chung vợ chồng khi vợ hoặc chồng chết
Khác với nguyên tắc chia chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được quy định khá chi tiết, thì nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi một bên vợ hoặc chồng chết lại không được Luật HN&GĐ năm 2000 và các văn bản dưới luật quy định. Thực tiễn xét xử cho thấy, trong trường hợp này các Tòa án thường tiến hành chia đôi tài sản chung của vợ chồng mà không tính đến công sức đóng góp của các bên trong việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản chung. Thực tiễn này có thể được duy trì từ Luật HN&GĐ năm 1986 "khi một bên chết trước, nếu cần chia tài sản chung của vợ chồng thì chia đôi. Phần tài sản của người chết được chia theo quy định của pháp luật
thừa kế" (Điều 17) và Pháp lệnh thừa kế năm 1990 "trong trường hợp vợ hoặc chồng chết thì một nửa tài sản chung của vợ chồng thuộc về di sản của người
chết" (Khoản 2 Điều 4). Việc không xem xét công sức đóng góp của mỗi bên
đối với khối tài sản chung có thể do một bên đã chết và khó có cơ sở để tính toán công sức đóng góp của họ. Tuy nhiên đó chỉ là phỏng đoán cá nhân mà không có căn cứ pháp lý cụ thể. Và khi pháp luật không có quy định thì liệu có phải Tòa án nào cũng áp dụng nguyên tắc đó để giải quyết?
Ví dụ, vụ tranh chấp tài sản giữa chị P (con vợ ba) và bà G (vợ cả) về tài sản thừa kế của ông V. Trước khi chết Ông đã lập di chúc cho chị P được hưởng toàn bộ di sản thừa kế của mình trong phần tài sản là nhà, quyền sử
dụng 200 m2 đất mà ông cho rằng nhà đất đó là tài sản chung của ông và bà G.
Sau khi Ông chết, chị P và bà G xảy ra tranh chấp, chị P yêu cầu chia tài sản chung để nhận di sản thừa kế còn bà G thì khẳng định đó không phải tài sản chung vì đất do bà lấn chiếm được trong thời gian ông V ở với bà hai và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà. Sau khi bản án sơ thẩm của TAND quận Tân Bình xác định nhà và đất là tài sản riêng của bà G, chị P đã kháng cáo và được TAND Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa nhận định, 70m2 đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản chung của ông V và bà G do đó chia đôi cho ông V và bà G mỗi người một nửa. Chị P được hưởng phần của ông V theo định
đoạt của ông trong di chúc (35m2 đất). Sau đó, Hội đồng giám đốc thẩm Tòa
Dân sự TANDTC đã họp và nhận định bà G có công tạo lập chủ yếu lại chỉ được hưởng một nửa tài sản ngang chồng là không thỏa đáng. Cùng với việc xác định di chúc không hợp pháp, Hội đồng đã ra quyết định hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giao cho TAND quận Tân Bình xét xử sơ thẩm lại. Tháng 9 năm 2008 TAND quận Tân Bình xét xử sơ thẩm, sau khi xem xét công sức của bà G, Tòa quyết định chia 70 m2 đất là tài sản chung theo tỷ lệ 7: 3, bà G được hưởng 7 phần tương đương với 49 m2
và ông V được hưởng 3 phần tương ứng là 21 m2 đất.
Ở đây, chúng tôi không bình luận về việc xác định tài sản chung của Tòa án mà nhấn mạnh đến nguyên tắc mà Tòa án áp dụng để chia tài sản chung khi một bên vợ, chồng chết trước. Như trên đã nêu, trong trường hợp vợ hoặc chồng chết trước, việc chia đôi tài sản chung của vợ chồng, mỗi bên được hưởng một nửa được xem là nguyên tắc kế thừa của Luật HN&GĐ năm 1986 và Pháp lệnh thừa kế năm 1990, nguyên tắc này cũng được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Luật Hôn nhân gia đình thừa nhận. Tuy nhiên, qua vụ án trên, ta thấy, một trong những lý do để Hội đồng thẩm phán TANDTC hủy bản án để xét xử sơ thẩm lại là việc chia tài sản chung chưa xem xét đến công sức đóng góp của bà G. Vẫn biết, án lệ ở Việt Nam không được thừa nhận, nhưng trước một vấn đề bị pháp luật "bỏ ngỏ", sự khác nhau trong hướng giải quyết được giới nghiên cứu đưa ra và thực tiễn giải quyết của Tòa án cấp trên như vậy, Tòa án các cấp có thể lúng túng trong việc lựa chọn hướng giải quyết khi phải xét xử những vụ án chia tài sản chung của vợ chồng trong tình huống này. Vì vậy câu hỏi tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp vợ, chồng chết trước được chia như thế nào; có xem xét đến công sức đóng góp của mỗi bên hay không cần phải được trả lời bằng một quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật để các Tòa án có cơ sở áp dụng thống nhất.