6. Đóng góp của luận văn
2.2.6. Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa
Nhận thức được tầm quan trọng của xúc tiến, quảng bá du lịch đối với sự phát triển du lịch cũng như sự tăng trưởng của lượng khách du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành lập trung tâm Xúc tiến Du lịch trực thuộc Sở theo quyết định số 1064/QĐ-UBND ngày 19/05/2009 - là đơn vị chuyên trách về xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Thái Bình. Trung tâm Xúc tiến Du lịch được thành lập nhằm đáp ứng các mục tiêu công việc:
- Quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh nói chung và các lĩnh vực du lịch Thái Bình nói riêng đến các thị trường du lịch, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quảng bá tiếp thị chào bán các sản phẩm du lịch, dịch vụ, khảo sát cung cấp thông tin về thị trường du lịch trong nước và quốc tế...
- Góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các vấn đề xây dựng, thực hiện định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và ngành du lịch Việt Nam.
- Tăng cường năng lực xử lý, cung cấp thông tin tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của tỉnh phát triển.
- Thông qua các hợp đồng dịch vụ, tư vấn giữa Trung tâm và khách hàng, Trung tâm có thể nắm được những nhu cầu đòi hỏi của thị trường để xây dựng các dự báo phát triển và qua đó Trung tâm có cơ sở nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các chức năng cần thiết đáp ứng một cách đầy đủ nhất yêu cẩu của thực tiễn phát triển du lịch tỉnh.
Kể từ khi thành lập, mặc dù với số cán bộ trong trung tâm không nhiều (năm 2011 có 8 cán bộ, viên chức), nguồn kinh phí còn nhiều khó khăn, nhưng trung tâm đã tham mưu cho Sở những kế hoạch về xúc tiến du lịch của tỉnh, thực hiện các chương trình quảng bá một cách sôi nổi hơn, góp phần tích cực vào kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh.
Năm 2010, nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch được tổ chức tạo hiệu quả trong phát triển du lịch, thu hút lượng khách du lịch đến với Thái Bình ngày một đông, tổng GDP từ du lịch từng bước tăng trưởng. Cụ thể như:
- Sở đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thành công Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình năm 2010 tại đền Trần (Tiến Đức, Hưng Hà).
- Xuất bản gần 2000 tập bản đồ du lịch và đĩa VCD giới thiệu về du lịch Thái Bình trong Tuần lễ, qua đó góp phần giới thiệu hình ảnh khu di tích, lăng mộ các vua Trần và hình ảnh du lịch Thái Bình tới khách du lịch.
- Sở phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải tổ chức thành công Tuần Du lịch biển ở Cồn Vành vào hè 2010.
- Trung tâm Xúc tiến Du lịch đã phối hợp với Đài Phát thanh - truyền hình Vĩnh Long và Công ty Quảng cáo Nhất thực hiện ghi hình giới thiệu một số điểm du lịch tiêu biểu của Thái Bình trên chương trình truyền hình Du lịch khám phá; tham gia Hội chợ quảng bá du lịch tại Thiên Đường Bảo Sơn nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Trong những năm gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội văn học nghệ thuật Thái Bình tổ chức ghi hình, dựng phim tài liệu về một số điểm di tích tiêu biểu của Thái Bình như: VCD Đền đồng bằng và huyền thoại Vĩnh Công (7/2009), VCD Đại lễ Nghinh cung an vị Thánh tượng các vua Trần, Thái sư Trần Thủ độ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung (11/2008), VCD Thái Bình điểm đến thân thiện và hứa hẹn, VCD Tiềm năng du lịch Thái Bình - sự hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư, VCD Lễ hội làng Ngừ (làng Ngự Thiên) (7/2009)…
Năm 2011, trung tâm Xúc tiến Du lịch đã xây dựng hoàn thành và vận hành website Thaibinhtourism.com và đã xây dựng liên kết với website của các tỉnh bạn nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch; hoàn thành việc phát hành tập bản đồ du lịch nhà Trần với các cụm di tích lớn tập trung chủ yếu ở huyện Hưng Hà; thiết kế, xây dựng gian hàng trưng bày quảng bá du lịch Thái Bình tại lễ hội mùa thu ở chùa Keo, tham gia Tuần Văn hóa – Thể thao – Du lịch Hải Phòng từ ngày 23-28/11/2011. Và hiện đang tiến hành thiết kế, biên tập, xuất bản tập gấp, các sách giới thiệu về khu di tích nhà Trần (Hưng Hà).
Nhìn chung, công tác xúc tiến quảng bá du lịch Thái Bình thời gian qua có nhiều khó khăn do thiếu kinh phí đầu tư, tổ chức bộ máy làm công tác xúc tiến du lịch mới được thành lập, song đã cố gắng tham gia các hội chợ, liên hoan du lịch trong nước, trong vùng, tổ chức các tuần lễ du lịch, xuất bản một số tập sách, tập bản đồ, xây dựng các phóng sự phát trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giới thiệu với các nhà đầu tư và du khách về tiềm năng du lịch, mảnh đất và con người Thái Bình.
Tuy nhiên, hoạt động marketing của Thái Bình chưa nhiều. Các chương trình còn đơn điệu, thiếu tính phong phú, hấp dẫn, chất lượng chưa cao, chưa có một chiến lược quảng cáo, xúc tiến cụ thể, chi tiết để giới thiệu, khẳng định vị trí trên thị trường du lịch, nhất là đối với một tỉnh mà ngành du lịch còn non trẻ, hình ảnh du lịch Thái Bình còn mờ nhạt trên thị trường du
lịch trong và ngoài nước. Mặt khác, việc nhận thức về vai trò của công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn bị xem nhẹ, đầu tư cho công tác này chưa được quan tâm đúng mức.
Đánh giá thực trạng hoạt động du lịch văn hóa tỉnh Thái Bình
* Thành tựu đạt được
- Bước đầu Thái Bình đã hình thành được một hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch văn hóa tương đối đầy đủ, bao gồm: cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh ăn uống, công ty lữ hành, phương tiện vận chuyển, các trung tâm văn hóa dịch vụ…
- Nhân lực du lịch tại Thái Bình tương đối dồi dào phong phú với nguồn lao động trẻ, năng động, là yếu tố cần thiết trong ngành dịch vụ. Nhân lực quản lý hoạt động du lịch tại Sở, Chính quyền địa phương, Ban quản lý được bổ sung, nâng cao cả về số lượng và chất lượng qua các năm.
- Hiện sản phẩm du lịch văn hóa Thái Bình khá đa dạng, phong phú với các chương trình du lịch như: tham quan, nghiên cứu các di sản văn hóa, du lịch tôn giáo tín ngưỡng, du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch làng quê…
- Công tác tổ chức, quản lý du lịch đang dần được hoàn thiện với việc thành lập Ban thanh tra của Sở, các Ban quản lý di tích ở các địa phương có điểm du lịch trọng điểm, quy mô lớn, thu hút nhiều khách du lịch.
- Xúc tiến du lịch có bước tiến đặc biệt với việc thành lập Trung tâm Xúc tiến Du lịch Thái Bình, hoạt động thường xuyên, chuyên trách việc quảng bá hình ảnh du lịch Thái Bình.
- Số lượng khách đến Thái Bình qua các năm tăng đều đặn, đặc biệt từ năm 2009, đền Trần (Hưng Hà) đi vào hoạt động đón tiếp du khách, mở hội truyền thống mùa xuân, lượng khách du lịch lễ hội và du lịch văn hóa tâm linh Thái Bình đã tăng lên đáng kể.
* Tồn tại
Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động du lịch Thái Bình còn lẻ tẻ, manh mún, trầm lắng, chưa mang tính cạnh tranh so với các tỉnh lân cận, chưa tạo được một mảng màu khác biệt trong bức tranh chung của vùng đồng bằng sông Hồng:
- Cơ sở vật chất tuy có tăng về số lượng song chất lượng lại không có sự thay đổi đáng kể, quá nhiều cơ sở kinh doanh đơn lẻ, nhỏ lẻ đặc biệt là cơ sở lưu trú, mà thiếu những cơ sở có tầm cỡ, có quy mô lớn, chất lượng dịch vụ đồng bộ.
- Nhân lực du lịch cũng trong một thực trạng chung là “chắp vá”, thiếu những chuyên gia, chuyên viên của ngành được đào tạo bài bản về du lịch: cán bộ quản lý thì chưa được trang bị đầy đủ về kiến thức du lịch, kiến thức quản lý; nhân viên kinh doanh trong cơ sở lưu trú, ăn uống thì chưa được đào tạo về nghiệp vụ khách sạn, nghiệp vụ bàn, bar, bếp, chưa được áp dụng những chuẩn về giao tiếp, thái độ phục vụ với khách hàng…; hướng dẫn viên du lịch văn hóa nhưng lại chưa thực sự am hiểu về điểm đến văn hóa trong khi giới thiệu với du khách, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ còn nhiều hạn chế… Đó thực sự là những khó khăn để Thái Bình phát triển du lịch văn hóa một cách chuyên nghiệp.
- Khách du lịch đến Thái Bình chủ yếu là đi du lịch văn hóa, song do chương trình xây dựng chưa tạo sức hấp dẫn, cơ sở lưu trú và ăn uống không thuận tiện, nên số lượng khách có lưu trú qua đêm không nhiều, với thời gian không dài, tạo hiệu quả trong kinh doanh du lịch chưa cao.
- Sản phẩm du lịch văn hóa Thái Bình ít nhiều đã tạo được sức hấp dẫn, đặc biệt tại những điểm du lịch nổi tiếng như chùa Keo, đền Trần, đền Đồng Bằng, đền Tiên La… song chất lượng sản phẩm du lịch chưa tốt, các chương trình du lịch trong chưa tạo được sự khác biệt rõ nét, số lượng các chương trình du lịch văn hóa tạo ấn tượng, hấp dẫn du khách không nhiều.
- Công tác tổ chức quản lý còn nhiều thiếu sót, nhiều lĩnh vực chưa được quản lý, kiểm tra một cách sát sao. Đặc biệt là môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa - xã hội trong các kỳ lễ hội hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân và khách du lịch.
- Mặc dù Trung tâm Xúc tiến Du lịch Thái Bình đã được thành lập nhưng do mới đi vào hoạt động nên chưa xây dựng được kế hoạch chung cho công tác quảng bá du lịch, chưa có những chương trình xúc tiến du lịch hấp dẫn, cán bộ của Trung tâm chủ yếu chưa nhiều, lại chủ yếu là nữ nên gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các chương trình xúc tiến du lịch tại các địa phương khác.
Tiểu kết chương 2
Có thể coi du lịch Thái Bình chủ yếu là du lịch văn hóa. Hơn nữa, cần phải thấy vai trò chủ đạo của loại hình du lịch này đã, đang và sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể cho địa phương. Trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển du lịch tại đây, dù là du lịch với nhiều mục đích khác nhau như tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm về nguồn cội, lịch sử, tín ngưỡng tâm linh… đều là du lịch văn hóa, hoặc định hướng tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của nguồn tào nguyên nhân văn ở Thái Bình đều không thể tách rời du lịch văn hóa được. Nguồn tài nguyên nhân văn phong phú của Thái Bình là tiền đề tốt để du lịch phát triển, đem lại nhiều cơ hội việc làm, nâng cao đời sống kinh tế và hiểu biết xã hội cho người dân địa phương, nâng cao doanh thu đóng góp, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển chung về mọi mặt của tỉnh.
Để phát triển du lịch văn hóa Thái Bình hiệu quả và chuyên nghiệp, đầu tư nâng cấp sản phẩm văn hóa của tỉnh thoát ra sự nghèo nàn đơn điệu về nội dung và hình thức, tăng cường ưu thế về giá trị và tính độc đáo của sản phẩm, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường du lịch ngày càng đa dạng đòi hỏi nhiều vấn đề cần được điều chỉnh, bổ sung và đổi mới. Việc nghiên cứu thực trạng hoạt động du lịch văn hóa tại Thái Bình ở chương 2 là căn cứ giúp tác giả đưa ra các đề xuất và giải pháp nhằm phát triển du lịch văn hóa của vùng đất này trong chương 3 - cũng là chương khép lại của đề tài nghiên cứu.
CHƯƠNG 3:
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĂN HÓA TỈNH THÁI BÌNH 3.1. Những căn cứ đề xuất giải pháp
3.1.1. Căn cứ khoa học
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2001 - 2010
và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2011 - 2020 đã nêu rõ những định hướng và quan điểm phát triển du lịch của tỉnh trên từng vấn đề. Những giải pháp, phương án triển khai cụ thể phải phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3.1.1.1. Định hướng phát triển theo ngành
* Mục tiêu chung
- Mục tiêu kinh tế: Quy hoạch phát triển du lịch là nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng của Thái Bình, để phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, tăng cường thu hút khách, nâng cao nguồn thu nhập từ du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng ngành du lịch vào tổng GDP của tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư.
- Mục tiêu văn hóa - xã hội: Phát triển du lịch cần đẩy mạnh giao lưu giữa các vùng, các miền trong cả nước và quốc tế, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới cho toàn xã hội.
* Quan điểm phát triển
Đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành du lịch Thái Bình trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài phải dựa trên những quan điểm phát triển sau:
- Quan điểm phát triển bền vững: Phát triển du lịch Thái Bình theo hướng du lịch văn hóa, cảnh quan môi trường; với mục tiêu đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng phải gắn với việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan, môi trường bền vững.
- Phát triển du lịch phải dựa trên sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan.
- Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Vì vậy, phát triển du lịch Thái Bình phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
và phải được đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với du lịch các tỉnh bạn, cũng như của cả nước.
- Phát triển du lịch phải gắn với đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
* Định hướng về tổ chức, quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch
- Định hướng về quản lý: Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch bằng pháp luật, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch một cách bình đẳng, ổn định và có hiệu quả. Tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch phải gắn liền với tổ chức quản lý, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt phải phát huy nâng cao truyền thống văn hoá, giữ gìn bản sắc dân tộc, đảm bảo môi trường sinh thái để phát triển du lịch lâu bền.
- Định hướng về thị trường và phát triển sản phẩm du lịch: Định hướng thị trường là việc xác định các thị trường mục tiêu trong tương lai, từ đó xây dựng các chiến lược về sản phẩm phù hợp, cũng như các chính sách tiếp thị quảng cáo nhằm thu hút khách một cách hiệu quả. Việc xác định các thị trường mục tiêu căn cứ vào: xu hướng, dự báo dòng khách, tiềm năng du lịch của Thái Bình.
Thái Bình nằm trong vùng ảnh hưởng của trung tâm du lịch Hà Nội và