Thị trường hàng hóa sức lao động là toàn bộ các quan hệ kinh tế hình thành trong lĩnh vực thuê mướn lao động. Trên thị trường lao động, mức cung - cầu về lao động ảnh hưởng tới tiền công lao động và sự thay đổi tiền công cũng ảnh hưởng tới cung, cầu về lao động.
Đối tượng tham gia thị trường lao động bao gồm những người thuê mướn và đang sử dụng sức lao động của người khác và những người có nhu cầu làm thuê hoặc đang làm việc cho những người khác bằng sức lao động của mình để nhận được một khoản tiền công. Khi nghiên cứu thị trường lao động dưới góc độ việc làm thì nội dung quan trọng nhất là quan hệ cung - cầu về lao động.
* Quan hệ cung - cầu về lao động chịu sự tác động của nhiều nhiều tố, trong đó có một số yếu tố cơ bản sau:
- Khả năng mở rộng cầu về lao động. Yếu tố này phụ thuộc vào tốc độ phát triển kinh tế, vào mô hình và cơ cấu kinh tế. Nhìn chung, tốc độ phát triển kinh tế càng cao thì khả năng giải quyết việc làm càng lớn, đặc biệt là sự phát triển của các ngành sử dụng nhiều lao động, phát triển các vùng mà trước hết là các vùng nông thôn có nhiều tiềm năng thu hút lao động, phát triển các thành phần kinh tế và sự đan xen giữa các thành phần kinh tế, phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh và mối liên hệ giữa chúng, mở rộng không gian kinh tế trong và ngoài nước…
- Sự phát triển của nguồn lao động: Sự cung ứng sức lao động vào thị trường lao động hàng năm, sự tồn động của lao động chưa có việc làm (thất nghiệp)...
- Sự phù hợp giữa cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động về không gian và thời gian, đặc biệt là sự phù hợp của chất lượng lao động đối với nhu cầu của thị trường.
- Khả năng tổ chức thị trường lao động, đặc biệt là sự phát triển của các tổ chức xúc tiến và dịch vụ việc làm…
Ở nước ta hiện nay, quan hệ cung - cầu về lao động có một số đặc trưng sau:
Một là, trên phạm vi cả nước, cung về lao động lớn hơn cầu về lao động và tình trạng này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong những năm tới
36
dẫn đến sức ép rất lớn về việc làm. Ở đây xét đến khả năng phát triển việc làm còn rất hạn chế mặc dù tiềm năng còn lớn nhưng chúng ta lại thiếu vốn đầu tư, cơ cấu kinh tế chuyển dịch vẫn còn chậm và gặp khó khăn.
Hai là, cung lớn hơn cầu về lao động còn được xem xét về mặt tăng cung lao động với tỷ lệ cao, hàng năm số người tham gia vào lực lượng lao động có từ 1,2 đến 1,5 triệu người.
Ba là, lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đến nay vẫn chiếm gần 60% và theo mục tiêu của Đảng ta thì đến năm 2010 số lao động nông nghiệp vẫn chiếm 50% lao động xã hội [20, tr. 189] và tỷ lệ thời gian làm việc được sử dụng của lao động nông thôn đến 2003 vẫn thấp, chỉ chiếm 77,66% [20, tr. 24]. Số lao động này sẽ tự do di chuyển ra thành phố hoặc khu công nghiệp tập trung để tìm kiếm việc làm, từ đó làm cho cung về lao động trên thị trường càng lớn.
Bốn là, sự không phù hợp giữa kỹ năng, trình độ của người lao động với cơ hội việc làm do cầu lao động và sản xuất thay đổi. Đây được coi là đặc trưng cơ bản nhất của quan hệ cung - cầu về lao động ở nước ta, từ đó dẫn đến tình trạng "thất nghiệp cơ cấu", tính đến năm 2000 số lao động qua đào tạo mới đạt gần 20%. Trong đó, cơ cấu trình độ đào tạo của đội ngũ lao động tính theo tỷ lệ giữa lao động có trình độ đại học, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật là: 1: 1,75: 2,3 [20, tr. 153]. Đó vẫn là một cơ cấu bất hợp lý từ đó dẫn đến tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", làm "trái ngành, trái nghề". Trong khi đó, chúng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên rất cần một đội ngũ lao động có trình độ cao trong một số lĩnh vực áp dụng công nghệ mới, lĩnh vực tài chính, ngân hàng… trong khi chúng ta lại dư thừa đội ngũ lao động giản đơn và số lao động này sẽ tiếp tục gia tăng do chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Vấn đề giải quyết việc làm, giảm thiểu thất nghiệp về thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa cung - cầu về lao động trên thị trường lao động. Theo nghĩa đó, xuất khẩu lao động là hướng đi quan trọng vừa tăng cầu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, vừa tạo ra nguồn thu nhập cho người lao động và tăng thu ngân sách nhà nước; vừa nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động và tiếp thu khoa học tiên tiến của nhân loại, vừa mở rộng giao lưu kinh tế.
Do vậy, ngày nay xuất khẩu lao động được các quốc gia có tình trạng dư thừa lao động coi là một hướng quan trọng để giải quyết việc làm cho người lao động. Ví dụ, "năm 1998, số người lao động của Philíppin làm việc tại nước ngoài là 4 triệu người; năm 1995, lượng kiều hối quan kênh chính thức về Philíppin là trên 4 tỷ USD" [1, tr. 232]. Con số này đối với Trung Quốc còn lớn hơn nhiều.
Ở nước ta, từ năm 1998 đến nay, công tác xuất khẩu lao động đã đạt được một số kết quả đáng kể, số lượng lao động xuất khẩu đã tăng dần hàng năm và đang có xu hướng gia tăng. Chúng ta đã mở ra nhiều thị trường mới có khả năng xuất khẩu lớn như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malayxia, các nước Trung Đông… và theo mục tiêu đề ra của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội thì năm 2008 nước ta xuất khẩu 85.000 lao động.
Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lao động của đất nước, do vậy, sức ép về lao động và việc làm vẫn hết sức cấp bách. Do vậy, trong thời gian tới chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xuất khẩu lao động, phát triển và mở rộng hơn nữa thị trường lao động để góp phần giải quyết sự bất cân đối giữa cung và cầu về lao động, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân.