quyền yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân làm phá vỡ chế độ tài sản chung của vợ chồng, gây ảnh hưởng đến đời sống chung của gia đình.

Cơ chế phân chia đặc biệt

Các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp chia khi vợ hoặc chồng chết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp khi vợ chồng không thỏa thuận được hoặc sự thỏa thuận của vợ chồng vi phạm các quy định pháp luật như không đảm bảo lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên… Với đặc điểm của sở hữu chung hợp nhất - phần quyền của vợ, chồng trong khối tài sản chung không được xác định trước, khi tài sản chung được chia tại Tòa án, về nguyên tắc tài sản chung được chia đôi cho vợ và chồng. Trên cơ sở đó, công sức đóng góp của vợ chồng được cân nhắc để đảm bảo việc phân chia tài sản chung công bằng và hợp lý khi vợ chồng ly hôn. Như vậy, chia tài sản chung của vợ chồng đặc biệt ngay từ cách chia tài sản. Thông thường, để chia tài sản chung trước tiên người ta phải tính toán phần đóng góp nhiều ít của các đồng chủ sở hữu từ đó mới phân chia tài sản cho các đồng sở hữu tương ứng với phần đóng góp đó. Vì vậy, đóng góp của mỗi đồng chủ sở hữu là căn cứ đầu tiên để tính toán giá trị tài sản chung được chia. Ví dụ như khi công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên giải thể hoặc phá sản, các thành viên sẽ được chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp của mình (Điểm đ Khoản 1 Điều 41 Luật Doanh nghiệp năm 2005). Ngược lại, chia tài sản chung của vợ chồng lại bắt

đầu bằng việc áp dụng nguyên tắc chia đôi, sau đó mới xem xét đến công sức đóng góp, hoàn cảnh…của mỗi bên. Đồng thời, việc tính toán công sức đóng góp của vợ, chồng cũng chỉ mang tính ước lượng tương đối mà không thể tính toán số học một cách tuyệt đối như đối với các trường hợp đóng góp ở hình thức sở hữu chung theo phần. Đặc biệt hơn, khi vợ, chồng chết tài sản chung được chia đôi mà không xét đến công sức đóng góp nhiều hay ít của vợ, chồng. Cơ chế phân chia này duy nhất chỉ xuất hiện ở chia tài sản chung của vợ chồng mà không tồn tại ở các sở hữu chung khác.

Một phần của tài liệu Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)