Xây dựng các khu cụm công nghiệp dệt may

Một phần của tài liệu Chuỗi giá trị dệt may toàn cầu và khả năng tham gia của ngành dệt may dệt may Việt Nam (Trang 99)

48 -

3.2.5.Xây dựng các khu cụm công nghiệp dệt may

Việc tổ chức sản xuất theo cụm công nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức nói riêng và cho ngành công nghiệp hay quốc gia nói chung. Nếu xét trên khía cạnh của các tổ chức tham gia cụm công nghiệp thì việc tham gia cụm công nghiệp mang lại bốn lợi ích cơ bản. Thứ nhất, các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp có cơ hội để tăng năng suất thông qua việc tận dụng lợi thế bố trí gần nhau về mặt địa lý. Có thể nói rằng việc bố trí gần các nhà cung cấp, khách hàng, các doanh nghiệp hỗ trợ làm cho quá trình trao đổi thông tin được tăng cường, khả năng tiếp cận các yếu tố đầu vào dễ dàng hơn, nhận được sự hỗ trợ dễ dàng hơn do sự tập trung về qui mô của một lĩnh vực, nhận được sự ưu đãi của chính sách và các lợi thế khác nhờ mức độ tập trung lớn về nhu cầu. Tất cả những lợi thế đó làm cho doanh nghiệp tăng khả năng sản xuất sản phẩm. Bên cạnh đó, việc tập trung nhiều doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực với cùng mục đích kinh doanh cũng tăng cao khả năng cạnh tranh của những doanh nghiệp này. Thứ hai, việc bố trí gần nhau về mặt địa lý của nhiều doanh nghiệp trong cùng một ngành hay một lĩnh vực khuyến khích sự sáng tạo và cải tiến.

Thứ ba, việc tham gia vào cụm công nghiệp tạo ra sự nhận biết của cộng đồng đối với một tập hợp các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp. Mối liên kết của những doanh nghiệp này làm cho cộng đồng nhận biết đến họ từ đó tạo ra những cơ hội trong việc hợp tác bởi những chủ thể trong cộng đồng luôn có ý nghĩ đó là những người tốt nhất trong một lĩnh vực nào đó để có thể hợp tác được.

- 90 -

Thứ tư, việc tham gia vào cụm công nghiệp làm cho các doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của chính sách bởi việc tập trung cao về mặt lãnh thổ luôn được các Chính phủ khuyến khích phát triển thay vì sự manh mún và không có trật tự.

Có thể nói rằng tựu trung lại thì các mối quan hệ liên kết giữa các tổ chức hay doanh nghiệp trong cụm công nghiệp chính là chìa khóa mang lại tất cả những lợi ích trên cho các doanh nghiệp tham gia cụm. Dòng chảy của các luồng thông tin chính thức và không chính thức tạo ra những liên kết mềm và cuối cùng mang lại những lợi ích đó mà các hình thức bố trí khu công nghiệp khác không tạo ra được. Bên cạnh đó, nếu xem xét trên khía cạnh quản lý vùng thì việc tổ chức cụm công nghiệp cũng mang lại nhiều lợi ích như là tác động quan trọng đến việc hình thành các doanh nghiệp mới trong các ngành có liên quan, tận dụng các nguồn lực công tốt hơn, tăng cường các liên kết kinh tế, và ngoài ra còn là điều kiện tốt cho việc phát triển đô thị hóa và kinh tế địa phương.

Để có thể thực hiện được điều này, Nhà nước cần lưu ý những vấn đề sau: - Thành phần các doanh nghiệp trong một cụm công nghiệp dệt may cần đảm bảo bao gồm càng nhiều mắt xích tham gia vào việc hoàn thiện sản phẩm càng tốt. Ví dụ như là cần có các doanh nghiệp thiết kế thời trang, doanh nghiệp cung cấp nguyên phụ liệu, doanh nghiệp may, doanh nghiệp phân phối. Nếu có những CCN không có đủ các thành phần của những mắt xích này thì cũng cần có một vài CCN dệt may chủ lực có đầy đủ những mắt xích này.

- Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đối với những doanh nghiệp tham gia vào các CCN ví dụ như hỗ trợ về mặt bằng, giảm thuế thu nhập trong một khoảng thời gian nào đó… nhằm thu hút các doanh nghiệp vào các cụm công nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cần thực hiện quản lý nhà

- 91 -

nước đối với những CCN này để tăng cường các liên kết nội bộ phát huy được tính hiệu quả của hình thức tổ chức sản xuất theo cụm.

- Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để thu hút đầu tư nước ngoài đối với những doanh nghiệp nước ngoài khi muốn đầu tư vào các CCN để tạo ra những CCN hiện đại như CCN dệt may Burlington-Phongphu Solutions Supply Chain City được đầu tư bởi Tổng Công ty Phong Phú và tập đoàn ITG của Mỹ.

Bên cạnh đ ó, bản thân các doanh nghiệp tham gia sản xuất CCN cũng cần tích cực tìm kiếm các đối tác, tạo ra hoạt động liên kết của mình với các đối tác nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của mình.

Một phần của tài liệu Chuỗi giá trị dệt may toàn cầu và khả năng tham gia của ngành dệt may dệt may Việt Nam (Trang 99)