chung của vợ chồng khi ly hôn
Việc chia tài sản chung khi ly hôn có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó quyết định đến đời sống sau ly hôn của vợ, chồng, ảnh hưởng đến quyền lợi ích của vợ chồng và những người có liên quan. Vì thế, khi tiến hành chia tài sản chung, các Tòa án thường tiến hành thận trọng, vận dụng và bám sát các nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng ví dụ như bản án số 47/2010/LHST của TAND quận Hai Bà Trưng (mục 2.2). Nhưng trên thực tế, một số Tòa án chưa áp dụng tốt các quy định của Luật HN&GĐ và các luật có liên quan về chia tài sản chung vợ chồng nên còn tồn tại không ít bản án ly hôn chia tài sản chung chưa "hợp tình, hợp lý" dẫn đến kháng cáo, kháng nghị và phải xét xử nhiều lần. Bản án ly hôn sau đây giữa anh Hồ Văn Phước và chị Trần thị Tuyết Sương là một ví dụ điển hình khi Tòa án không biết do vô tình hay cố ý "quên" không áp dụng các nguyên tắc chia tài sản chung được Luật HN&GĐ quy định gây ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của chị Sương và gây bất bình trong dư luận.
Năm 1987 anh Hồ Văn Phước và chị Trần Thị Tuyết Sương kết hôn. Năm 2001 vợ chồng vay mượn rất nhiều tiền để mua sắm máy móc, tài sản phục vụ công việc làm ăn. Sau đó, vợ chồng mâu thuẫn, anh Phước bỏ nhà đi. Một mình chị Sương phải lo kinh doanh để trả nợ chung, nuôi con. Khi chị bắt đầu làm ăn phát đạt thì anh Phước trở về đòi ly hôn và chia tài sản. Bán án sơ thẩm của TAND huyện Châu Thành và đặc biệt là bản án phúc thẩm số 27/HNPT ngày 28 tháng 09 năm 2007 của TAND tỉnh Kiên Giang đã xử chia đôi toàn bộ tài sản chung của vợ chồng, mỗi người được hưởng 482.500.000 đồng.
Như vậy, TAND tỉnh Kiên Giang đã áp dụng một cách máy móc đem chia đôi tài sản chung mà không vận dụng các quy định khác của nguyên tắc chia tài sản chung trong đó có nguyên tắc "xem xét công sức đóng góp của
mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản chung" (Điểm a Khoản 2
Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2000). Trong vụ án trên, rõ ràng, chị Sương có công sức rất lớn trong việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản chung của vợ chồng, thậm chí, với những tình tiết trong vụ án thì còn có thể khẳng định hầu hết tài sản chung của vợ chồng hiện có đều do chị Sương gây dựng lên. Thế nhưng, khi ly hôn, chị và anh Phước - người chồng đã bỏ đi lúc gia đình khó khăn và trở về khi đã có "của ăn của để" lại được chia số tài sản bằng nhau. Điều đó cho thấy, khi xét xử TAND tỉnh Kiên Giang đã không xem xét hợp lý công sức đóng góp của chị Sương dẫn đến quyền lợi của chị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy là, pháp luật đã quy định nhưng khi áp dụng thực tế Tòa án vẫn "phớt lờ", dẫn tới những bản án sai phạm như trên.
Một ví dụ khác minh chứng cho sai sót trong việc áp dụng pháp luật của của chính cơ quan bảo vệ pháp luật đó là vụ ly hôn của chị Nguyễn Thị Hằng Nga và anh Đặng Ngọc Khánh thường trú tại phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Trong bản án số 32/2009/HNGĐ-ST, TAND quận Lê Chân đã chia đôi tất cả tài sản chung của vợ chồng trong đó có cả Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Đông Long (công ty do hai vợ chồng góp vốn thành lập). Tất cả tài sản của công ty đều được định giá để chia như: máy tính, máy in và các thiết bị văn phòng khác; tiền mặt và các hợp đồng kinh tế khác của công ty cũng
được Tòa giải quyết trong vụ án ly hôn. Sau bản án ly hôn, công ty Đông Long không còn tài sản để hoạt động vì toàn bộ tài sản đứng tên công ty (một pháp nhân) đã được xác định là tài sản chung của vợ chồng anh Khánh, chị Nga (hai thành viên góp vốn) và được đem chia cho hai anh chị khi ly hôn.
Việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn không chỉ áp dụng các quy định của Luật HN&GĐ để giải quyết mà tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án phải xem xét và áp dụng các quy định có liên quan đối với các loại tài sản tương ứng. Ví dụ khi chia tài sản chung là nhà ở, quyền sử dụng đất, ngoài việc đảm bảo các nguyên tắc chung quy định tại điều 95, Tòa còn phải vận dụng các điều luật tương ứng tại Điều 96, 97, 98, 99 Luật HN&GĐ năm 2000, các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở…như khi chia nhà ở cho vợ hoặc chồng là việt kiều phải xem người đó có thuộc diện được sở hữu nhà ở theo quy định của luật nhà ở hay không, có như vậy bản án mới được coi là đúng pháp luật. Trong bản án trên, mặc dù công ty Đông Long do hai vợ chồng anh Khánh và chị Nga góp vốn thành lập nhưng tài sản của công ty được mang tên công ty TNHH Đông Long. Khối tài sản đó được điều chỉnh bởi cả Luật hôn nhân và gia đình và Luật doanh nghiệp. Việc TAND quận Lê Chân chỉ căn cứ vào Điều 27 và Điều 95 của Luật HN&GĐ năm 2000 để mang tài sản thực tế của công ty trách nhiệm hữu hạn Đông Long chia cho anh Khánh và Chị Nga là không phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể, TAND quận Lê Chân đã không vận dụng các quy định tương ứng của Luật doanh nghiệp năm 2005 về quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên như "không được rút vốn ra khỏi công ty dưới mọi hình thức trừ trường hợp yêu cầu công ty, thành viên khác mua lại; chuyển
nhượng, xử lý theo quy định" (Khoản 1 Điều 42) và "được chia giá trị tài sản
còn lại của công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản" (Điểm d Khoản 1 Điều
41). Việc đồng nhất tài sản của pháp nhân (công ty Đông Long) với tài sản của thể nhân (anh Khánh, chị Nga) của TAND quận Lê Chân là không đúng pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều chủ thể liên quan như bạn hàng, chủ nợ… của công ty Đông Long. Cùng với việc xác định tài sản chung
không chính xác, việc Tòa án đem chia toàn bộ tài sản công ty còn không đảm
bảo được nguyên tắc chia tài sản chung là bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi
bên trong sản xuất kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục
lao động tạo thu nhập bởi sau khi ly hôn, anh Khánh, chị Nga sẽ tiếp tục kinh
doanh như thế nào khi công ty do anh chị góp vốn gần như giải thể vì không còn tài sản hoạt động?
Theo chúng tôi trong trường hợp này, để duy trì hoạt động của công ty TNHH Đông Long theo quy định của Luật Doanh nghiệp mà vẫn giải quyết được yêu cầu chia tài sản chung của anh Khánh, chị Nga khi anh chị ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì Tòa án cần căn cứ vào công sức đóng góp của anh Khánh, chị Nga để phân định anh Khánh, chị Nga mỗi người được sở hữu bao nhiêu phần trăm giá trị tài sản của công ty TNHH Đông Long để anh Khánh, chị Nga mỗi người có quyền sở hữu, định đoạt phần tài sản riêng đó của mình theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Khi ly hôn, bên cạnh việc tranh chấp tài sản chung, tài sản riêng, vợ
chồng còn khó thỏa thuận được về các tài sản mỗi bên được nhận hoặc bên
nào được nhận tài sản bằng hiện vật, bên nào được nhận tài sản bằng giá trị?
Với những tài sản có giá trị lớn như nhà ở, quyền sử dụng đất thì hầu như cả hai bên đều muốn nhận bằng hiện vật. Thực tế xét xử, việc Tòa án không bám sát và vận dụng tốt nguyên tắc chia tài sản bằng hiện vật hoặc theo giá trị khiến nhiều vợ, chồng sau khi ly hôn lâm vào tình trạng không có nhà ở, đất canh tác vì không được chia hiện vật, giá trị tài sản được chia lại không đủ để kiến tạo chỗ ở mới do hoàn cảnh, điều kiện khó khăn…. Đây cũng là nguyên nhân khiến không ít vụ chia tài sản khi ly hôn phải kéo dài nhiều năm, qua nhiều cấp xét xử do bị kháng cáo, kháng nghị.
Ví dụ, vụ ly hôn của Anh Nguyễn Huy Kiếm và chị Trần Thị Hanh trú tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội phải kéo dài suốt từ năm 2003 đến năm 2008, qua 3 lần xét xử sơ thẩm, 2 lần xét xử phúc thẩm và một lần giám đốc thẩm. Tại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC ngày 07 tháng 10 năm 2008 có ghi lý do hủy bản án phúc thẩm số
83/2005/PTDS ngày 21-4-2005 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và
hủy bản án sơ thẩm số 242/LHST ngày 23-11-2004 của TAND thành phố Hà
Nội về vụ chia quyền sử dụng đất khi ly hôn là "vụ án cần được giải quyết lại theo hướng bảo đảm đất ở cho người phụ nữ khi ly hôn; đồng thời phải đưa
đầy đủ những người thừa kế tham gia tố tụng" [52].
Cũng lại có trường hợp khi chia tài sản chung là nhà ở Tòa án vận dụng
một cách máy móc nguyên tắc "Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung
của vợ chồng có thể chia để sử dụng thì khi ly hôn được chia theo quy định tại Điều 95 của Luật này; nếu không thể chia được thì bên được tiếp tục sử dụng
nhà ở phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng" [34,Điều 98].
Tức là, nếu nhà có thể chia để sử dụng, Tòa án sẽ đem chia đôi cho vợ chồng mà không căn cứ vào nhu cầu sử dụng, nguyện vọng của vợ, chồng.
Ví dụ, vụ kiện chia tài sản chung sau ly hôn của anh Anh Nguyễn Huy
Ngữ, sinh năm 1952; trú tại: Cộng hòa Ba Lan; tạm trú tại: nhà số 47 phố Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội với chị Chị Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1958; trú tại: nhà số 116/10/38 đường Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Khi ly hôn, phần tài sản anh chị tự thỏa thuận và không yêu cầu Tòa xem xét. Tuy nhiên, sau đó hai bên không tự nguyện thực hiện theo cam kết nên anh Ngữ đã khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung sau ly hôn ngôi nhà số 38B Nam Ngư, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, thành Phố Hà Nội. Sau khi xác định ngôi nhà là tài sản chung của anh Ngữ, chị Minh, tại bản án số 233/LHST, TAND thành phố Hà Nội đã tiến hành chia bằng hiện vật như sau:
- Giành một lối đi chung về phía tay phải đứng từ cửa nhà nhìn vào kéo dài đến chân cầu thang của tầng 1, có chiều rộng 1m, chiều dài 8m, diện
tích là 8m2. Mỗi người được chia 1/2 và cùng được sử dụng ngõ đi chung này.
- Chia cho anh Ngữ các diện tích sau: 1 phòng mặt phố Nam Ngư có
chiều rộng 3,02m, chiều dài 7m về phía trái đứng từ cửa nhà nhìn vào có diện tích là 21,14m2; Toàn bộ tầng 2.
- Chia cho chị Minh các diện tích sau: Tầng 1 gồm: phòng cầu thang
và phòng bếp có diện tích 27,39m2;
Toàn bộ tầng 3 và cầu thang tầng 3; Toàn bộ tầng 4 và cầu thang lên tầng 4 gồm tum và 1 phòng thờ, sân...;
- Cùng với việc định giá các phần tài sản (nhà) được chia, anh Ngữ phải thanh toán chênh lệch về tài sản cho chị Minh số tiền là 34.964.104 đồng.
Điều đáng nói ở đây là TAND thành phố Hà Nội đã đem chia đôi bằng hiện vật ngôi nhà số 38B Nam Ngư cho anh Ngữ, chị Minh trong khi hai anh chị đều không trực tiếp quản lý, sử dụng ngôi nhà trên (ngôi nhà đang cho anh Tạ Đình Nam thuê) - anh Ngữ đang sinh sống tại Ba Lan còn chị Minh đã sống ổn định tại Thành phố Hồ Chí Minh và tại phiên tòa sơ thẩm anh Ngữ cũng đã
nói "theo tôi nên bán đi và chia tiền" (BL 89). Đó là căn cứ để khẳng định anh
Ngữ và chị Minh đều không có nhu cầu sử dụng ngôi nhà trên. Việc TAND thành phố Hà Nội đem chia hiện vật (từng phòng) đối với ngôi nhà 38B Nam Ngư mà không xem xét nhu cầu sử dụng, hoàn cảnh của anh Ngữ, chị Minh sẽ gây khó khăn cho anh chị khi thi hành án và ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba (anh Nam). Trong trường hợp này, nếu Tòa án chia toàn bộ ngôi nhà cho một bên để họ có thể dễ dàng cho thuê hoặc bán và thanh toán cho bên kia một nửa giá trị ngôi nhà sẽ hợp lý hơn. Và thực tế, sau bản án sơ thẩm, anh Ngữ đã có đơn kháng cáo đề nghị được chia hiện vật là toàn bộ ngôi nhà số 38B Nam Ngư.
Như vậy, theo chúng tôi, khó khăn lớn nhất của các Tòa án khi quyết định phân chia tài sản chung là việc vận dụng các nguyên tắc chia tài sản chung sao cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể, đảm bảo được quyền, lợi ích của vợ chồng và những người có liên quan. Nguyên tắc chia tài sản chung là quy định để đảm bảo việc phân chia tài sản chung được công bằng, hợp lý. Tuy nhiên, trên thực tế, do tình tiết vụ án phức tạp, thiếu chứng cứ... nên nhiều Tòa án còn thiếu sót trong việc áp dụng các nguyên tắc này. Do đó, khi quyết định chia tài sản chung đặc biệt là nhà ở, quyền sử dụng đất cho vợ, chồng Tòa án cần cân nhắc hết sức cẩn trọng về thực trạng tài sản, hoàn cảnh, nhu cầu và khả năng sử dụng nhà, đất của mỗi bên để đảm bảo việc phân chia
hợp lý, tránh lãng phí tài nguyên, đảm bảo áp dụng đúng tinh thần của các quy định về chia nhà ở, quyền sử dụng đất được quy định tại các điều 96, 97, 98 luật HN&GĐ, Nghị định số 70/2001/NĐ-CP và các quy định có liên quan của Luật Đất đai, Luật Nhà ở…