8. Cấu trúc luận văn
2.3.3. Quy trình kiểm tra-đánh giá kết quả học tập của học sinh
Để đảm bảo chất lượng của kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh thì quy trình kiểm tra đánh giá phải đáp ứng được các nguyên tắc về tính quy chuẩn, tính khách quan, tính toàn diện, tính hệ thống, tính xác nhận và phát triển. Ngoài ra phải đảm bảo các yêu cầu của kiểm tra đánh giá như: có mục tiêu, kế hoạch kiểm tra đánh giá cụ thể, có quy trình kiểm tra đánh giá phù hợp, tổ chức chỉ đạo thực hiện kiểm tra đánh giá.
Sau khi học tập và nghiên cứu, tác giả luận văn nhận thấy công tác kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh trong trường THCS Ngô Quyền còn tồn tại một số bất cập, đặc biệt là quy trình kiểm tra đánh giá chưa đảm bảo theo các bước chuẩn của quy trình này. Cụ thể như sau:
Với bước xác định mục đích đánh giá, Nhà trường chưa xác định rõ được mục đích của kiểm tra đánh giá là: Cho ai? Để làm gì? Chưa động viên khuyến khích được người học, chưa tạo được động lực thực sự để học sinh tiến bộ không ngừng.
Khâu xác định nội dung cần đánh giá và bậc nhận thức tương ứng với từng nội dung đó chưa hợp lý với một số bộ môn, tỉ lệ các bậc nhận thức chưa phù hợp, chưa đáp ứng được mục đích đánh giá. Việc viết ma trận đề kiểm tra, một số giáo viên chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc này nên còn làm một cách qua loa, đại khái, với mỗi đơn vị nội dung chưa xác định rõ được câu hỏi phù hợp với từng bậc nhận thức.
Sau khi ra đề kiểm tra hoặc thi học kỳ thì thường là Ban Giám Hiệu cho sao in và tiến hành kiểm tra, thiếu đi khâu phân tích đề, người phụ trách chưa
53
làm lại bài với tư cách là học sinh. Dẫn đến chưa phát hiện kịp thời những sai sót có thể xảy ra về độ khó và độ dài của đề kiểm tra.
Mặc dù nhà trường đã tổ chức thi, kiểm tra chung đề, chung thời gian, tiến hành dọc phách, phân công chấm chéo. Đại đa số giáo viên thực hiện nghiêm túc, nhưng một số giáo viên chưa thực sự nghiêm túc khi thực hiện, dẫn đến việc đánh giá kết quả quả học tập của học sinh đôi lúc chưa thât chính xác.
Sau mỗi bài kiểm tra, Ban Giám Hiệu cho nhập điểm vào máy tính trước khi trả về cho giáo viên vào điểm, trả bài và nhận xét. Khâu trả bài và nhận xét là khâu quan trọng của quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, nhưng nhiều giáo viên lại xem nhẹ khâu này, có khi họ không chữa bài, hoặc có chữa thì lại không có những lời nhận xét chân tình, gợi ý, giúp đỡ để học sinh không bị phạm sai lầm, cố gắng có được kết quả cao hơn trong những bài kiểm tra sau đó.