Vị trí của du lịch Thái Bình trong vùng đồng bằng sông Hồng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh Thái Bình (Trang 57)

6. Đóng góp của luận văn

2.1.2.1. Vị trí của du lịch Thái Bình trong vùng đồng bằng sông Hồng

Châu thổ Bắc Bộ là địa bàn tụ cư sớm nhất của người Kinh, được bồi đắp bởi phù sa của nhiều con sông, nhưng chủ yếu là sông Hồng và sông Thái Bình. Trên thực tế địa lý hành chính, theo cách phân chia tỉnh thành hiện nay, bên cạnh Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình thì Thái Bình là tỉnh được xếp vào danh sách những địa phương chủ yếu của châu thổ. Châu thổ Bắc Bộ có sự tham gia của biển trong quá trình hình thành dù điều này không đậm nét. Song nhìn trên đại thể, nó được hình thành theo cấu trúc tam giác châu.

Đặt Thái Bình vào trong không gian của Bắc Bộ, vùng đất này được coi như là một “đứa con” mang nhiều ưu điểm vượt trội của văn hóa Mẹ Bắc Bộ và cùng với Hưng Yên, Thái Bình là “đứa con” mang tính khác biệt. Trong khi tất cả các tỉnh khách thuộc châu thổ đều có một mẫu số chung là địa hình núi đồi xen kẽ với châu thổ và thung lũng, có các ô trũng lớn nhỏ tạo nên nét đặc biệt thì hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên đều không có núi. Điều này cũng tác động không nhỏ tới sự phân bố làng, cách làm nông nghiệp cũng như sau này là cách xây dựng chiến lược phát triển du lịch cho tỉnh, không được bỏ qua đặc điểm riêng có này của Thái Bình. Bởi trên nguyên tắc tự nhiên tác động tới con người, con người tác động tới văn hóa.

Nếu đặt các tiêu chí xây dựng vùng du lịch đồng bằng sông Hồng trong thế đối sánh với hai vùng du lịch khác ở miền Trung Việt Nam và vùng Nam Bộ, chúng ta sẽ thấy mục đích xây dựng các nội dung cụ thể trong du lịch là khác nhau. Ví dụ ở miền Trung, thế mạnh sẽ là du lịch biển, du lịch tham quan các di tích lịch sử - cách mạng; ở Nam Bộ thế mạnh sẽ là du lịch miệt vườn, du lịch mua sắm, du lịch sinh thái kênh rạch, tham quan vùng kháng chiến cũ… thì ở châu thổ Bắc Bộ sẽ là du lịch làng nghề, du lịch sinh thái đồng quê, du lịch lễ hội, tham quan các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch sông nước ao hồ, du lịch tâm linh hành hương tới vùng đất phát tích của Phật giáo… Như vậy, trên đại thể, nguồn tài nguyên nhân văn của Bắc Bộ có phần nổi trội so với các vùng đất khác là điều hoàn toàn dễ hiểu

bởi đây là vùng đất hình thành đầu tiên, có bề dày lịch sử lớn nhất trên cả nước. Nội lực của toàn đồng bằng sông Hồng về mặt văn hóa và du lịch cũng đồng thời là nội lực nói riêng của phần lớn các tỉnh có diện tích tại đây. Thái Bình cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Vì vậy, việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch văn hóa với hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng và tiêu biểu của Thái Bình vừa là mục tiêu lớn của riêng Thái Bình, vừa là mục đích chung khi thiết kế chiến lược quảng bá du lịch văn hóa cho vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh Thái Bình (Trang 57)