Lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Lạng Sơn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động du lịch Biên Mậu ở tỉnh Lạng Sơn (Trang 30)

6. Đóng góp mới của đề tài

1.2.1. Lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Lạng Sơn

Lạng Sơn còn gọi là Xứ Lạng, có diện tích 8.331,2 km2, nằm trải dài từ 20027' - 22019' vĩ Bắc, 1060

06' - 107021' kinh Đông, là một tỉnh ở vùng núi Đông Bắc nước ta. Lạng Sơn có biên giới dài 253 km tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về phía Đông; phía Đông - Nam giáp với tỉnh Quảng Ninh; phía Tây, Tây - Nam giáp với các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên; về phía Nam là tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang và phía Bắc giáp với tỉnh Cao Bằng.

Vào giữa kỉ Pécmi cách ngày nay từ 230 đến 195 triệu năm, Lạng Sơn là vùng đất được nhô ra biển toàn bộ. Vào khoảng hơn 40 vạn năm cách ngày nay, loài người đã có nguồn gốc và xuất hiện ở hang Thẩm Hai, Thẩm Khuyên (thuộc huyện Bình Gia).

Từ thời Vua Hùng dựng nước Văn Lang, tư liệu thành văn về địa danh Lạng Sơn rất ít, chủ yếu là tư liệu khảo cổ học về dân cư cổ trên đất Lạng Sơn ngày nay. Tuy nhiên, Lạng Sơn từ xưa đã là mảnh đất địa đầu nóng bỏng, nơi chứng kiến nhiều cuộc phân tranh tương tàn, nhiều đoàn xứ bộ qua lại. Ngay từ thời kì cuối của triều đại các Vua Hùng, Lạng Sơn cũng là nơi diễn ra cuộc chiến đấu chống quân Tần xâm lược kéo dài suốt 5 năm (từ năm 214 - 208 trCN) của người Tây Âu và Lạc Việt.

Thời kì Bắc thuộc ở nước ta, bọn đô hộ chỉ chiếm được chính quyền cấp Trung ương và cấp trung gian, còn làng xóm thì do dân ta làm chủ. Ở miền núi, trong đó có Lạng Sơn khá tiêu biểu, chúng buộc phải đặt các châu

“kimi” do các tộc trưởng miền núi cai quản.

Năm 679, nhà Đường đặt An Nam đô hộ phủ cai quản 41 châu kimi. Khu vực Việt Bắc và Lạng Sơn cũng được đặt các châu kimi, trực thuộc thẳng An Nam đô hộ phủ, không qua cấp trung gian nào. Đến năm 791, khi nhà Đường lập Phong Châu đô đốc phủ thì các châu kimi của Lạng Sơn lại do Phong Châu đô đốc phủ quản lí.

Trong thời kì đầu mới giành được độc lập dưới các Triều Ngô, Đinh, Tiền Lê thì Lạng Sơn vẫn được quản lí theo chế độ các châu kimi của triều đình phong kiến Trung ương. Mặc dù vậy, do Lạng Sơn có vị trí rất đặc biệt là hàng rào của Tổ quốc nên triều đình Trung ương giao cho các tù trưởng miền núi Lạng Sơn việc điều tra xem xét tình hình chính trị quân sự ở bên kia biên giới để từ đó chủ động hơn cho việc phòng chống giặc ngoại xâm.

Đến triều Lý, Lạng Sơn được gọi là “Lạng Châu lộ”, càng trở nên quan trọng trong cơ cấu tổ chức hành chính tuyến biên giới phía Bắc, đóng vai trò là hàng rào che chắn cho kinh đô Thăng Long, và đây cũng là trận tuyến đầu tiên mà bọn xâm lược vấp phải khi có ý định xâm lược nước ta. Để nắm chặt các tù trưởng miền núi thiểu số lúc bấy giờ, các vua Lý đã sử dụng biện pháp rất khôn khéo và mềm dẻo bằng cách gả công chúa cho họ để lấy tinh thần gia tộc, quan hệ hôn nhân hoặc phong chức tước, thông qua đó kiểm soát chặt chẽ hơn vùng biên cương có vị trí xung yếu này. Chính vì có nhiều mối quan hệ ràng buộc như vậy nên Xứ Lạng được vua quan triều Lý tin cậy, khi nhà Trần nổi lên, vua Lý Huệ Tông đã cùng Thái hậu, cung nữ chạy lên đây để ẩn náu.

Đến thời Trần, vị trí địa lý hành chính có sự thay đổi. Trần Thái Tông đã chia đất nước thành 12 lộ thay vì 24 lộ như trước đây, riêng Xứ Lạng vẫn giữ nguyên là Lạng Châu lộ, sau đổi thành trấn Lạng Giang.

Năm Quang Thái thứ 10 (1397) đời Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly đã đổi trấn Lạng Giang thành trấn Lạng Sơn.

Năm 1407, cùng với sự sụp đổ của triều Hồ, khi nhà Minh thôn tính nước ta, chúng đã phá bỏ hệ thống hành chính cũ và chia nước ta thành 16 phủ, lúc này trấn Lạng Sơn được đổi thành phủ Lạng Sơn.

Sau chiến thắng chống quân Minh năm 1427, vào năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Lê Thái Tổ đã chia nước ta thành 5 đạo: Đông đạo, Tây đạo,

Nam đạo, Bắc đạo và hai tây đạo, trấn Lạng Sơn là một đơn vị hành chính trực thuộc Bắc đạo. Đến năm Quang Thuận thứ 10, Lê Thánh Tông định lại bản đồ toàn quốc chia cả nước thành 12 thừa tuyên, theo đó trấn Lạng Sơn đổi thành Lạng Sơn thừa tuyên gồm 1 phủ (Phủ Tràng Khánh) và 7 châu (Lộc Bình, Yên Bác, Văn Uyên, Văn Lan, Thất Nguyên, Thoát Lăng). Đứng đầu Lạng Sơn thừa tuyên là Đô Ty, do võ quan chức tổng binh, phó tổng binh kiêm nhiệm.

Thế kỉ XVI, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê và tồn tại hơn 60 năm (1527- 1592) thì bị tập đoàn Lê - Trịnh đánh bật khỏi kinh thành Thăng Long, nhà Mạc phải bỏ chạy lên Cao Bằng, Lạng Sơn và cát cứ ở đó. Trong suốt thời kì này, nơi đây trở thành chiến trường tranh chấp quyền lực lẫn nhau.

Đến thời Lê Trung Hưng trở về sau đến đầu triều Nguyễn, Lạng Sơn thừa tuyên lại được đổi thành trấn Lạng Sơn, chức Đô Ty bị bãi bỏ, thay vào đó là chức đốc trấn Lạng Sơn.

Vào triều Nguyễn, các vua Gia Long, Minh Mạng đặc biệt quan tâm đến vùng biên giới phía Bắc nói chung và trấn Lạng Sơn. Năm 1831, vua Minh Mạng đã bỏ trấn và đặt đơn vị hành chính mới là tỉnh, chính năm ấy trấn Lạng Sơn cũng được đổi thành tỉnh Lạng Sơn, có 1 phủ và 7 châu, huyện. Đến năm 1836, Minh Mạng lại cắt 4 châu, huyện phía Bắc sông Kỳ Cùng là châu Văn Uyên, Thoát Lãng; các huyện Văn Quan, Thất Khê để thành lập phủ mới là phủ Tràng Định. Như vậy từ đây Lạng Sơn chính thức có 2 phủ là phủ Tràng Khánh và phủ Tràng Định cùng 7 châu, huyện. Cơ cấu tổ chức đơn vị hành chính này được duy trì cho đến cuối thế kỉ XIX.

Cuối thế kỉ XIX, thực dân Pháp xâm lược Bắc Kì, địa danh hành chính tỉnh Lạng Sơn lại bị thay đổi ít nhiều: một phần cắt về tỉnh Bắc Giang (huyện Sơn Động); tách 5 tổng của Võ Nhai về Lạng Sơn lập nên châu Bắc Sơn.

Thời kì trước và sau Cách Mạng tháng Tám cũng có một số sự thay đổi điều chỉnh về tên gọi, địa giới hành chính cho phù hợp với tình hình cách mạng.

Sau Cách Mạng tháng Tám 1945, nước ta trở thành một nước độc lập. Tổ chức hành chính của Lạng Sơn khi đó gồm có 10 huyện với 144 xã, 6 thị trấn và thị xã Lạng Sơn (tỉnh lỵ) đóng tại huyện Cao Lộc. Hiện nay, Lạng Sơn có 1 thành phố và 10 huyện với 225 xã, phường, thị trấn.

Lạng Sơn trong bối cảnh đất nước đang tiến lên hiện đại hoá, công nghiệp hoá hiện nay cũng không ngừng chuyển mình phát triển về kinh tế - xã hội. Với đặc điểm là một tỉnh miền núi (chiếm hơn 80% diện tích) nên hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm 80% tỉ trọng cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên trong những năm gần đây, Lạng Sơn đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng kết hợp với chăn nuôi. Cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được chú trọng, nhiều mô hình trang trại được mở ra tạo việc làm cho người lao động và làm thay đổi diện mạo kinh tế của tỉnh. Đi đôi với phát triển nông, lâm nghiệp thì công nghiệp và dịch vụ cũng từng bước tăng trưởng, nhất là ngành du lịch.

Là vùng đất phên dậu có lịch sử lâu đời của Tổ quốc, Lạng Sơn cũng là nơi được phát hiện có các di chỉ của người Việt thời sơ sử, tiền sử. Xứ Lạng cũng là địa danh in đậm dấu ấn nền văn hoá truyền thống của nhiều dân tộc anh em. Có những dân tộc có nguồn gốc bản địa như Nùng, Tày; cũng có một số nhánh tộc người và dân tộc di cư từ các tỉnh ở Đồng bằng Bắc Bộ lên; hoặc từ Trung Quốc sang. Theo số liệu thống kê điều tra dân số ngày 01/ 04/ 2009, dân số của tỉnh là 731.887 người với bảy dân tộc anh em, trong đó: dân tộc Nùng chiếm 42,97%, dân tộc Tày chiếm 35,92%, dân tộc Kinh chiếm 16,5%, còn lại là các dân tộc Hoa, Dao, Sán Chay, H’mông,… Số người trong độ tuổi lao động chiếm 58%, đa số là lao động trẻ. Chỉ có khoảng 20% dân số của tỉnh sống ở khu vực thuận tiện về giao thông và điều kiện phát triển kinh tế,

sống bằng thương nghiệp, tiểu thương; còn hơn 80% dân số sinh sống ở nông thôn và sống bằng nông nghiệp. Mặc dù cùng chung sống đoàn kết với nhau, nhưng mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán khác nhau, có bản sắc riêng của văn hoá dân tộc mình. Trong bối cảnh hiện nay, với đường lối chính sách đoàn kết dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước, các dân tộc sinh sống trên vùng đất Xứ Lạng đều đoàn kết chung lòng xây dựng quê hương đất nước để đạt được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động du lịch Biên Mậu ở tỉnh Lạng Sơn (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)