6. Đóng góp của luận văn
2.2.4.4. Du lịch làng nghề
Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, làng thêu Minh Lãng, làng chiếu Hới, làng nghề ươm tơ Bách Thuận, nghề dệt vải làng Mẹo xã Thái Phương, làng nghề dệt đũi Nam Cao… là những làng nghề có lịch sử lâu đời ở Thái Bình. Sản phẩm của làng đã khẳng định được ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, trên thực tế, du lịch làng nghề vẫn chưa thực sự phát triển chưa tạo được sức hấp dẫn đối với khách du lịch bởi:
- Giao thông tới các làng nghề hầu hết còn gặp nhiều khó khăn với khổ đường hẹp, chất lượng đường quá cũ, chưa được cải thiện, không có biển chỉ dẫn từ đường quốc lộ tới làng nghề.
- Hầu hết các làng nghề ở Thái Bình không có trung tâm du lịch, trung tâm giới thiệu sản phẩm, không có hướng dẫn viên hay thuyết minh viên, không cung cấp được cho du khách những bài thuyết minh tường tận về lịch sử làng nghề cũng như đặc thù của những sản phẩm trong làng nghề ấy, chưa nói đến việc mô tả những điểm nhấn của làng nghề trong lịch sử văn hóa chung của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bởi thế, khâu thuyết minh ở đây hầu như chẳng theo bài bản gì. Chưa làng nghề nào của tỉnh được tổ chức tập huấn kỹ năng du lịch. Phần lớn thợ thủ công của các làng nghề mang nặng quan niệm họ chỉ đóng vai trò người thợ chứ không phải là hướng dẫn viên hay thuyết minh viên.
Hiện nay, nhiều nghề và làng nghề ở Thái Bình nói riêng, ở đồng bằng Bắc Bộ nói chung đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Hàng loạt làng nghề bị sụt giảm sản xuất, một số làng đã chính thức bị “xóa sổ”, nhiều làng nghề khác đang “thoi thóp”. Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 78 trong tổng số 229 làng nghề rơi vào cảnh sụt giảm sản xuất và từng bước bị thu hẹp, chiếm tỷ lệ 34%. Trước thực tế đó, phát triển làng nghề theo hướng kết hợp làm du lịch sẽ là cánh cửa mở ra cơ hội phát triển mới cho các làng nghề cũng như hoạt động du lịch của tỉnh.