6. Đóng góp mới của đề tài
1.2.2. Tài nguyên du lịc hở tỉnh Lạng Sơn
1.2.2.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên
Tài nguyên du lịch tự nhiên là các đối tượng và hiện tượng trong môi trường tự nhiên có thể được sử dụng vào mục đích khai thác phục vụ du lịch. Các loại tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm: tài nguyên địa hình, tài nguyên khí hậu, tài nguyên thủy văn, tài nguyên sinh vật.
Tài nguyên du lịch tự nhiên Xứ Lạng khá phong phú, có sự kết hợp hài hòa của các yếu tố tự nhiên góp phần tạo nên sức hấp dẫn cao, đã mở ra khả năng khai thác phục vụ cho sự phát triển hoạt động du lịch. Tuy nhiên, có ý nghĩa hơn cả đối với sự phát triển du lịch của Lạng Sơn là sự đa dạng của các kiểu địa hình.
Bên cạnh sự độc đáo của yếu tố vị trí địa lí đặc biệt, sự phân hóa đa dạng của các dạng địa hình đã góp phần làm nên sự phong phú mà đặc sắc cho tài nguyên du lịch của Lạng Sơn.
Kiểu địa hình đồi núi chiếm hơn 80% diện tích cả tỉnh Lạng Sơn. Dạng địa hình phổ biến là núi thấp và đồi, với độ cao trung bình 252m so với mực nước biển. Nơi thấp nhất khoảng 20m ở phía nam huyện Hữu Lũng và nơi cao nhất là đỉnh Mẫu Sơn ở độ cao 1541m. Địa hình của Lạng Sơn bị chia cắt mạnh bởi các khối núi đá vôi nên tạo ra những cảnh quan thiên nhiên sông, hồ, thung lũng, núi rất đẹp; cùng với vùng khí hậu rất tốt cho sức khỏe, có khả
năng khai thác loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng lí tưởng. Do sự phân hóa của địa hình mà Lạng Sơn có khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao, là điều kiện cho thảm thực vật phát triển, tạo nên các rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, thích hợp cho việc phát triển loại hình du lịch nghiên cứu, khám phá. Có thể kể đến một số danh thắng tự nhiên đẹp nổi tiếng của Lạng Sơn như:
Tượng đá nàng Tô Thị
Trên đỉnh núi Tô Thị hay còn gọi là núi Vọng Phu, ở vị trí chếch về phía tây bắc núi Tam Thanh, có tảng đá tự nhiên giống hình người phụ nữ bồng con nhìn về phương xa. Từ xưa, tảng đá hình người đã được gắn với truyện cổ tích nàng Tô Thị bồng con chung thủy đứng chờ chồng đi đánh trận phương Bắc, chờ mãi không được, nàng cùng con đã hóa đá. Vì thế nên người đời cũng gọi tảng đá là nàng Tô Thị.
Từ động Tam Thanh, có thể quan sát thấy rõ tượng đá nàng Tô Thị. Truyền thuyết về Nàng Tô Thị đã đi vào tâm khảm của dân tộc Việt Nam. Thiên nhiên đã tạo ra hình tượng người mẹ ôm con đứng chờ chồng trên đỉnh núi cao như một biểu tượng của lòng thuỷ chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam., có lẽ vì thế mà trong số 5 tấm bia khắc trên vách đá ở Động Tam Thanh còn có "Bài thơ đá Vọng Phu" của đại thi hào Nguyễn Du còn lưu:
"Đá ơi? Người ơi? Người là ai? Nghìn vạn mùa xuân đang lẻ loi, Muôn thuở mây mưa xa mộng mị Một lòng son sắt vững thần đời.
Trời thu ứa lệ rơi không ngớt, Dòng chữ rêu phong tạc chửa phai,
Bốn mặt núi non trông ngút mắt, Luân thường nàng giữ một mình thôi".
Trải qua bao năm tháng, do tác động của thiên nhiên và con người, di tích này đã bị hủy hoại. Tỉnh Lạng Sơn đã cho dựng lại như tượng đá nguyên bản để gìn giữ một di tích đã đi vào tình cảm, tâm thức của người dân Việt Nam.
Sông Kỳ Cùng - Bến đá Kỳ Cùng
Dòng sông bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa cao 1.166m thuộc huyện Đình Lập, chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc qua thành phố Lạng Sơn, đoạn chảy trên đất Việt Nam khoảng 243 km. Khi qua thành phố Lạng Sơn khoảng 22 km về phía tây bắc, dòng sông đổi hướng để chảy gần như theo hướng Nam - Bắc tới thị trấn Văn Lãng rồi lại đổi hướng thành Đông nam - Tây bắc trước khi rẽ sang hướng đông gần thị trấn Thất Khê. Tại đây, dòng sông chảy gần như theo đường vòng cung, đoạn đầu theo hướng tây tây bắc - đông đông nam tới Bi Nhi, từ đó vượt biên giới sang Trung Quốc và dần đổi hướng thành tây tây nam - đông đông bắc để hợp lưu với sông Bằng Giang thành sông Tả Giang tại thị trấn Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc (cách biên giới Việt - Trung 55km). Đây là con sông duy nhất ở miền Bắc nước ta chảy theo hướng đông nam - tây bắc sang Trung Quốc.
Nằm ở phường Vĩnh Trại, bên phía bờ bắc sông Kỳ Cùng còn có ngôi đền Kỳ Cùng linh thiêng. Trong đền có bến đá Kỳ Cùng, xưa kia được danh nhân Ngô Thì Sỹ gọi là “Kỳ Cùng thạch độ”, là một trong tám cảnh đẹp của Lạng Sơn được ghi trong “Lạng Sơn trấn doanh bát cảnh”. Khúc sông Kỳ Cùng ở đoạn này có nhiều tảng đá chắn ngay giữa dòng sông, đá lô nhô trên mặt nước, sóng vỗ vào đá theo mực nước sông, lúc lên lúc xuống tạo thành những lớp sóng tung bọt trắng xóa, trào khắp một dải tràng giang, trông rất ngoạn mục. Tương truyền xưa kia, bất cứ cuộc hành quân hay cuộc hành trình nào của các sứ giả qua lại Trung Quốc cũng đều phải qua nơi nay. Thuyền bè san sát, hai bờ sông lúc nào cũng tấp nập đông đúc vì dân chúng hoặc quan quân hội tụ. Các sứ thần của Việt Nam mỗi lần đi sứ sang Trung Quốc đều
dừng chân tại bến đá, sửa soạn lễ vật lên thắp hương tại đền Kỳ Cùng, cầu cho chuyến đi được bình an, công thành danh toại.
Ngày nay Cầu Kỳ Cùng được xây ở ngay cạnh bến đá, nối hai bờ Bắc và Nam sông Kỳ Cùng, chia Thành phố Lạng Sơn thành hai khu vực, bên bờ Bắc là nơi sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của nhân dân, bên bờ nam là khu vực tập trung các cơ quan hành chính của Tỉnh.
Hang Gió
Hang có tên chữ là “Thuỷ Vân Động”, được đoàn công tác của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và đội thám hiểm hang động Hoàng gia Anh phát hiện năm 1998. Hang nằm ở lưng chừng ngọn núi đá vôi phía tây bắc bản Sao Thượng, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Hang Gió được biết đến là một trong những thắng cảnh đẹp của Lạng Sơn, được xếp hạng là di tích cấp tỉnh vào năm 2000. Đây là hang động có quy mô lớn, chiều dài hàng trăm mét, rộng 50 - 70m, chiều cao có nơi từ 30 - 40m. Hang có hai cửa chính Đông Tây và Tây Bắc thông với nhau; khách tham quan đi vào từ cửa Đông, trèo lên tầng dạng vòng cung và sau đó đi tiếp về cửa Tây.
Hang Gió có hai tầng và một tầng hầm, ít ngách phụ; trong hang ít hiểm trở nên đi lại tương đối dễ dàng, có thể đảm bảo cho hàng trăm người vào tham quan cùng lúc. Vòm hang cao, rộng và thoáng mát, mang dáng dấp như một vòm nhà thờ; trên vách và trần hang rất phong phú các loại nhũ đá còn nguyên sơ mang nhiều hình thù kì dị như: vú sữa, dòng nước mắt, voi, ngựa, cò, sếu,… Các chuông đá, măng đá, cột đá đa dạng, được ví như “thiên đình của hạ giới”.
Núi Mẫu Sơn
Mẫu Sơn là vùng núi cao nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn, chạy theo hướng đông - tây, cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía Đông, giáp
với biên giới Việt - Trung. Khu du lịch Mẫu Sơn thuộc địa phận chính của 3 xã: Công Sơn, Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc) và xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình).
Toàn bộ vùng núi Mẫu Sơn có diện tích khoảng 550 km², bao gồm 80 ngọn núi lớn nhỏ ở độ cao trung bình 800-1000 m so với mực nước biển, với đỉnh cao nhất là Phia Po (cao 1.541 m, còn gọi là đỉnh Công hay Công Sơn - nơi đặt cột mốc số 42, biên giới Việt Trung). Vùng núi này cũng là nơi cư trú của các dân tộc Dao, Nùng, Tày. Người dân ở đây sống rải rác gần khu rừng trồng, thuộc vành đai thấp với độ cao không quá 700m so với mặt nước biển. Mẫu Sơn nổi tiếng với các sản vật như: chè tuyết sơn, đào trái, gà lôi sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, rượu Mẫu Sơn...
Khu du lịch Mẫu Sơn cách nằm ở độ cao 1.541m so với mặt biển, khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình năm 15,6o
C, rất thích hợp cho nghỉ dưỡng. Mẫu Sơn được bao bọc cả trăm quả núi lớn nhỏ. Mùa hè mát mẻ, mùa đông đỉnh núi luôn bị sương mù bao phủ, những ngày giá rét thỉnh thoảng có tuyết rơi. Năm 1923 Bác sĩ người Pháp Opilot đã đến đây xây dựng một biệt thự; những năm sau đó người Pháp cũng đã quy hoạch và xây dựng thêm nhiều biệt thự để phục vụ các quan chức Pháp. Mẫu Son được ví như “Sapa thứ hai” của miền Bắc, lại thuận lợi về địa lý, giao thông, cách Hà Nội không đến 180km; từ Mẫu Sơn, du khách có thể đi thăm Trung Quốc qua cửa khẩu Chi Ma. Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đang cho xây dựng những công trình phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch leo núi, nghỉ dưỡng.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Lạng Sơn nhiều cảnh quan độc đáo, hấp dẫn, là điều kiện để Lạng Sơn có thể xây dựng và đưa vào tổ chức một số loại hình du lịch phù hợp như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch tham quan nghiên cứu khoa học. Với đặc điểm địa hình đồi núi, nên Lạng Sơn trở thành nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số: Nùng, Tày, Sán Chay, Hoa, Dao, H’mông… Sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc gắn
với những nơi có cảnh quan kì thú là điều kiện để kết hợp giữa phát triển du lịch gắn với tự nhiên và tìm hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số của Xứ Lạng.
1.2.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh Bõ công bác mẹ sinh thành ra anh”
Câu ca ấy như lời mời gọi tha thiết mặn nồng những ai chưa một lần đặt chân tới xứ Lạng, và ai đã đến rồi thì lại mong có lần được trở lại. Điều đó khẳng định tiềm năng du lịch của tỉnh Lạng Sơn có sức hấp dẫn đối với bất cứ ai đã một lần đến nơi đây.
Là một trong ba cửa ngõ lớn ở phía Bắc tổ quốc, Lạng Sơn có 253km đường biên giới với Trung Quốc, cách thủ đô Hà Nội 154km; có đường bộ và đường sắt đi lại dễ dàng, thuận lợi. Với hai cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia, bảy cặp chợ đường biên và các trung tâm thương mại, chợ biên giới là điều kiện hiếm có so với các tỉnh biên giới khác để phát triển thương mại gắn với du lịch. Từ Lạng Sơn, khách du lịch có thể đi ô tô, tàu hỏa sang Trung Quốc và ngược lại. Hiện nay, đã có nhiều chương trình du lịch bằng ô tô từ thành phố Lạng Sơn đi một số địa phương của Trung Quốc đã và đang hoạt động rất thuận tiện.
Lạng Sơn trong tiến trình lịch sử lâu dài, với vị trí địa lí đặc biệt, còn sớm là một trong những cái nôi của sự xuất hiện loài người. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Lạng Sơn có một vị thế đặc biệt, trở thành phên dậu bảo vệ cho cả một dải quê hương đất nước. Nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện và chiến công hiển hách của dân tộc trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm qua các thời kì, và cũng có thể nói mỗi tấc đất của mỗi địa danh ở Xứ Lạng đều là những di tích lịch sử, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, Lạng Sơn có khoảng 248 loại hình văn hoá nghệ thuật; có 581 di tích được lập hồ sơ quản lý, trong đó có 23 di tích được xếp hạng quốc gia, 88 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 470 di tích được khoanh vùng quản lí. So với các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc khác thì mật độ các di tích kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng ở Lạng Sơn là khá dày. Ngoài ý nghĩa là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng cho nhân dân, những di tích này còn là những di sản văn hoá, những công trình nghệ thuật có giá trị được sáng tạo nên bởi bàn tay, tâm huyết của người dân lao động nơi đây. Các danh lam thắng cảnh cùng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa có sức cuốn hút kỳ lạ là những tiềm năng to lớn cho việc phát triển du lịch của tỉnh.
Là nơi có nhiều dân tộc cùng chung sống nên Lạng Sơn là mảnh đất hội tụ những tập quán sinh hoạt, những phong tục hội hè, những phiên chợ vùng cao, những ngày hội Lồng tồng, những sắc màu trang phục truyền thống, những áng ca dao, cũng như những làn điệu dân ca, hát then, hát sli, hát lượn .... độc đáo. Ngoài ra, Xứ Lạng còn có những nét văn hoá ẩm thực đặc sắc mang đậm những phong vị riêng như: phở chua, vịt quay, khau nhục, xá xíu, thịt lạp, xôi ngũ sắc, bánh cuốn, bánh phồng, măng ớt, khẩu Sli ... Cùng với các món ăn đó, các loại hoa quả nơi đây cũng rất phong phú như: mơ, lê Tràng Định, mận Bình Gia, quýt Bắc Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm, na Chi Lăng, đào Mẫu Sơn... Sự đa dạng và độc đáo của các sản phẩm ẩm thực của Lạng Sơn sẽ là ấn tượng sâu sắc đối với du khách sau mỗi lần đến thăm, tìm hiểu và thưởng thức.
Là một điểm nằm trong quy hoạch phát triển tuyến hành lang kinh tế: Nam Ninh - (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam), vị trí của Lạng Sơn không chỉ trở nên quan trọng cho ngành du lịch của tỉnh mà còn đối với ngành du lịch cả nước. Từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện đường lối chính sách đổi mới và hội nhập, các hệ thống trung tâm thương
mại, các khu kinh tế cửa khẩu và chợ biên giới tại Lạng Sơn được xây dựng và nâng cấp, các thủ tục hành chính được cải cách thuận tiện…. Hệ thống các chợ Đông Kinh, chợ Kỳ Lừa, chợ Đồng Đăng, các trung tâm thương mại tại khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh đã được đầu tư và trở thành điểm du lịch mua sắm hấp dẫn. Với các chính sách đầu tư mở rộng, cơ chế quản lý năng động nên việc giao lưu buôn bán và tham quan du lịch ngày càng diễn ra sôi động, từng bước đưa Lạng Sơn trở thành một trong những trung tâm giao lưu buôn bán, tham quan quan du lịch với các loại hình như: du lịch mua sắm, du lịch tâm linh, du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch quá cảnh,…
Đền Kỳ Cùng
Đền Kỳ Cùng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thuộc địa phận phường Vĩnh Trại, nằm bên phía bờ bắc sông Kỳ Cùng. Đền là nơi thờ thần Giao Long (thần sông nước) với nhiệm vụ giữ cho quanh năm mưa thuận gió hòa.
Lịch sử của ngôi đền còn gắn với truyện kể về quan lớn Tuần Tranh, được triều đình nhà Trần cử lên trấn thủ Lạng Sơn. Trong thời gian ở tại Lạng Sơn, ông chỉ huy đánh giặc bị thua, quân lính thiệt mạng rất nhiều, ông lại bị vu cáo vào tội dâm ô, đành nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự tử để chứng minh sự trong sạch. Do tấm lòng trong sạch, ông được thần linh hóa thành đôi rắn (ông Cộc - ông Dài) làm vị thần sông ngự tại đền Kỳ Cùng. Về sau, nỗi oan khuất của ông được một vị tướng nhà Lê là Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài (được thờ tại đền Tả Phủ) chứng minh, hóa giải. Vì vậy mới có tục lệ vào ngày lễ hội Đền Kỳ Cùng (cũng từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng âm lịch giống như đền Tả Phủ), phải có lễ rước kiệu ông lớn Tuần Tranh lên đền Tả Phủ để tạ ơn và hầu chuyện Thân Công Tài. Điều này giải thích cho sự liên quan mật thiết của hai lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ.