Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa là con đường phát triển của mọi quốc gia trên thế giới. Thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia cho thấy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa là nhân tố quyết định làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, chuyển nền kinh tế từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phương thức sản xuất mới hiện đại. Quá trình đó đã làm thu hẹp xã hội nông thôn, từ đó làm cho dân cư và lao động của khu vực nông thôn giảm xuống.
Ở nước ta trong những năm qua trên khắp các vùng miền của đất nước, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới được xây dựng, hệ thống kết cấu hạ tầng được nâng cấp xây mới ngày càng đồng bộ và hiện đại. Nhờ đó, bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước thay đổi nhanh chóng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc thu hồi đất bao gồm cả đất ở và đất nông nghiệp cho xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội dẫn đến đất cho sản xuất - kinh doanh của người dân ở khu vực nông thôn bị thu hẹp, phải thay đổi chỗ ở và điều kiện sống. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, tính đến năm 2006 cả nước có 139 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích là 29,4 nghìn ha" [5, tr. 8]. Theo các chuyên gia kinh tế thì cứ một ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi sang mục đích sản xuất nông nghiệp sẽ làm cho 2 đến 3 ha đất nông nghiệp xung quanh mất chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quá trình thu hẹp diện tích đất nông nghiệp sẽ tăng nhanh chóng cùng với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời với nó là cơ cấu dân cư có xu hướng chuyển từ đại bộ phận sống ở nông thôn sang sống ở thành thị ngày một đông hơn. Năm 1999, dân số thành thị chiếm 23,56% tổng dân số cả nước, sẽ đạt 33-34% vào năm 2010, và dự báo năm 2020 sẽ có 50 - 60% số dân sống ở đô thị [3, tr. 14].
Mặt khác, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn làm cho chất lượng nguồn lao động cũng có sự di chuyển mạnh mẽ, trong đó lao động có trình độ chuyên môn chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị. Theo kết quả điều tra của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố tháng 10 năm 2002 thì tỷ lệ lao động chưa biết chữ ở nông thôn cao gấp 6 lần thành thị, trong khi đó, lao động ở thành thị có trình độ trung học phổ thông trở lên cao gấp 8 lần nông thôn và tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở thành thị là 44,6%, ở nông thôn là 11,89% [4, tr. 121].
Như vậy, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm cho dân cư và lao động có sự di chuyển cả về số lượng và chất lượng theo xu hướng dân cư và lao động ở khu vực đô thị ngày càng tăng còn ở khu vực nông thôn ngày càng giảm.