Sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến cung về lao động có thể nói rất phức tạp, nó không chỉ tác động đến số lượng mà còn tác động đến cả chất lượng của nguồn lao động được cung ứng. Nhưng một điều rất dễ nhận thấy là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ làm giảm dư thừa về lao động có trình độ chuyên môn tay nghề do sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ, từ đó đã thu hút được một số lượng lớn lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn tay nghề, thậm chí ngay trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp cũng đòi hỏi phải có lao động lành nghề do áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất.
Mặt khác, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng làm tăng cung lao động giản đơn do:
Thứ nhất, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa không có nhu cầu lớn đối với lao động giản đơn, chưa qua đào tạo.
Với việc áp dụng máy móc, khoa học công nghệ hiện đại vào tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tất yếu sẽ đòi hỏi một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn tay nghề cao. Nhưng ở nước ta tỷ lệ lao động qua đào tạo, nhất là đào tạo nghề còn thấp, chỉ bằng 1/3 các nước công nghiệp mới (NIC, NIE). Ngoài ra, còn chưa kể chất lượng đào tạo nghề còn thấp và cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa gắn với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra. Đây cũng là nguyên nhân làm cho cung lao động giản đơn tăng lên nhanh chóng.
Thứ hai, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu sẽ dẫn đến thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, kết cấu hạ tầng kinh
tế - xã hội phục vụ lợi ích quốc gia, từ đó làm cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp bị thu hồi đất rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Thực tế cho thấy, đất bị thu hồi để xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong thời gian qua ở các địa phương chủ yếu là đất nông nghiệp. Nói cách khác, những người bị mất đất chủ yếu là nông dân, do vậy đã ảnh hưởng lớn đến việc làm của họ. Bởi với họ, đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế được trong quá trình lao động. Vì thế, khi mất tư liệu sản xuất này, người nông dân mặc nhiên trở thành người thất nghiệp. Từ đó giải quyết việc làm cho người nông dân trở thành vấn đề bức xúc nhất của việc thu hồi đất.
Song việc chuyển những người nông dân bị thu hồi đất sang làm công nghiệp và dịch vụ lại là một vấn đề hết sức khó khăn. Bởi đa phần họ là những người lao động giản đơn theo kiểu cha truyền con nối, chưa qua đào tạo nghề. Do vậy khi bị thu hồi đất nhiều người đã rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Thứ ba, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn bằng việc áp dụng máy móc, khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất đã làm cho năng suất lao động nông nghiệp tăng lên, do vậy cũng làm cho lao động ở khu vực này có sự dôi dư.
Nước ta có khoảng 70% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Và mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta là đến năm 2010 hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nhằm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ở nước ta và làm cho người nông dân thoát khỏi tình trạng "con trâu đi trước, cái cày theo sau", " bán mặt cho đất bán lưng cho trời", thì việc áp dụng máy móc, khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất là một tất yếu.
Nhưng việc áp dụng máy móc, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp sẽ làm cho số lao động nông nghiệp ngày càng dôi dư. Bởi thực tế ở nước ta chỉ có hơn 9 triệu nhưng sử dụng tới 70% lực lượng lao động, tương đương khoảng 30 triệu lao động. Điều nay là rất bất hợp lý so với các nước
26
công nghiệp phát triển và các nước công nghiệp mới, họ chỉ cần từ 1-5% lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp nhưng cũng đủ đáp ứng nhu cầu lao động của khu vực này thậm chí còn trở thành cường quốc trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Chính vì vậy, theo xu hướng chung đó thì lực lượng lao động trong nông nghiệp của nước ta sẽ ngày càng giảm, từ đó làm cho nguồn cung lao động do dôi dư từ khu vực nông nghiệp sẽ tăng lên nhanh chóng.
Tuy vậy, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tác động đến cung lao động ở nước ta hiện nay dễ nhận thấy nhất đó là làm tăng cung lao động giản đơn do số lao động nông thôn bị mất việc bởi thu hồi đất nông nghiệp. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê thì tổng diện tích đất dự kiến sẽ bị thu hồi giai đoạn 2006 đến năm 2010 sẽ là 331.430 ha [2, tr. 211]. Và nếu theo cách tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì 1 ha đất bị thu hồi bình quân sẽ làm cho 13 lao động bị mất việc. Đồng thời, theo số liệu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân điều tra thời gian qua là tổng diện tích đất bị thu hồi có 58% là đất nông nghiệp, thì giai đoạn từ 2006 - 2010, tổng diện tích đất nông nghiệp sẽ bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ lợi ích quốc gia là 192.212 ha. Như vậy, số lao động nông thôn mất việc do lấy đất nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 sẽ là 2.498.756 người [8, tr. 211-212]. Đây là con số không nhỏ tác động đến cung lao động giản đơn.