Những hạn chế trong hoạt động du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động du lịch Biên Mậu ở tỉnh Lạng Sơn (Trang 103)

6. Đóng góp mới của đề tài

2.4.4. Những hạn chế trong hoạt động du lịch

Bên cạnh thành tựu mà hoạt động du lịch ở Lạng Sơn nói chung và du lịch "biên mậu" nói riêng đã đạt được, còn những hạn chế nhất định.

Thứ nhất, đó là khả năng kéo dài thời gian lưu lại của khách du lịch ở Lạng Sơn chưa cao. Nếu tính khoảng cách từ Hà Nội đến Lạng Sơn nói chung hoặc khoảng cách tương đương từ Lạng Sơn đến các địa phương khác, có thể thấy phần lớn là khách đi du lịch trong ngày. Một số điều kiện phục vụ du lịch ở Lạng Sơn như cơ sở lưu trú, ăn uống, cơ sở vui chơi giải trí còn thiếu về số

lượng, chưa đạt tiêu chuẩn và phân bố không đồng đều giữa các khu du lịch là nguyên nhân chính tạo nên hạn chế này.

Thứ hai, sản phẩm du lịch "biên mậu" ở Lạng Sơn có độc đáo, hấp dẫn nhưng vẫn còn đơn giản và đơn điệu.

Có thể nói nhiều đơn vi kinh doanh lữ hành khi xây dựng chương trình du lịch chưa thực sự có sự đầu tư nghiên cứu các điểm đến, mà chỉ dựa trên yếu tố hấp dẫn của hoạt động "biên mậu" để thu hút khách du lịch ở một số địa bàn nhất định như: trung tâm thành phố Lạng Sơn, khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh,… Hạn chế này trong những sản phẩm du lịch này không chỉ khiến cho các hành vi tiêu dùng du lịch của du khách bị giới hạn trong một số hoạt động, địa điểm nhất định; mà còn có thể tạo nên sự nhàm chán, đơn điệu về mặt tâm lí ở khách du lịch đối với những chương trình, sản phẩm du lịch của Lạng Sơn.

Thứ ba, tài nguyên du lịch Lạng Sơn được đánh giá là rất đa dạng về loại hình, nhưng lại chưa được khai thác hữu ích cho hoạt động du lịch. Có những điểm du lịch rơi vào tình trạng khai thác quá tải, cần được đầu tư phục hồi; song cũng có trường hợp rơi vào tình trạng “bị bỏ ngỏ”, như một số di tích khảo cổ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nằm ở xa địa bàn hoạt động

"biên mậu". Tài nguyên du lịch không được nghiên cứu, đánh giá và đưa vào thiết kế hợp lí phục vụ phát triển du lịch là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí tài nguyên du lịch, đồng thời lại tạo nên tính đơn điệu, nhàm chán trong sản phẩm du lịch.

Thứ tư, công tác quy hoạch các tuyến, điểm du lịch còn chậm, chưa tương xứng với sự gia tăng số lượng khách du lịch đến với Lạng Sơn.

Một số dự án quy hoạch nằm trong tình trạng này có thể kể đến như: dự án khu du lịch Đèo Giang - Văn Vỉ, dự án công viên du lịch sinh thái hồ Nà Tâm, dự án du lịch sinh thái khu du lịch Mẫu Sơn,… Sự chậm trễ, kéo dài

thời gian trong công tác quy hoạch tuyến điểm du lịch có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố về nguồn vốn của nhà đầu tư và sự buông lỏng hoạt động quản lí giám sát tiến độ của các cơ quan quản lí chức năng ngành du lịch tỉnh. Kết quả của sự chậm trễ này có thể dẫn tới việc một số dự án quy hoạch không được hoàn thành đúng tiến độ, hoặc ngưng thi công giữa chừng; song tác động trước hết có thể thấy là sự đơn điệu trong sản phẩm, chương trình du lịch, cũng như sự hạn chế hành vi tiêu dùng du lịch của du khách.

Thứ năm, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Lạng Sơn vẫn còn những hạn chế.

Nhiều sản phẩm du lịch có sự đơn điệu; sự kết hợp các điểm đến trong chương trình du lịch còn nghèo nàn.

Hoạt động của các công ty lữ hành trong việc thu hút khách du lịch đến Lạng Sơn còn mang tính thụ động, hiện tại mới chủ yếu quan tâm đến các dịch vụ hỗ trợ thủ tục xuất - nhập cảnh, quản lí khách du lịch của hai nước tham quan ở khu vực biên giới. Nguồn khách du lịch đến Lạng Sơn hiện nay chủ yếu do các đơn vị kinh doanh lữ hành cung cấp, hoặc do khách du lịch tự tìm đến.

Công tác quảng bá du lịch của Lạng Sơn dù đã có sự đầu tư, nhưng cần được tăng cường hơn nữa. Hoạt động quảng bá du lịch hiện nay mới chỉ được tổ chức hiệu quả thông qua kết hợp xúc tiến với một số triển lãm về kinh tế, văn hóa. Hình thức quảng bá trên hệ thống truyền hình, truyền thanh chưa phổ biến.

Có thể nói, du lịch "biên mậu" không chỉ mang những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội ở Lạng Sơn, mà còn góp phần thể hiện sự đúng đắn trong định hướng phát triển các mũi nhọn của tỉnh. Với những thuận lợi, khó khăn đã được nhìn nhận; cũng như những đánh giá về thành tựu, hạn chế của hoạt động du lịch nói chung và du lịch "biên mậu" nói riêng ở Lạng Sơn,

đó là cơ sở để tiến hành những cách thức, giải pháp tác động phù hợp với điều kiện và tình hình, để hoạt động du lịch ở Lạng Sơn có thể khắc phục được những khó khăn, hạn chế và nâng cao hiệu quả phát triển.

Tiểu kết

Với tiềm năng du lịch phong phú, lợi thế của khu vực cửa ngõ biên giới sầm uất là cơ sở ngành du lịch nói chung và hoạt động du lịch "biên mậu" ở Lạng Sơn có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, ngành du lịch Lạng Sơn hiện nay vẫn chưa phát huy hết những tiềm năng, chưa đạt được hiệu quả đồng đều, nhiều lĩnh vực đầu tư du lịch vẫn còn bị bỏ ngỏ. Số lượng khách du lịch đến với Lạng Sơn tăng nhanh qua các năm; và thông qua các hoạt động, mục đích của du khách đã chỉ ra hướng phát triển cho ngành du lịch của tỉnh. Để có thể tận dụng, phát huy những thế mạnh, ngành du lịch Lạng Sơn cần có những định hướng và giải pháp thực hiện nhiệm vụ đúng đắn, chú trọng hơn nữa đến vai trò của các nhà đầu tư du lịch, đặt sự phát triển của du lịch như một lĩnh vực phát triển song song với các ngành kinh tế chứ không chỉ là dựa trên lĩnh vực kinh tế. Phát triển du lịch ở một địa phương miền núi như Lạng Sơn đòi hỏi chiến lược, nguồn vốn và thời gian lâu dài; song với nhiều lợi thế đang có, ngành du lịch nói chung và hoạt động du lịch "biên mậu" ở Lạng Sơn nói riêng sẽ mang đến những sản phẩm du lịch hấp dẫn, có chất lượng đối với khách du lịch trong tương lai.

Chương 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA DU LỊCH “BIÊN MẬU” Ở TỈNH LẠNG SƠN

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động du lịch Biên Mậu ở tỉnh Lạng Sơn (Trang 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)