6. Đóng góp mới của đề tài
1.1.3.4. Vai trò của Du lịch "biên mậu"
Với hoạt động du lịch
Hoạt động du lịch có thể được hiểu rộng, bao gồm các hoạt động kinh doanh du lịch của các đơn vị lữ hành, hoạt động đầu tư, xây dựng các điểm du lịch, khu du lịch…; hoạt động tham quan du lịch của du khách tại nơi du lịch… Hoạt động du lịch phát triển không tách rời một vùng đất, địa phương hay một khu vực địa lí gắn với những điều kiện nhất định.
Du lịch "biên mậu" - dù vẫn là một cụm từ chưa phổ biến song đã cho thấy đối với du lịch thì đây cũng chính là một loại hình du lịch mới, bởi sự kết
hợp giữa loại hình du lịch biên giới (theo đặc điểm của địa điểm du lịch) và du lịch mua sắm (theo mục đích của chuyến đi). Sự xuất hiện của loại hình du lịch mới này góp phần làm cho loại hình du lịch đa dạng hơn, hướng tới việc thỏa mãn tốt hơn nhu cầu du khách của các đơn vị kinh doanh du lịch.
Đối tượng để tổ chức loại hình du lịch "biên mậu" tuy chủ yếu là tập trung vào các khu vực đặc thù như: trung tâm thương mại, chợ, các điểm mua bán ở khu vực vùng biên giới, song không có nghĩa là tách rời với các nhân tố khác cấu thành nên hoạt động du lịch như: tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kĩ thuật, nguồn nhân lực. Hoạt động du lịch "biên mậu" được diễn ra sẽ góp phần thu hút khách tham gia sử dụng các sản phẩm và dịch vụ du lịch khác.
Như vậy, vùng biên giới cũng bao gồm các đơn vị hành chính dân cư, có các hoạt động kinh tế - xã hội. Với nhiều điều kiện lợi thế, đây là một trong những địa bàn để hoạt động du lịch "biên mậu" có cơ sở phát triển riêng. Tuy nhiên, do là khu vực mang tính chiến lược về mọi mặt, nên trong sự phát triển của mình, hoạt động du lịch cũng không nằm dời các mối liên hệ đó.
Với sự phát triển kinh tế - xã hội
Lĩnh vực kinh tế được coi là nền tảng và góp phần rất lớn cho việc tạo nên hệ thống hạ tầng cơ sở - cơ sở vật chất kĩ thuật cho ngành du lịch phát triển; tạo nên cảnh quan của các khu đô thị, công nghiệp, là bộ mặt cho thấy sự phát triển của đất nước. Sản xuất kinh tế phát triển, đời sống của người lao động được nâng cao, là điều kiện để thúc đẩy nhu cầu du lịch của con người.
Trong khi đó, du lịch lại là một bộ phận không tách rời của nền kinh tế. Trong nhiều năm trở lại đây, hiệu quả hoạt động du lịch gia tăng đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế phát triển. Đối với vùng biên, tuy gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển các ngành kinh tế công nghiệp sản xuất, song lại chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển một ngành công nghiệp không khói, đó là dịch vụ - du lịch. Hoạt động du lịch "biên mậu" đã tác động tới sự thay
đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp - thủ công truyền thống của cả vùng, đồng thời phản ánh rõ nét hiệu quả phát triển kinh tế của địa phương.
Thông qua du lịch "biên mậu", là một hình thức quảng bá, kêu gọi và thu hút đầu tư, nhiều địa phương đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh. Đó là hiệu quả tích cực mà hoạt động du lịch là điều kiện để khơi nên sự phát triển đồng đều, đa diện mới.
Nếu như kinh tế được coi là nền tảng để tạo nên hệ thống hạ tầng cơ sở - cơ sở vật chất kĩ thuật hỗ trợ du lịch phát triển, thì môi trường chính trị - xã hội là động lực để tạo nên sự an toàn, thu hút khách du lịch đến với các điểm du lịch.
Du lịch được xem là một trong những tác nhân tạo điều kiện để chính trị - xã hội phát triển. Hoạt động du lịch như cầu nối của hữu nghị, ngoại giao, là cầu nối để duy trì hòa bình giữa các nước láng giềng. Sự qua lại của người dân hai nước qua các cửa khẩu quốc gia thông qua hoạt động du lịch sẽ góp phần cải thiện mối quan hệ của hai dân tộc; thúc đẩy nhu cầu tìm hiểu đất nước, dân tộc, phong tục tập quán. Trên cơ sở đó là nền tảng cho hòa bình, hữu nghị và sự giao lưu, hợp tác mọi mặt giữa hai quốc gia, góp phần củng cố môi trường chính trị - xã hội an toàn, vững mạnh ở khu vực biên giới.
Hoạt động du lịch cũng góp phần không nhỏ tới sự cải tạo môi trường xã hội nơi giáp biên. Hoạt động du lịch chỉ có thể phát triển ở những nơi có môi trường xã hội lành mạnh. Do đó, để có thể là cơ sở cho du lịch phát triển, địa bàn đó cần phải xây dựng được không chỉ môi trường tự nhiên trong sạch, mà còn cần hạn chế tối đa các tệ nạn xã hội. Đối với các địa phương vùng biên, đây là điều rất cần thiết, bởi đó không chỉ mang ý nghĩa phát triển, mà còn góp phần phản ánh một phần bộ mặt của đất nước qua nơi cửa ngõ này.
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch "biên mậu" phát triển sẽ góp phần rất lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở các địa
phương vùng biên. Đây là quá trình đẩy nhanh một bước để tạo ra hiệu quả kinh tế, mà còn là động lực để đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu trong dân cư và thực hiện xây dựng môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh.
Với sự giao lưu văn hóa
Cùng với thành tố xã hội, văn hóa với ý nghĩa rộng lớn đã cùng kết hợp để tạo nên môi trường văn hóa - xã hội, là cơ sở để phản ánh sự phát triển về mặt tinh thần, nhân văn cho đời sống của một địa phương. Môi trường văn hóa - xã hội phát triển như thế nào sẽ phản ánh sự phát triển của địa phương đó.
Không chỉ có vậy, văn hóa với các giá trị vật thể và phi vật thể đã tạo nên hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn, là cơ sở quan trọng để hoạt động du lịch khai thác và phát triển được.
Cùng với đó, hoạt động du lịch "biên mậu" cũng tác động không nhỏ tới văn hóa. Du lịch là một trong những cách thức để khai thác, truyền bá nhằm phát huy hiệu quả và đề cao các giá trị văn hóa. Hoạt động du lịch có sự khai thác đúng hướng, đúng mực, đồng thời có các tác động tích cực nhằm bảo vệ sẽ là điều kiện để thực hiện giao lưu văn hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa đạt hiệu quả.
Vùng biên giới là địa bàn tập trung nhiều tộc người thiểu số sinh sống với sự đa dạng của các giá trị văn hóa truyền thống. Trong bối cảnh quá trình giao lưu, hợp tác đang được đẩy mạnh như hiện nay, ở nơi có lượng khách du lịch từ nước bạn qua biên giới với số lượng lớn sẽ là điều kiện để phát huy hiệu quả nhiều mặt, song đó cũng là những thử thách đối với các giá trị văn hóa ấy.
Với vấn đề hợp tác và tăng cường an ninh - quốc phòng
An ninh - quốc phòng được coi là điều kiện tối quan trọng để bảo vệ cho hoạt động du lịch được diễn ra an toàn trong địa phận lãnh thổ của một quốc gia nói chung, và đặc biệt là với khu vực biên giới. Bảo vệ vùng đất, vùng trời của lãnh thổ quốc gia là cơ sở trọng yếu để mọi hoạt động được diễn
ra an toàn. Đối với khu vực biên giới, đó còn là trách nhiệm của lực lượng an ninh - quốc phòng trong việc bảo vệ đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân nơi đây. An ninh - quốc phòng ở khu vực biên giới được bảo vệ và củng cố vững chắc sẽ là nền tảng để xây dựng nên môi trường chính trị - văn hóa - xã hội ổn định, là yếu tố động lực để đẩy nhanh sự phát triển mọi mặt của vùng.
An ninh - quốc phòng được thực hiện tốt là điều kiện để hoạt động du lịch "biên mậu" phát triển, và hoạt động du lịch "biên mậu" đạt hiệu quả phát triển tốt sẽ góp phần làm cho đời sống kinh tế - xã hội được cải thiện, đảm bảo và làm tăng cường nội lực để công tác an ninh - quốc phòng được củng cố vững mạnh.
Ở các khu vực nhạy cảm giáp biên, sự phát triển của hoạt động du lịch sẽ tác động tới các chiến lược bảo vệ an ninh - quốc phòng, để phù hợp với những điều kiện mới; song hoạt động du lịch cũng luôn đặt vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước là trên hết.
Như vậy, có thể thấy hoạt động du lịch với mọi mặt của đời sống và những vấn đề chiến lược của khu vực vùng biên đều có mối liên hệ tác động biện chứng qua lại lẫn nhau. Vì vậy, để các mối liên quan đó được phát huy thuận lợi, làm nền tảng cho mọi sự phát triển của vùng biên giới nói riêng và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia nói chung, đòi hỏi rất nhiều sự quan tâm cũng như các đường lối, chính sách xây dựng và phát triển của Đảng - Nhà nước, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh nhất định. Hoạt động du lịch với ý nghĩa sâu rộng sẽ là một trong những yếu tố góp phần để các chiến lược, đường lối phát huy có hiệu quả, nhằm tạo nên động lực và sức phát triển mới đa diện hơn, vững chắc hơn.