Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Một phần của tài liệu Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Trang 43 - 45)

Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là hết sức phức tạp và khó khăn. Nếu như vợ chồng thuận tình ly hôn, hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung thì việc chia tài sản chung sẽ phụ thuộc vào ý chí của hai bên và thường được tiến hành đơn giản, nhanh chóng. Tuy nhiên, thông thường, ly hôn là khi tình nghĩa vợ chồng không còn nên rất khó có thể tìm được sự đồng thuận của vợ chồng trong phân chia tài sản. Lúc này, Tòa án phải đảm nhận "trách nhiệm" phân chia tài sản chung của vợ chồng. Việc phân chia tài sản chung của vợ chồng ở Tòa án phải hết sức cẩn trọng, hợp tình, hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả hai vợ chồng. Theo quy định tại Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2000, khi ly hôn tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi. Tuy nhiên, để đảm bảo thanh toán tài sản chung được công bằng, hợp lý Tòa án cần xem xét công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung. Việc cân nhắc vợ, chồng có đóng góp tích cực (làm gia tăng, phát triển) hay đóng góp tiêu cực (phá tán, làm giảm sút) vào khối tài sản chung của vợ chồng là quan trọng, cần thiết nhưng việc tính toán đóng góp nhiều ít trong quan hệ vợ chồng là hết sức khó khăn và chỉ mang tính chất tương đối.

Bên cạnh đó, chia tài sản chung khi ly hôn cũng cần xét đến hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên… lợi ích của vợ, chồng trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động nghề nghiệp… để quyết định chia tài sản chung bằng hiện vật hay giá trị, hoặc chia loại tài sản nào cho phù hợp. Thông thường, vợ hoặc người trực tiếp nuôi con chưa thành niên sẽ được ưu tiên những tài sản giúp họ dễ dàng ổn định cuộc sống; bên sản xuất kinh doanh được ưu tiên những tài sản gắn liền với hoạt

động kinh doanh, nghề nghiệp… Tuy nhiên, "bên nào nhận phần tài sản bằng

hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên

kia phần giá trị chênh lệch" [34, Điểm d Khoản 2 Điều 95].

Thông thường, quyền sử dụng đất và nhà ở là những tài sản có giá trị nhất trong số các tài sản chung của vợ chồng. Giá trị tài sản lớn khiến cho các tranh chấp chia tài sản chung là quyền sử dụng đất và nhà ở có nhiều phức

tạp. Do vậy, luật quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, cách thức phân chia đối với hai loại tài sản này. Nhìn chung, khi chia quyền sử dụng đất vẫn phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản tại Điều 95 (phân tích ở trên) nhưng đồng thời phải kết hợp với các nguyên tắc đặc thù khác để phù hợp với các quy định pháp luật đất đai. Đặc biệt là chia quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, bên cạnh các nguyên tắc chung thì cần phải xem xét năng lực khai thác của mỗi bên nhằm tránh lãng phí tài nguyên. Đối với chia nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng, luật ghi nhận việc phân chia được thực hiện trên nguyên tắc bằng hiện vật - nếu nhà ở có thể chia để sử dụng thì tiến hành chia theo các nguyên tắc quy định tại Điều 95. Nếu không thể thực hiện chia nhà ở để hai bên cùng sử dụng thì bên được tiếp tục sử dụng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng.

Một phần của tài liệu Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Trang 43 - 45)