Bài học kinh nghiệm trong nước

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh Thái Bình (Trang 30)

6. Đóng góp của luận văn

1.2.2.Bài học kinh nghiệm trong nước

Du lịch văn hóa đã và đang được xác định là hướng phát triển của ngành du lịch Việt Nam do bề dày lịch sử văn hóa - văn hiến - văn vật - văn minh lâu đời của một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á. Các điểm du lịch ở Việt Nam chủ yếu khai thác các di tích lịch sử, di tích văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn truyền thống, lễ hội, làng nghề thủ công, ẩm thực truyền

thống… để lôi cuốn thu hút khách du lịch trong nước cũng như quốc tế. Đã có những địa phương, những khu du lịch, điểm du lịch hoạt động tốt, đem lại những hiệu quả rõ rệt về cả kinh tế, xã hội, môi trường cũng như bảo tồn di tích. Một trong số đó, không thể không điểm đến cách làm du lịch của tỉnh Quảng Nam - một điểm đến, hai di sản.

Hội An hay Faifo đã trở thành cái tên quen thuộc của nhiều du khách trong và ngoài nước khi nói đến Việt Nam. Nơi đây, khu phố cổ được xây dựng từ thế kỷ XVI vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn. Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1999 và được quan tâm phát triển, trở thành một trong số những địa phương tổ chức du lịch tốt nhất của Việt Nam. Đến với Hội An, khách du lịch ngỡ ngàng trước không gian của những nếp nhà cổ, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, bến cảng, chợ ven sông… và những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao phủ một màu rêu phong cổ kính. Sự tồn tại một đô thị cổ như Hội An là trường hợp duy nhất của Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị cổ xưa.

Mặc dù sở hữu những giá trị văn hóa của dân tộc trong quá khứ, mặc dù được xem là trung tâm du lịch của miền Trung và của cả nước, là điểm đến không thể thiếu trong hành trình đến Việt Nam của du khách quốc tế song Hội An không ngừng tự đổi mới để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Các nhà quản lý đô thị cổ Hội An, ngành du lịch Quảng Nam cùng các đơn vị kinh doanh du lịch đã bắt tay hợp tác cùng xây dựng sản phẩm cho du lịch Hội An, tránh sự nhàm chán, đơn điệu và để kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Bằng việc thống nhất cao của chính quyền và cư dân trong khu phố cổ, từ năm 2004 ngoài việc tổ chức Hội Đêm Rằm vào ngày 15 âm lịch hàng tháng, Hội An tổ chức thêm Phố Đêm vào thứ 7 hàng tuần, cùng với đó là việc triển khai phố đi bộ trong những tuyến đường chính của khu phố cổ. Ngành du lịch Hội An cũng khẩn trương xúc tiến các điểm đến mới khác trên địa bàn như Cửa Đại, Cù Lao Chàm, các làng nghề truyền thống (như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế…) để làm “nguyên liệu” xây dựng các chương trình du lịch ngày một phong phú hơn như Về Hội An quăng lưới lắc thúng chai, Đêm rằm phố Hội, Homestay tại phố cổ, Một ngày làm cư dân làng rau Trà Quế, Một ngày làm cư dân làng chài Thanh Nam, Khám phá Cù Lao Chàm… Nhiều tour

du lịch mới trên sông, biển, đảo cũng được khai trương trong các tháng du lịch mùa hè nhằm đem lại cho du khách những cảm xúc mới về Hội An.

Để phát triển lâu dài và theo hướng bền vững, Hội An đã cam kết xây dựng Thành phố sinh thái. Đây là mục tiêu lâu dài của thành phố và phân kỳ thành 3 giai đoạn từ nay cho đến năm 2030. Bởi nhận thấy sự cam kết của chính quyền và nỗ lực của từng người dân trong việc xây dựng đô thị sinh thái Hội An, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hội An khởi động dự án “Tư vấn chính sách về quản lý môi trường: Phát triển công nghiệp xanh” - một hợp phần của phát triển thành phố sinh thái vào tháng 8 năm 2011. Mô hình này sẽ giúp giải quyết các vấn đề về môi trường và thách thức biến đổi khí hậu trong các ngành công nghiệp, đồng thời cân đối giữa kinh doanh và phát triển cộng đồng, xác định trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với khu vực khách sạn và làng nghề, tăng thu nhập và cơ hội việc làm… Dự án sẽ đem đến những cơ hội phát triển mới cho Hội An trong tương lai.

Hội An đứng thứ 5 của nhóm “Thành phố lễ hội tốt nhất tại châu Á” năm 2009. Mới đây nhất, vào tháng 5/2011 theo kết quả bầu chọn của độc giả Wanderlust.co.uk/magazine (Tạp chí Du lịch Anh quốc) vừa công bố, phố cổ Hội An xếp vị trí thứ 2 trong top 10 thành phố du lịch hàng đầu thế giới với tỉ lệ phiếu bầu đạt tới 96%. Đây là những thông tin thực sự đáng mừng, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Hội An tới bạn bè quốc tế.

Thánh địa Mỹ Sơn là di sản văn hóa thứ 2 của tỉnh Quảng Nam được UNESCO công nhận năm 1999. Sau 12 năm hoạt động mở cửa đón tiếp khách du lịch trong và ngoài nước, từ tháng 12/2011, để tăng cường việc bảo tồn di tích và hoạt động du lịch hiệu quả, BQL khu di tích đang thay đổi phương thức khai thác, bảo vệ theo hướng bền vững, trả lại không gian yên tĩnh vốn có cho thung lũng Mỹ Sơn. Bắt đầu từ việc “làm sạch” Mỹ Sơn, BQL chính thức đưa hệ thống xe điện vào phục vụ trung chuyển khách tham quan, hạn chế và tiến đến cấm toàn bộ xe động cơ xăng dầu vào thung lũng. Việc hạn chế xe cơ giới vào sát chân tháp sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ di tích vốn đã quá xuống cấp. Nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá giới thiệu hình ảnh, Mỹ Sơn được đầu tư thiết kế logo riêng. Logo có hai màu vàng nâu, lấy cảm hứng chủ đạo từ màu gạch Chăm rêu phong, hình tượng

thần Siva cách điệu. Logo này sử dụng hình ảnh cách điệu chữ M trong tên di sản Mỹ Sơn và chữ W trong cụm từ tiếng Anh World heritage. BQL khu di tích Mỹ Sơn đã hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng hệ thống bảng biển báo, hướng dẫn, thuyết minh mới. Lối khám phá, tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn sẽ đi theo hướng ngược lại với đường đi xưa nay. Nghĩa là du khách sẽ được chiêm ngưỡng Mỹ Sơn bắt đầu từ “mặt tiền” của các đền tháp. Đặc biệt, hơn 50 hướng dẫn viên, thuyết minh viên vừa được tập huấn kỹ về kiến thức, nghiệp vụ cũng như thái độ phục vụ. Cũng trong năm 2011, tỉnh Quảng Nam đã quyết định trồng 65,5 ha rừng với ngân sách 4 tỉ đồng nhằm bảo vệ môi trường, chống xói mòn, tái tạo cảnh quan khu di tích, đồng thời kết hợp giữa du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch sinh thái. Đây là một quá trình “rũ bụi thời gian”, làm mới di sản. Mỹ Sơn không còn tiếng ồn, khói bụi xe cơ giới, không gian được mở ra nhờ lối đi, tiếp cận mới, hòa với môi trường sinh thái tự nhiên sẽ tạo sức hấp dẫn mới đối với khu di tích cũ này.

Hoạch định và tổ chức du lịch tại Quảng Nam với 2 di sản văn hóa nổi tiếng: Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn là bài học kinh nghiệm quý báu cho phát triển du lịch tại một số địa phương trên cả nước theo định hướng bền vững, gắn kết văn hóa với du lịch.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh Thái Bình (Trang 30)