- Điểm xuất phát kinh tế của Hà Tĩnh còn thấp, GDP bình quân đầu người năm 2005 chưa bằng 50% so với trung bình cả nước, thu ngân sách trên địa bàn chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chi. Hà Tĩnh là tỉnh tụt hậu về kinh tế và có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, vì mức tăng trưởng kinh tế chậm hơn trung bình vùng Bắc Trung Bộ. Những năm qua, Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp trong xóa đói giảm nghèo, đạt được kết quả khá tốt; tuy vậy, nguy cơ tái nghèo của nhân dân vùng sâu, vùng xa có thể diễn ra và ở mức độ cao hơn.
- Xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế là tất yếu và diễn ra tốc độ nhanh; toàn cầu hóa nền kinh tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng đầy rẫy những nguy cơ và thách thức; trong khi hầu hết các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh chưa có năng lực để hội nhập, các sản phẩm chưa có thương hiệu hoặc có nhưng thương hiệu chưa có uy tín, sức cạnh tranh kém.
- Đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế (cả vĩ mô và vi mô), cán bộ kỹ thuật thuộc các ngành của Hà Tĩnh hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu; lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao, hệ thống trường đào tạo nghề phát triển chậm, chất lượng đào tạo chưa cao. Người lao động của Hà Tĩnh thường có thói quen chịu khổ mà không chịu khó, thỏa mãn hoặc cam chịu, chưa thể hiện được bản lĩnh trên thương trường, do chưa quen làm lớn.
- Hà Tĩnh có khí hậu, thời tiết tương đối khắc nghiệt (nắng nóng, bão lụt...), gây bất lợi cho nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp và đánh bắt nuôi trồng thủy sản.
- Hà Tĩnh xa các trung tâm kinh tế, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, sức thu hút đầu tư từ bên ngoài thấp. Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển lớn, nhà nước chưa có đầu tư đúng mức để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế trên địa bàn.
- Dân số Hà Tĩnh không cao, thu nhập còn thấp nên sức mua tại địa bàn yếu. Việc phát triển công nghiệp tập trung phải hướng ngoại.