Bài học kinh nghiệm nước ngoài

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh Thái Bình (Trang 25)

6. Đóng góp của luận văn

1.2.1.Bài học kinh nghiệm nước ngoài

Du lịch văn hóa, ngày nay đang trở thành xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Loại hình du lịch này được coi là mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng xã hội theo định hướng phát triển bền vững đồng thời làm hồi sinh các di sản và sống lại nhiều phong tục, truyền thống tốt đẹp cổ xưa. Việc tìm hiểu cách thức tổ chức du lịch văn hóa của những địa phương, quốc gia trên thế giới sẽ là bài học quý cho việc tiến hành, triển khai loại hình du lịch này ở nước ta.

Ở Hàn Quốc, ngay từ những năm của thập niên 80, người ta đã xây dựng lại mô hình các làng cổ để tái hiện cuộc sống của dân tộc trong quá khứ. Làng văn hóa Hàn Quốc tại thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi, một thành phố vệ tinh của thủ đô Seoul là một mô hình được xây dựng từ tháng 8 năm 1973. Nơi đây hội tụ 30 ngôi làng cổ trên diện tích 660.000m2, là bảo tàng sống ngoài trời, nơi lưu giữ, tái hiện và trưng bày các giá trị văn hóa của Hàn Quốc trong nhiều thế kỷ như nhà cổ, trường học, trụ sở tỉnh lị xưa, các nghề sản xuất truyền thống, nghề thủ công, công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, lễ hội và các trò chơi dân gian hay không gian chợ cũ…

Một trong những nét đặc trưng của người Hàn là nhà cổ. Bởi khí hậu lạnh mà hầu hết mỗi ngôi nhà đều có hệ thống dẫn nhiệt phía dưới mặt sàn gỗ để dùng sức nóng từ các bếp củi tạo hơi ấm cho cả không gian nhà. Đây chính là điểm độc đáo trong kiến trúc truyền thống của người Hàn trong việc ứng phó với môi trường tự nhiên. Ngoài những mô hình nhà ở truyền thống của nhiều tầng lớp cư dân (nông dân, địa chủ, các tộc người…), đây còn là nơi lưu giữ các mô hình nhà với các chức năng đặc biệt khác nhau như: điện thờ, trụ trở tỉnh lị, trường học, chùa thờ Phật hay những ngôi nhà của các vị pháp sư…

Hoạt động du lịch ở đây được tổ chức rất hệ thống, quy củ và đảm bảo sự kết hợp hài hòa với yếu tố cảnh quan môi trường. Ngay từ cửa vào và quầy mua vé, đã có những nhân viên trong trang phục hanbok sẵn sàng chỉ dẫn, hướng dẫn cho du khách khi có nhu cầu với thái độ nhiệt tình, hiếu khách. Các bảng giới thiệu, chỉ dẫn, sơ đồ tổng thể cũng như sơ đồ các phân khu bằng 3 thứ tiếng (tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Trung) được bố trí ở những vị trí hợp lý, thuận tiện cho khách du lịch quan sát. Mặc dù lượng du khách đông nhưng vấn đề vệ sinh và cảnh quan môi trường luôn được chú trọng. Các thùng rác được bố trí dọc các lối mòn với hình dạng, màu sắc hài hòa với không gian làng cổ. Trên một không gian rộng lớn, mô hình làng được chia thành các phân khu với nội dung, chức năng khác nhau như: khu nhà cổ, khu nghề thủ công truyền thống, khu trò chơi dân gian, khu tái hiện nghi lễ truyền thống… Ở mỗi nơi như vậy, đều trưng bày các hiện vật cổ có giá trị lịch sử, nhằm tái hiện lại đời sống sinh hoạt, sản xuất của cư dân Hàn trong quá khứ. Đến đây, du khách có thể chiêm ngưỡng những nếp nhà truyền thống, các nghi lễ cổ xưa như cúng lễ, cưới xin; xem thợ thủ công rèn công cụ lao động, tham gia nặn gốm, đan dép rơm…; hoặc tham gia

vào các trò chơi dân gian, thưởng thức nghệ thuật ca múa nhạc cổ truyền qua sự trình diễn của các vũ nữ trong những trang phục dân tộc đặc sắc.

Mô hình làng cổ này được coi như ngôi nhà chung, một bảo tàng ngoài trời, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa phong phú, đa dạng của đất nước, con người Hàn Quốc trong nhiều thế kỷ. Đây là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút gần 2 triệu du khách trong nước và quốc tế mỗi năm, là nơi mà khách du lịch có thể hình dung, trải nghiệm văn hóa của đất nước xứ sở kim chi qua chiều dài lịch sử trong một khoảng thời gian du lịch, tham quan, học tập, nghiên cứu không nhiều.

Ảnh 1: Nhà truyền thống12

Ảnh 2: Cối giã gạo bằng sức nước Ảnh 3: Trình diễn đua ngựa

Ảnh 4: Trò chơi dân gian Ảnh 5: Lễ cưới truyền thống13

12 http://www.koreanfolk.co.kr/folk/english/collec/collec_tra_sub.html

Tại cố đô Luang Prabang ở Lào, các nghệ nhân dân gian đã phục hưng văn hóa truyền thống và di sản kiến trúc dưới sự hướng dẫn của chính phủ và các cơ quan quản lý văn hóa, du lịch. Từ năm 1990 đến nay, Lào đã trùng tu hoàng cung và những ngôi chùa đẹp nhất của thành phố. Họ nhận thức rằng vẻ đẹp của Luang Prabang là tổng thể: không chỉ là kiến trúc chùa chiền mà còn là những tòa nhà bao quanh và thiên nhiên ở đây, vườn cây, công viên, không gian… Thành phố đã tiến hành kiểm kê di sản, xếp hạng hơn 600 tòa nhà. Bản thân thành phố được công nhận di sản văn hóa thế giới năm 1995. Nhà cửa, chùa chiền được phục chế trên tinh thần tôn trọng kiểu dáng truyền thống và phải hài hòa với kiểu dáng chung. Không dự án xây dựng nào được tiến hành nếu không được phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền.

Khi mở các quán ăn, cửa hiệu buôn bán nhỏ, khách sạn, chính quyền thành phố cố đô Lào tỏ ra thận trọng, e ngại việc xây dựng hàng loạt cơ sở dịch vụ du lịch sẽ kéo theo sự phát triển của thương mại hóa, buôn bán trái phép, ma túy… xâm hại môi trường văn hóa, xâm hại lối sống cổ truyền của Luang Prabang. Trên sông Mekong, đoạn gần thành phố, thuyền gắn máy ồn ào không được phép chạy mà phải neo đậu ở xa.

Luang Prabang có khoảng hơn 40 ngôi chùa cổ lớn nhỏ có tuổi đời khác nhau, mỗi công trình mang trên mình một nét văn hóa và kiến trúc nghệ thuật riêng biệt, mỗi ngôi chùa là một câu chuyện kể không giống nhau về quá khứ và lịch sử hình thành. Trong chùa, ngoài các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được thực hiện một cách trang trọng từ nghi thức tới trang phục, họ còn chú trọng tới việc truyền đạt cho giới trẻ những hình thái phi vật thể của nền di sản như vũ, nhạc, thơ ca, múa rối… Vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần, trẻ em có thể tới một số chùa để học nhạc, họa cổ truyền, dệt vải, múa rối nước và đọc truyện cổ tích.

Lễ khất thực là một trong những nét đẹp văn hóa đặc trưng trên đất Phật mà người Lào vẫn còn lưu giữ được. Thời điểm khất thực là lúc rạng đông, khoảng gần 6 giờ sáng. Các nhà sư xếp thành hàng dài đi chân trần, vai khoác thố, chậm rãi đi quanh phố để nhận đồ lễ dâng của người dân, gồm đồ ăn chín, bánh trái và hương hoa. Du khách tới Luang Prabang ấn tượng sâu sắc với hình ảnh đoàn người khất thực chậm rãi chuyển động trong sắc áo vàng cam rực rỡ trông như dải lụa mềm mại bị gió cuốn đi trên phố. Họ thích thú và thành tâm tham gia nghi lễ khất thực. Họ trả tiền mua những giỏ đồ ăn từ

những người dân bán hàng rong trên phố và cũng quỳ chờ các đoàn sư đi qua, kính cẩn đặt đồ lễ vào thố và trải nghiệm những giây phút yên lặng, bình an trong tâm hồn. Khác với Chiềng Mai (Thái Lan) - một trong những cố đô của quốc gia La Na trước thời công hữu ra đời nhưng ngày nay nó đã phát triển làm mờ đi dấu ấn cố đô, Luang Prabang vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn, trở thành thành phố linh thiêng trong tâm linh những người theo đạo Phật. Ngày nay, các phật tử ở Thái Lan sẽ phải đến Luang Prabang một lần trong đời vào lúc trước khi trưởng thành để làm lễ. Khi UNESCO vào cuộc sau sự kiện Luang Prabang được công nhận di sản thế giới, cố đô đã được cứu khỏi một cuộc tàn phá và biến đổi mạnh mẽ như Chiềng Mai. Và bây giờ, Luang Prabang đã thuyết phục được tất cả các du khách trên thế giới đây là một di sản gìn giữ được những giá trị văn hóa cổ xưa nơi kinh đô cũ của vương quốc triệu voi.

Tuy không phải là đất nước rộng lớn nhưng cách làm du lịch của Campuchia rất đáng để học hỏi. Theo thống kê của Bộ Du lịch Campuchia, năm 2000, lượng khách quốc tế đến đất nước này chưa tới 500.000 lượt, tuy nhiên sau 10 năm con số đã tăng lên gấp 5 lần, hơn 2,5 triệu lượt, trong đó 30% quay lại đất nước chùa tháp này nhiều lần. Trong năm 2011, Campuchia dự kiến sẽ đón khoảng 2,8 triệu lượt khách quốc tế. Với nỗ lực tìm kiếm các nguồn khách du lịch thông qua đường Việt Nam để tránh phụ thuộc vào Thái Lan, Campuchia đã miễn visa tại các cửa khẩu khiến giá tour du lịch bằng đường bộ từ thành phố Hồ Chí Minh qua cửa ngõ biên giới Mộc Bài - Bavet giảm hẳn. Với mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp du lịch với trọng tâm là thị trường Trung Quốc, Bộ Du lịch Campuchia thuê kênh truyền hình CCTV1 của Trung Quốc để quảng bá cho hình ảnh du lịch Campuchia. Ngoài bốn tuyến bay thẳng từ Bắc Kinh, Hồng Kông, Thượng Hải và Quảng Châu tới Campuchia, hai nước đang chuẩn bị mở thêm các đường bay mới từ miền Nam Trung Quốc.

Ba thành phố Phnompenh, Siem Riep và Sihanoukville được Campuchia quy hoạch để phát triển du lịch văn hóa và tự nhiên. Chính vì thế, các khách sạn quanh khu Angkor ở Siem Riep không được phép cao quá 3 tầng, bất kể đó là khách sạn 4 sao hay 5 sao. Ngoài ra, tất cả các phố mặt tiền đều được quy hoạch tổng thể và tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn về kiến trúc, chỉ giới xây dựng. Thậm chí các tuyến phố cổ, phố cũ nằm trong khu vực bảo tồn phải sơn cùng một màu.

Để có được sự tăng trưởng vượt bậc, Campuchia đã hình thành cho mình một bộ máy điều hành các hoạt động du lịch chuyên nghiệp và khép kín, từ việc bảo vệ rừng, tôn tạo di tích, tổ chức biểu diễn văn hóa, đến bộ phận cảnh sát du lịch bảo vệ an ninh cho du khách, đào tạo trình độ nhân viên dựa trên nền tảng ngoại ngữ. Cảnh sát du lịch có mặt khắp nơi với nụ cười thân thiện khiến du khách cảm thấy an tâm. Những hướng dẫn viên địa phương hướng dẫn du khách được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế đều phải trải qua 5 năm rèn luyện kỹ năng ở một trường đào tạo cử nhân du lịch tại Phnompenh, và họ đều xuất hiện đồng nhất trong bộ đồng phục tại các địa danh văn hóa, thể hiện một phong cách văn hóa trong quản lý du lịch chuyên nghiệp.

Ấn tượng với du khách đi đến Campuchia chính là việc họ không hề bị làm phiền bởi những người ăn xin hay bán hàng rong, đặc biệt là ở những điểm tham quan. Tại các khu đền Angkor, hầu như không có nạn chèo kéo, ăn xin, chặt chém du khách. Những người ăn xin trước đây, giờ họ là những nhạc công đa quốc gia, có thể hát những bài hát tiêu biểu của nhiều quốc gia để kiếm tiền một cách xứng đáng. Người bán hàng rong được bố trí vào một khu vực nhất định và chỉ được bán hàng ở đó. Hàng hóa, quà lưu niệm ở Campuchia được bán với mức giá không quá cao, niêm yết bằng USD và có thể trả giá thoải mái, thậm chí nếu du khách không mua cũng chẳng sao, người bán hàng vẫn vui vẻ và chào tạm biệt. Những người lái xe tuk tuk cũng luôn đến đúng hẹn, đón khách với nụ cười thật tươi, thật hiền hậu. Họ có khả năng giao tiếp, giới thiệu về những cảnh đẹp nơi đây bằng những câu tiếng Anh đơn giản. Tất cả những điều đó làm nên sức hút của mảnh đất và con người nơi đây, muốn níu chân du. Ấn tượng khó quên trong lòng họ không hẳn là chùa chiền tuyệt đẹp hay Angkor - kỳ quan thế giới, không hẳn bởi những cánh đồng đặc sắc hay biển Hồ giản dị có một không hai. Cái quyến rũ họ chính là con người của vùng đất này: chuyên nghiệp nhưng vô cùng gần gũi, giản dị, để du khách muốn quay lại nơi đây thêm nhiều lần nữa.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh Thái Bình (Trang 25)