Quy định cụ thể về lý do chính đáng

Một phần của tài liệu Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Trang 101 - 102)

Việc thiếu tiêu chuẩn để đánh giá lý do vợ chồng đưa ra là chính đáng hay không chính đáng đã khiến cho quy định pháp luật về lý do chia tài sản chung thiếu chặt chẽ và không phát huy tác dụng trong thực tế. Để tránh tình trạng đó, cần quy định cụ thể tiêu chuẩn đánh giá lý do là chính đáng hay không chính đáng. Mục đích lớn nhất để đặt ra chế định chia tài sản chung của vợ chồng là nhằm bảo vệ lợi ích chung của gia đình, vì thế để có thể đánh giá một lý do được nại ra là chính đáng hay không trước hết phải căn cứ vào mục đích của việc chia tài sản chung có nhằm bảo vệ lợi ích gia đình hay không? Chúng tôi cho rằng, đây là tiêu chí quan trọng nhất để một lý do được

coi là chính đáng. Nói cách khác, theo chúng tôi, lý do chia tài sản chung của

vợ chồng sẽ là chính đáng khi việc chia tài sản đó góp phần bảo vệ tốt hơn lợi

ích chung của gia đình. Ví dụ, nếu một bên vợ hoặc chồng thường xuyên có

hành vi phá tán tài sản chung, gây thiệt hại cho lợi ích gia đình, thì trong trường hợp này chia tài sản chung sẽ giúp bảo toàn phần tài sản riêng mà bên không phán tán tài sản được chia từ khối tài sản chung đó, tránh nguy cơ mất toàn bộ tài sản chung. Điều đó cũng có nghĩa là bảo vệ được phần tài sản để lo cho lợi ích chung của gia đình.

Trong trường hợp vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, mâu thuẫn sâu sắc trong việc quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản chung khiến việc thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Điều này cũng khiến cho lợi ích chung của gia đình bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc chia tài sản chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giao dịch liên quan đến tài sản cũng có thể được coi là một trong những lý do chính đáng, bởi tài sản được đưa vào giao dịch sẽ làm tăng lên cơ hội thu lợi nhuận trên tài sản, từ đó, lợi ích gia đình cũng sẽ được tăng lên.

Ngoài ra, trong trường hợp một bên vợ, chồng được coi là vắng mặt tại nơi cư trú hoặc bị tuyên bố mất tích theo các quy định tại các Điều 74, 78

BLDS năm 2005 thì đó cũng có thể được coi là một trong những lý do chính đáng để vợ, chồng yêu cầu chia tài sản chung. Vì trong những trường hợp này, theo quy định tại Khoản 2 Điều 76 và Khoản 2 Điều 77 BLDS năm 2005, người vợ, chồng còn lại là người quản lý tài sản của người vắng mặt, mất tích nhưng họ lại không có quyền định đoạt tài sản đó (trừ trường hợp bán hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hư hỏng và trích một phần tài sản của người vắng mặt để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng…). Trong khi đó, tài sản của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất, nếu không chia thì người vợ, chồng đó cũng không thể tiến hành các giao dịch, đặc biệt là việc chuyển quyền sở hữu đối với các loại tài sản có đăng ký và yêu cầu phải có sự đồng ý của hai vợ chồng. Khi các giao dịch dân sự của vợ chồng bị ngưng trệ thì điều đó không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích riêng của vợ, chồng mà còn ảnh hưởng đến lợi ích chung của gia đình. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, khi một bên vợ hoặc chồng bị coi là vắng mặt tại nơi cư trú hay bị tuyên bố mất tích, thì đây chính là một trong những lý do chính đáng để người còn lại yêu cầu được chia tài sản chung.

Từ những phân tích trên, theo chúng tôi, lý do được coi là chính đáng phải được xem xét, đánh giá dựa trên tiêu chí bảo vệ lợi ích chung của gia đình. Dựa trên tiêu chí này, chúng tôi cho rằng, khi thuộc một trong các trường hợp sau đây vợ chồng có thể yêu cầu chia tài sản chung:

- Một bên vợ hoặc chồng thường xuyên có hành vi phá tán tài sản chung;

- Vợ, chồng có mâu thuẫn sâu sắc trong việc quản lý, sử dụng, định

đoạt tài sản chung;

- Một bên vợ hoặc chồng bị coi là vắng mặt tại nơi cư trú hoặc bị tuyên bố mất tích theo quy định tại Điều 74 và Điều 78 BLDS năm 2005.

Một phần của tài liệu Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Trang 101 - 102)