Tài nguyên du lịch nhân văn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động du lịch Biên Mậu ở tỉnh Lạng Sơn (Trang 40)

6. Đóng góp mới của đề tài

1.2.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh Bõ công bác mẹ sinh thành ra anh”

Câu ca ấy như lời mời gọi tha thiết mặn nồng những ai chưa một lần đặt chân tới xứ Lạng, và ai đã đến rồi thì lại mong có lần được trở lại. Điều đó khẳng định tiềm năng du lịch của tỉnh Lạng Sơn có sức hấp dẫn đối với bất cứ ai đã một lần đến nơi đây.

Là một trong ba cửa ngõ lớn ở phía Bắc tổ quốc, Lạng Sơn có 253km đường biên giới với Trung Quốc, cách thủ đô Hà Nội 154km; có đường bộ và đường sắt đi lại dễ dàng, thuận lợi. Với hai cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia, bảy cặp chợ đường biên và các trung tâm thương mại, chợ biên giới là điều kiện hiếm có so với các tỉnh biên giới khác để phát triển thương mại gắn với du lịch. Từ Lạng Sơn, khách du lịch có thể đi ô tô, tàu hỏa sang Trung Quốc và ngược lại. Hiện nay, đã có nhiều chương trình du lịch bằng ô tô từ thành phố Lạng Sơn đi một số địa phương của Trung Quốc đã và đang hoạt động rất thuận tiện.

Lạng Sơn trong tiến trình lịch sử lâu dài, với vị trí địa lí đặc biệt, còn sớm là một trong những cái nôi của sự xuất hiện loài người. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Lạng Sơn có một vị thế đặc biệt, trở thành phên dậu bảo vệ cho cả một dải quê hương đất nước. Nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện và chiến công hiển hách của dân tộc trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm qua các thời kì, và cũng có thể nói mỗi tấc đất của mỗi địa danh ở Xứ Lạng đều là những di tích lịch sử, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, Lạng Sơn có khoảng 248 loại hình văn hoá nghệ thuật; có 581 di tích được lập hồ sơ quản lý, trong đó có 23 di tích được xếp hạng quốc gia, 88 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 470 di tích được khoanh vùng quản lí. So với các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc khác thì mật độ các di tích kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng ở Lạng Sơn là khá dày. Ngoài ý nghĩa là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng cho nhân dân, những di tích này còn là những di sản văn hoá, những công trình nghệ thuật có giá trị được sáng tạo nên bởi bàn tay, tâm huyết của người dân lao động nơi đây. Các danh lam thắng cảnh cùng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa có sức cuốn hút kỳ lạ là những tiềm năng to lớn cho việc phát triển du lịch của tỉnh.

Là nơi có nhiều dân tộc cùng chung sống nên Lạng Sơn là mảnh đất hội tụ những tập quán sinh hoạt, những phong tục hội hè, những phiên chợ vùng cao, những ngày hội Lồng tồng, những sắc màu trang phục truyền thống, những áng ca dao, cũng như những làn điệu dân ca, hát then, hát sli, hát lượn .... độc đáo. Ngoài ra, Xứ Lạng còn có những nét văn hoá ẩm thực đặc sắc mang đậm những phong vị riêng như: phở chua, vịt quay, khau nhục, xá xíu, thịt lạp, xôi ngũ sắc, bánh cuốn, bánh phồng, măng ớt, khẩu Sli ... Cùng với các món ăn đó, các loại hoa quả nơi đây cũng rất phong phú như: mơ, lê Tràng Định, mận Bình Gia, quýt Bắc Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm, na Chi Lăng, đào Mẫu Sơn... Sự đa dạng và độc đáo của các sản phẩm ẩm thực của Lạng Sơn sẽ là ấn tượng sâu sắc đối với du khách sau mỗi lần đến thăm, tìm hiểu và thưởng thức.

Là một điểm nằm trong quy hoạch phát triển tuyến hành lang kinh tế: Nam Ninh - (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam), vị trí của Lạng Sơn không chỉ trở nên quan trọng cho ngành du lịch của tỉnh mà còn đối với ngành du lịch cả nước. Từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện đường lối chính sách đổi mới và hội nhập, các hệ thống trung tâm thương

mại, các khu kinh tế cửa khẩu và chợ biên giới tại Lạng Sơn được xây dựng và nâng cấp, các thủ tục hành chính được cải cách thuận tiện…. Hệ thống các chợ Đông Kinh, chợ Kỳ Lừa, chợ Đồng Đăng, các trung tâm thương mại tại khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh đã được đầu tư và trở thành điểm du lịch mua sắm hấp dẫn. Với các chính sách đầu tư mở rộng, cơ chế quản lý năng động nên việc giao lưu buôn bán và tham quan du lịch ngày càng diễn ra sôi động, từng bước đưa Lạng Sơn trở thành một trong những trung tâm giao lưu buôn bán, tham quan quan du lịch với các loại hình như: du lịch mua sắm, du lịch tâm linh, du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch quá cảnh,…

Đền Kỳ Cùng

Đền Kỳ Cùng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thuộc địa phận phường Vĩnh Trại, nằm bên phía bờ bắc sông Kỳ Cùng. Đền là nơi thờ thần Giao Long (thần sông nước) với nhiệm vụ giữ cho quanh năm mưa thuận gió hòa.

Lịch sử của ngôi đền còn gắn với truyện kể về quan lớn Tuần Tranh, được triều đình nhà Trần cử lên trấn thủ Lạng Sơn. Trong thời gian ở tại Lạng Sơn, ông chỉ huy đánh giặc bị thua, quân lính thiệt mạng rất nhiều, ông lại bị vu cáo vào tội dâm ô, đành nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự tử để chứng minh sự trong sạch. Do tấm lòng trong sạch, ông được thần linh hóa thành đôi rắn (ông Cộc - ông Dài) làm vị thần sông ngự tại đền Kỳ Cùng. Về sau, nỗi oan khuất của ông được một vị tướng nhà Lê là Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài (được thờ tại đền Tả Phủ) chứng minh, hóa giải. Vì vậy mới có tục lệ vào ngày lễ hội Đền Kỳ Cùng (cũng từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng âm lịch giống như đền Tả Phủ), phải có lễ rước kiệu ông lớn Tuần Tranh lên đền Tả Phủ để tạ ơn và hầu chuyện Thân Công Tài. Điều này giải thích cho sự liên quan mật thiết của hai lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ.

Khu di tích lịch sử Chi Lăng nằm trong vùng Ải Chi Lăng, bao gồm 52 điểm kéo dài gần 20km, phần lớn thuộc hai xã Chi Lăng và Quang Lang của huyện Chi Lăng. Nằm cách thủ đô Hà Nội 105 km, trên tuyến quốc lộ 1A nên bất kể ai đi qua đây cũng có thể chiêm ngưỡng sự kì vĩ của khu di tích này.

Ải Chi Lăng là một thung lũng hẹp hình bầu dục, có chiều dài bắc - nam khoảng 4km, chỗ rộng nhất là 1km, xung quanh bốn bề núi cao, rừng dày, lại có sông Thương chảy qua và nhiều núi đá lô nhô giữa lòng thung lũng hẹp đã từng tạo nên một trận đồ hiểm ác, ngăn bước quân thù tại nơi đây. Ải Chi Lăng có hai cửa: cửa phía Bắc gọi là Quỷ Môn quan, cửa phía Nam là Ngõ Thề. Chính tại nơi đây, năm 981, Lê Hoàn phá quân Tống giết chết tướng Hầu Nhân Bảo; năm 1076, phò mã Thân Cảnh Phúc đã đánh chặn 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ cầm đầu, buộc chúng phải mở đường vòng sang phía Tây, và khi xuống được thì bọn chúng đã bị đón lõng tại phòng tuyến sông Như Nguyệt do Lý Thường Kiệt lập trận. Chiến thắng lừng lẫy nhất được ghi dấu tại Chi Lăng là chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn năm 1427, chém đầu tướng giặc Liễu Thăng, giết 10 vạn quân Minh, đập tan ý đồ xâm lược của chúng.

Với vị trí đó, Ải Chi Lăng được ví như mồ chôn quân giặc. Từ năm 1962, khu di tích lịch sử Chi Lăng được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Năm 1982, nhân kỷ niệm 555 năm chiến thắng Chi Lăng, bia chiến thắng và Bảo tàng Chi Lăng được xây dựng tại khu di tích này. Tượng đài kỷ niệm chiến thắng Chi Lăng cũng được xây dựng vào những năm sau đó.

Di tích lịch sử thành nhà Mạc

Thành nhà Mạc nằm trong khuôn viên thuộc núi Tô Thị, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Dấu tích hiện còn lại ở đây gồm hai đoạn tường thành xây bằng đá giữa hẻm núi.

Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn là một căn cứ quân sự hiểm yếu trấn giữ con đường độc đạo nỗi giữa nước ta và Trung Quốc. Suốt cả thập niên cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII, Lạng Sơn biến thành là nơi chứng kiến cảnh “nồi da xáo thịt” của hai thế lực lớn là nhà Mạc và tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh. Đây là một di tích kiến trúc quân sự phản ánh một thời chiến tranh tương tàn trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Trước đây, thành nhà Mạc được quy định là đất sử dụng cho mục đích quốc phòng. Hiện nay di tích thành Nhà Mạc đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia và được đầu tư, tôn tạo đưa vào phục vụ tham quan du lịch.

Ngay dưới chân thành nhà Mạc có quần thể khu du lịch sinh thái được các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến với Thành phố Lạng Sơn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động du lịch Biên Mậu ở tỉnh Lạng Sơn (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)