THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG KHI LY HÔN

Một phần của tài liệu Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Trang 67)

CHUNG CỦA VỢ CHỒNG KHI LY HÔN

Sau gần ba mươi năm đổi mới, kinh tế đất nước có những bước phát triển mạnh mẽ, đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều gia đình có đời sống khá giả. Cùng với sự giàu lên về kinh tế, với tác động nhiều mặt của kinh tế thị trường, gia đình cũng có nhiều biến động về cơ cấu, quan niệm, lối sống… tình trạng ly hôn cũng gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Trước thực tế đó, các quy định pháp luật về ly hôn trong Luật HN&GĐ cũng dần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. So với Luật HN&GĐ năm 1986, Luật HN&GĐ năm 2000 đã có nhiều quy định cụ thể, chi tiết hơn, các vấn đề được kết cấu thành các điều luật tương ứng tạo điều kiện cho việc tìm hiểu và thực hiện đúng pháp luật. Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn - vấn đề phức tạp và dễ phát sinh tranh chấp, đã được Luật dành nhiều điều luật quy định. Bên cạnh quy định chung về nguyên tắc chia tài sản chung, Luật cũng đã quy định cụ thể một số trường hợp chia điển hình, phức tạp tạo cơ sở pháp lý cho vợ chồng thỏa thuận cũng như các cơ quan có thẩm quyền

giải quyết tranh chấp ví dụ như quy định chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình (Điều 96); chia quyền sử dụng đất của vợ, chồng (Điều 97); chia nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng (Điều 98)…

Tuy nhiên, thực tiễn ở nước ta nhiều năm qua cho thấy, cùng với sự gia tăng của các vụ ly hôn, các vụ tranh chấp tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn đặc biệt là các tài sản có giá trị lớn như quyền sử dụng đất, nhà ở…cũng không ngừng gia tăng. Tài sản chung của vợ chồng được hình thành từ khi kết hôn và kéo dài đến khi hôn nhân chấm dứt. Đó là quá trình tài sản chung chịu nhiều biến động, có khi được bổ sung phát triển nhưng cũng có thể có giai đoạn bị giảm sút. Khi vợ chồng hòa thuận, vấn đề quyền sở hữu tài sản thường không được đặt ra "tất cả đều là của chúng ta". Thế nhưng, khi sợi dây tình cảm không còn, vợ chồng đưa nhau ra tòa ly hôn thì "cuộc chiến" tranh chấp tài sản "của anh, của tôi, của chúng ta" diễn ra hết sức gay gắt, quyết liệt.

Với những quy định pháp luật đang dần được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn và phù hợp hơn với thực tiễn, TAND các cấp đã áp dụng, giải quyết một lượng lớn các vụ việc HN&GĐ như năm 2007 TAND các cấp đã giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 73.174 vụ việc trong số 77.561 vụ việc; năm 2008 là 79.143 vụ việc trong số 83.856 vụ việc… [48], trong đó có nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến tranh chấp tài sản chung của vợ chồng. Nhiều Tòa án đã áp dụng đúng các quy định pháp luật về xác định tài sản chung, vận dụng các nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng để giải quyết hợp tình, hợp lý các vụ việc. Có thể kể đến vụ ly hôn giữa chị Nguyễn Thị Tuyết Mai và anh Phạm Văn Hiền. Anh chị kết hôn năm 1986 trên cơ sở tự nguyện. Năm 2010, do mâu thuẫn trầm trọng, anh chị có đơn gửi TAND quận Hai Bà Trưng xin ly hôn. Về con chung, anh chị thỏa thuận để chị Mai nuôi, anh Hiền cấp dưỡng nuôi con 2.000.000/tháng; tài sản chung là động sản, công nợ anh chị tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Về bất động sản, mảnh đất tại thôn Thế Trạch, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, anh chị đã tự thỏa thuận sẽ bán và chia đôi giá trị. Tuy nhiên, về căn hộ chung số 24B tập thể viện 108, Ngõ 203 phố Kim Ngưu, phường

Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, tại phiên hòa giải ngày 07/07/2010 anh chị thỏa thuận anh Hiền được sử dụng căn nhà và thanh toán 1/2 giá trị nhà cho chị Mai, nhưng đến phiên hòa giải ngày 19/07/2010 anh lại yêu cầu ngăn đôi nhà để ở với lý do để anh ở gần bố mẹ đẻ và anh không đủ khả năng thanh toán 1/2 giá trị nhà cho chị Mai và nếu chị Mai thanh toán 1/2 giá trị nhà cho anh thì anh cũng không đủ tiền để mua căn hộ khác. Vì anh Hiền thay đổi như vậy nên chị Mai đề nghị được nhận nhà để nuôi con và thanh toán cho anh Hiền 1/2 giá trị căn nhà. Qua điều tra, xác minh cho thấy, căn hộ 24B anh chị mua của ông Kim và bà Thuần năm 1999, hai bên chỉ làm giấy viết tay, chưa làm thủ tục sang tên. Nhưng ông bà xác nhận đã nhận đủ tiền, giao nhà và các giấy tờ liên quan cho anh chị, anh chị đã sống tại căn hộ từ đó đến nay không có tranh chấp gì và nay anh chị ly hôn ông bà cũng không có ý kiến gì, tùy anh chị thỏa thuận hoặc Tòa án giải quyết. Về yêu cầu ngăn đôi nhà của anh Hiền Tòa cũng đã tiến hành thẩm định phòng 24B - đây là khu nhà tập thể 5 tầng, cấu trúc căn hộ đặc biệt một nửa lòng nhà nằm trong một nhà khác liền kề, nhà chỉ có một cửa ra vào duy nhất, một công trình phụ thiết kế chung của cả tầng, do đó việc ngăn đôi, cải tạo sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc toàn ngôi nhà, không thể thực hiện được đồng thời lý do không đủ tiền thanh toán cho chị Mai cũng không hợp lý vì anh chị đã thống nhất bán mảnh đất tại Sóc Sơn để thanh toán. Trên cơ sở đó, bản án 47/2010/LHST ngày 24/08/2010 của TAND quận Hai Bà Trưng đã xác định căn hộ số 24B tập thể Viện 108 là tài sản chung của vợ chồng anh Hiền, chị Mai và giao cho chị Mai được sở hữu và sử dụng toàn bộ căn hộ. Chị có trách nhiệm thanh toán cho anh Hiền 1/2 giá trị căn nhà - 658.187.500đ (theo giá của Hội đồng định giá) và làm thủ tục sang tên sở hữu nhà theo quy định pháp luật. Như vậy, để giải quyết vụ ly hôn trên, TAND quận Hai Bà Trưng đã tiến hành xác minh cụ thể về nguồn gốc tài sản chung, hiện trạng thực tế tài sản chung, thành lập Hội đồng định giá theo yêu cầu của vợ chồng…để đưa ra được quyết định phù hợp, đảm bảo các nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng được Luật quy định như phù hợp hoàn cảnh mỗi bên, tình trạng tài sản;

bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên… Vì vậy, bản án đưa ra "hợp tình, hợp lý", không có kháng cáo, kháng nghị.

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy, tình trạng các vụ ly hôn phải kéo dài nhiều năm, qua nhiều lần xét xử do đương sự không nhất trí với các phán quyết của Tòa án về phần tài sản vẫn phổ biến. Thực trạng trên bắt nguồn từ tính chất phức tạp của các tranh chấp tài sản chung, sự hạn chế về trình độ của một số thẩm phán…và đặc biệt là từ những quy định chưa thực sự đi vào cuộc sống của pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Trong phạm vi phần này, chúng ta sẽ cùng xem xét sự phản chiếu của thực tiễn khi áp dụng những quy định pháp luật nói trên.

Một phần của tài liệu Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)