Nhắc tới áp dụng pháp luật, chủ thể đầu tiên được nhắc tới và cũng đóng vai trò quan trọng đó là Tòa án. Hiện nay, tình trạng thiếu cán bộ đặc biệt là đội ngũ thẩm phán hầu như năm nào cũng được nhắc tới trong báo cáo tổng kết ngành Tòa án hàng năm. Tòa án cấp huyện, nơi xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ việc HN&GĐ không có thẩm phán chuyên trách, số lượng vụ việc cần giải quyết nhiều dẫn đến tình trạng tồn đọng án, đặc biệt là tình trạng án phải xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm khá nhiều. Theo Báo cáo của TANDTC, năm 2007, trong số 73.174 vụ việc đã được Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết, có 2.936 vụ việc phải xét xử phúc thẩm, 141 vụ việc thụ lý để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Năm 2008, tổng số 79.143 vụ việc được Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết, có 2.975 vụ việc phải xét xử phúc thẩm, 111 vụ việc thụ lý để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm… [48]. Trong đó, có nhiều vụ việc không phức tạp, đầy đủ căn cứ pháp luật để giải quyết nhưng do hạn chế về trình độ hoặc do thiếu "công tâm" mà thẩm phán đã giải quyết không đúng pháp luật, không bám sát các nguyên tắc chia tài sản chung được quy định tại Luật HN&GĐ năm 2000 và các quy định có liên quan của các luật chuyên ngành khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích chính đáng của đương sự, mất lòng tin của nhân dân. Bởi vậy, bên cạnh việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật, một vấn đề quan trọng và cần thiết khác là ngành Tòa án phải tiếp tục tăng cường số lượng, kịp thời bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán khi hết nhiệm kỳ... Bổ nhiệm các thẩm chuyên trách về HN&GĐ cho Tòa án cấp huyện để nâng cao chất lượng xét xử các vụ việc về HN&GĐ tại cấp xét xử này. Đồng thời, Nhà nước cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ xét xử các vụ việc về HN&GĐ đặc biệt là vụ việc về chia tài sản chung của vợ chồng để các thẩm phán trao đổi kinh nghiệm, học tập nâng cao kỹ năng xét xử. Bên cạnh đó, TANDTC cần định kỳ ban hành các tập hợp án điển hình về các vụ án liên quan đến chế định chia tài sản chung của vợ chồng để thẩm phán Tòa án các cấp nghiên cứu, học tập và vận dụng vào thực tiễn xét xử. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng xét
xử của các vụ việc liên quan đến chia tài sản chung của vợ chồng, giảm số lượng án bị kháng cáo, kháng nghị.