vợ hoặc chồng chết
Sau khi chia tài sản chung, phần tài sản mà người chồng, vợ còn sống được chia hoàn toàn thuộc quyền sử dụng, định đoạt của người đó. Phần tài sản của người đã chết trở thành di sản của người đó và được chia theo quy định của pháp luật thừa kế.
Khác với cái chết sinh học, cái chết pháp lý được được coi là cái chết suy đoán. Suy đoán chết là khi không có căn cứ để khẳng định người nào đó là còn sống như "biệt tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến
tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống…" [38, Điều 81].
Vì thế quyết định tuyên bố một người là đã chết có thể bị hủy khi người đó trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống. Vậy các quan hệ nhân thân, đặc biệt là quan hệ tài sản của vợ chồng sau khi đã chia tài sản chung thì được giải quyết thế nào? BLDS năm 2005 đã dự liệu tình huống này tại Điều 83 và Luật HN&GĐ năm 2000 cũng đã quy định:
Khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố một người là đã chết theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật dân sự mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân đương nhiên được khôi phục; trong trường hợp vợ hoặc chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn
nhân được xác lập sau có hiệu lực pháp luật [34, Điều 26].
(Điều 93 BLDS năm 1995 tương ứng với Điều 83 BLDS năm 2005). Theo đó, quan hệ hôn nhân của người bị tuyên bố là đã chết trở về có được khôi phục hay không tùy thuộc vào việc người chồng, vợ còn sống đã xác lập quan hệ hôn nhân mới hay chưa. Nếu người này chưa kết hôn với người khác thì quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa hai vợ chồng đương
nhiên được khôi phục. Nhưng quan hệ tài sản được khôi phục như thế nào thì cả BLDS năm 2005 và Luật HN&GĐ năm 2000 đều không có quy định cụ thể.