Chia tài sản chung của vợ chồng theo pháp luật thời kỳ Pháp thuộc

Một phần của tài liệu Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Trang 31)

Pháp thuộc

Trong thời kỳ Pháp thuộc, tồn tại song song ba Bộ dân luật là Bộ Dân luật giản yếu Nam Kỳ (DLGYNK) năm 1883, Bộ Dân luật Bắc Kỳ (DLBK)

năm 1931 và Hoàng việt Trung Kỳ hộ luật (DLTK) năm 1936. DLGYNK không có quy định về hôn sản, di sản và tự sản. Do đó, chế độ hôn sản ở Nam Kỳ được áp dụng theo án lệ trên các nguyên tắc: Người vợ không có của riêng theo quy định của DLGYNK, người chồng là chủ sở hữu toàn thể gia sản. Do tài sản trong gia đình được coi là thuộc quyền sở hữu duy nhất của chồng nên trường hợp vợ chết thì chồng là chủ sở hữu đối với toàn bộ tài sản của gia đình nhưng nếu chồng chết thì vợ chỉ có quyền hưởng dụng thu lợi trên toàn bộ tài sản của gia đình trong thời kỳ ở góa. Đồng thời, trong trường hợp vợ chồng ly hôn, toàn bộ tài sản của gia đình phải để lại cho người chồng, người vợ chỉ có quyền lấy đi những tài sản được coi là của riêng của vợ theo án lệ (đồ tư trang của vợ, tài sản người vợ được gia đình vợ tặng cho...). Như vậy, theo DLGYNK chia tài sản không được đặt ra trong bất kỳ trường hợp nào.

Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, DLBK và DLTK đều quy định cho vợ chồng có quyền lập hôn ước. Chế độ hôn sản pháp định chỉ được áp dụng khi vợ chồng không có hôn ước hoặc hôn ước bị tiêu hủy do không hợp lệ. Theo quy định trong DLBK và DLTK chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ cộng đồng toàn sản. Về chia tài sản của vợ chồng, trường hợp chồng chết trước, người vợ chỉ có quyền hưởng dụng khối cộng đồng tài sản trong thời kỳ ở góa, nhưng nếu vợ chết trước thì chồng trở thành chủ sở hữu tất cả của cải trong khối cộng đồng kể cả kỷ phần của vợ (Điều 113 DLBK và Điều 111 DLTK). Trường hợp vợ chồng ly hôn, việc chia tài sản của vợ chồng được thực hiện theo hôn ước. Nếu không có hôn ước, thì áp dụng Điều 112 DLBK và Điều 110 DLTK chia như sau: Nếu vợ chồng không có con, sau khi mỗi người nhận lại kỷ phần của mình, tài sản còn lại được chia đôi cho vợ chồng, nếu vợ "phạm gian" dẫn tới ly hôn thì vợ chỉ được một phần tư. Nếu vợ chồng ly hôn mà còn có con, pháp luật quy định không thanh toán tài sản, người vợ chỉ được hưởng một phần của chung, phần này nhiều hay ít tùy theo phần người vợ đã góp vào và làm tăng thêm khối của chung và sẽ giảm đi nếu vì vợ "phạm gian" mà dẫn tới ly hôn.

Như vậy, cả ba Bộ Dân luật kể trên, các quy định về chia tài sản của vợ chồng khi vợ hoặc chồng chết và khi vợ chồng ly hôn đều thể hiện sự bất

bình đẳng giữa vợ và chồng, sự bất công đối với người vợ, bảo vệ quyền của người gia trưởng - người chồng trong gia đình. Bên cạnh đó, trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cũng chưa được quy định.

Một phần của tài liệu Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)