Khoa học công nghệ

Một phần của tài liệu Giải quyết việc làm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Tĩnh (Trang 40 - 41)

Tiến bộ khoa học công nghệ sẽ làm tăng việc làm cho lao động phức tạp và ngược lại, làm giảm việc làm đối với lao động giản đơn. Điều này đã được C.Mác dự báo: "Đến một giai đoạn nào đó, guồng máy có thể thay thế công nhân. Như thế, ở đây một phương thức lao động nào đó trực tiếp chuyển từ người công nhân sang tư bản dưới dạng máy móc" [13, tr. 368]. Do vậy, theo đà phát triển của khoa học công nghệ, việc tạo ra của cải thực sự sẽ trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí mà chúng phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học và vào tiến bộ của kỹ thuật, hay phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy vào sản xuất.

Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nhấn mạnh đến nguồn lực con người trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ mà phần tỷ lệ lao động chân tay kết tinh vào sản phẩm ngày một giảm rõ rệt, hàm lượng lao động "chất xám" kết tinh vào sản phẩm ngày càng cao. Theo dự báo "đến năm 2010 phần tỷ lệ lao động chân tay trong sản phẩm chỉ còn 1/10" [12, tr. 31]. Điều này đã được C.Mác khẳng định: "Nhưng theo đà phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực tế trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và vào số lượng lao động đã chi phí… mà đúng ra, chúng phụ thuộc vào tình độ chung của khoa học và vào sự tiến bộ của kỹ thuật, hay là phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy vào sản xuất" [13, tr. 368].

Như vậy, sự phát triển của khoa học công nghệ mang lại nhiều cơ hội để người lao động tạo ra việc làm, phát huy khả năng cống hiến của mình cho xã hội, đồng thời cũng tạo ra không ít thách thức. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, việc phổ biến các phương tiện tự động hóa sẽ làm cho các

34

nước có nguồn lao động giản đơn và dư thừa nhưng thiếu lao động phức tạp, có kỹ thuật cao như Việt Nam hiện nay bị mất dần ưu thế. Xu hướng hiện nay là tăng lao động phức tạp có kỹ thuật cao, giảm lao động giản đơn. Như vậy, trong xã hội hiện đại, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong quá trình tìm kiếm việc làm. Do đó, nếu không lường trước được xu thế này của sự phát triển khoa học công nghệ sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối trong nguồn nhân lực. Hiện nay, ngay cả nước Mỹ vẫn còn thừa khoảng 10 triệu chỗ làm việc và cũng có hơn 2 triệu người thất nghiệp nhưng không thể bố trí được việc làm vì không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật" [20, tr. 18]. Do vậy, xu hướng chắc chắn xảy ra khi phát triển khoa học công nghệ là sự gia tăng thất nghiệp của lao động giản đơn.

Ngày nay, khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Vì vậy, nó đòi hỏi phải có một nguồn lao động có chất lượng cao. Ở nước ta trong những năm gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có công nghệ tiên tiến cũng không tuyển dụng đủ lao động vì tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn thấp. Theo số liệu của Hội nghị Trung ương sáu, khóa IX của Đảng thì số lao động đã qua đào tạo năm 2000 mới đạt gần 20%. Do vậy, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung là giải pháp cơ bản và cấp bách để hạn chế thất nghiệp, đồng thời cũng là giải pháp hữu hiệu để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một phần của tài liệu Giải quyết việc làm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Tĩnh (Trang 40 - 41)