6. Đóng góp của luận văn
3.2.5.2. Xây dựng các tuyến du lịch chuyên biệt và kết hợp
Giải pháp cho sản phẩm du lịch văn hóa Thái Bình là cần phải xây dựng được những tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh, khai thác những yếu tố văn hóa theo chiều sâu, tạo nên các chương trình du lịch đa dạng, mang tính đặc thù của địa phương. Trên cơ sở nghiên cứu xây dựng điểm du lịch văn hóa tiêu biểu của tỉnh, luận văn đề xuất xây dựng các tuyến du lịch trọng điểm:
* Tuyến du lịch chuyên biệt về văn hóa
- Tuyến đường bộ:
Tuyến Thành phố - đền Đồng Bằng - làng Nguyên Xá - làng Khuốc:
Tuyến này xuất phát từ thành phố, đi theo quốc lộ 10 tới đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ). Đây là ngôi đền thờ Vua Cha Bát Hải Động Đình, nổi tiếng linh thiêng có sức hấp dẫn đặc biệt với nhân dân trong vùng và nhiều tỉnh lân cận. Ở Đồng Bằng còn có chợ chiếu họp về đêm các ngày mồng 4 và mồng 9 hàng tháng từ 12 giờ - 3 giờ sáng. Đây là chợ có truyền thống buôn bán chiếu mộc và các phụ kiện dệt chiếu lớn, là chợ đêm sôi động vào bậc nhất Thái Bình từ nhiều năm nay. Sau đó, cũng theo quốc lộ 10 đến làng múa rối nước Nguyên Xá, làng chèo Khuốc (Đông Hưng).
Tuyến Thành phố - đền Tiên La - đền Trần Hưng Hà: Đối tượng tham quan chính của tuyến này là: đền Tiên La, lễ hội Tiên La, khu lăng mộ và đền thờ các vua Trần, đền thờ Trần Hưng Đạo, từ đường danh nhân Lê Quý Đôn, cụm di tích Lưu Xá - Canh Tân, làng chiếu Hới, làng dệt Phương La. Đây là tuyến du lịch có thể thu hút khách ngoài tỉnh đến theo đường 39 nối Thái Bình với Hưng Yên.
- Tuyến đường sông: Tuyến Thành phố - Phố Hiến - Đa Hòa Dạ Trạch (Hưng Yên) - Bát Tràng (Hà Nội) tham quan các điểm đến văn hóa nổi tiếng của Thái Bình như chùa Keo, đền Trần; của Hưng Yên như Phố Hiến, đền Đa Hòa Dạ Trạch và làng nghề Bát Tràng của Hà Nội.
* Tuyến du lịch kết hợp
- Tuyến đường bộ:
Tuyến Thành phố - làng vườn Bách Thuận - chùa Keo: Đối tượng tham quan chính của tuyến này là di tích lịch sử - văn hóa chùa Keo, lễ hội chùa Keo, làng nghề thêu Minh Lãng, đền Bổng Điền, làng vườn Bách Thuận, các xưởng ươm tơ, các hộ trồng cây cảnh… Trong đó hiện nay, làng thêu
Minh Lãng và làng vườn Bách Thuận mặc dù có nhiều tiềm năng và độc đáo nhưng chưa được khai thác nhiều cho hoạt động du lịch. Đầu tư cho sự phát triển của làng nghề sẽ tạo ra những yếu tố mới trong sản phẩm du lịch văn hóa của tuyến, có khả năng kết hợp giữa du lịch văn hóa tâm linh với du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, thưởng ngoạn danh thắng. Tuyến này cũng có khả năng thu hút khách du lịch từ ngoài tỉnh đến theo quốc lộ 10 Thái Bình đi Nam Định.
Tuyến thành phố Thái Bình - biển Đồng Châu: tuyến này xây dựng kết hợp giữa du lịch biển tham quan cồn Vành, cồn Thủ với du lịch văn hóa (tham gia cùng hoạt động của cư dân miền biển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, thưởng thức giá trị văn hóa ẩm thực biển).
- Tuyến đường sông: Tuyến Thành phố - làng vườn Bách Thuận - chùa Keo - Nam Định có khả năng kết hợp giữa du lịch văn hóa với du lịch sinh thái, du lịch làng quê.
- Tuyến đê sông Hồng: Hiện tỉnh đang đầu tư nâng cấp tuyến đường đê sông Hồng và đường ven biển. Khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện phát triển tuyến du lịch đê sông Hồng: Hà Nội - Đa Hòa Dạ Trạch - Phố Hiến - làng Bách Thuận - Đồng Châu - Diêm Điền - Đồ Sơn. Đây là một trong những tuyến liên tỉnh, là cầu nối du lịch Thái Bình với du lịch các tỉnh trong vùng có thế mạnh thu hút khách từ các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội… để phát triển du lịch văn hóa kết hợp với du lịch biển và du lịch văn hóa biển.
Đầu tư, hoàn thiện các tuyến đó, tỉnh có điều kiện đa dạng các loại hình du lịch một cách chuyên nghiệp, kết hợp du lịch lịch sử, văn hóa, làng nghề, lễ hội, nghệ thuật truyền thống với du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch gắn với thiên nhiên…