Những khó khăn trong hoạt động du lịch văn hóa Thái Bình

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh Thái Bình (Trang 35)

6. Đóng góp của luận văn

1.3.3. Những khó khăn trong hoạt động du lịch văn hóa Thái Bình

Bên cạnh những thuận lợi, Thái Bình cũng có những khó khăn nhất định trong hoạt động du lịch văn hóa:

Tài nguyên du lịch phong phú song số lượng di sản văn hóa có quy mô lớn không nhiều, lại nằm rải rác, không tập trung.

Kết cấu hạ tầng hạn chế, chưa đồng bộ, giao thông nối các điểm du lịch trong tỉnh chưa được hoàn thiện, nhiều nơi đường sá chưa thuận tiện, khổ đường quá hẹp, chất lượng kém dẫn tới khả năng tiếp cận điếm đến du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhận thức, kiến thức quản lý và phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; cơ chế, chính sách quản lý còn nhiều bấp cập chưa thu hút được nguồn nhân lực có trình độ, chưa tạo điều kiện phát huy năng lực của người lao động; đồng thời vai trò và năng lực của khối tư nhân chưa được phát huy đúng mức…

Sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đặc sắc, trùng lặp và thiếu quy chuẩn, chất lượng chưa đáp ứng dẫn tới sức cạnh trang yếu, kém so với sản phẩm của một số tỉnh lân cận.

Mức sống của dân cư trong tỉnh phần đông còn thấp, nếp sống văn mình, ý thức pháp luật không nghiêm, các vấn đề về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm… là những khó khăn cho phát triển du lịch có chất lượng và có tính cạnh tranh của Thái Bình.

Tiểu kết chương 1

Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện thành công lộ trình khai thác tối ưu tài nguyên nhân văn nhằm phát triển du lịch văn hóa. Có bề dày 4000 năm văn hiến và được coi là một trong 34 nền văn hóa - văn minh phát triển sâu sắc của nhân loại, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tất nhiên, tại mỗi vùng đất, mỗi quốc gia, địa phương đều có những yếu tố khác biệt tạo nên bản sắc riêng có. Đó cũng chính là sức hấp dẫn của du lịch văn hóa mà ngày nay đang trở thành xu thế, là sự lựa chọn chung, thậm chí tất yếu của nhiều du khách.

Chương 1 của đề tài này đóng vai trò xác định cơ sở lý luận, soi sáng những nội dung nối tiếp ở những chương sau, mang tính chất chỉ đường. Thái Bình - mảnh đất có tiềm năng du lịch văn hóa phong phú trong quá trình phát triển được nghiên cứu như một “điểm” trong một “diện” rộng là đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, trên một “tổng diện” rộng hơn nữa là phát triển du lịch văn hóa cả nước. Việc nghiên cứu cơ sở lý luận về du lịch văn hóa, ở đây cụ thể là địa phương Thái Bình luôn có ý nghĩa thời sự, nhằm giải quyết cả hai nội dung phát triển và bảo tồn văn hóa trong du lịch, với tất cả những thuận lợi, khó khăn, những bài học và những kinh nghiệm quý báu khi làm du lịch văn hóa của những quốc gia đi trước Việt Nam, của một số địa phương khác ở Việt Nam nhằm giúp ích cho du lịch Thái Bình.

CHƯƠNG 2:

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH VĂN HÓA TỈNH THÁI BÌNH 2.1. Điều kiện phát triển du lịch văn hóa tỉnh Thái Bình

2.1.1. Điều kiện bên trong

2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên

Thái Bình nằm ở phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội hơn 100km, cách thành phố Hải Phòng 70km. Tỉnh có 8 huyện, thành phố là Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư và thành phố Thái Bình. Thái Bình có diện tích 1545km2, được bao bọc bởi ba dòng sông lớn: phía Tây và Tây Nam là sông Hồng, giáp Hà Nam và Nam Định; phía Bắc là sông Luộc, giáp Hưng Yên và Hải Dương; phía Đông là biển với 54km đường bờ biển trong vịnh Bắc Bộ; và có gần 70km các dòng sông lớn nhỏ khác. Với vị trí đó, Thái Bình là vùng đất phì nhiêu được phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp.

Về tổng thể, Thái Bình là tỉnh đồng bằng, không có đồi núi, bao gồm các cánh đồng bằng phẳng, xen kẽ các khu dân cư, mạng lưới sông ngòi dày đặc, độ cao trung bình so với mực nước biển không lớn, khí hậu mang tính chất cơ bản là nhiệt đới ẩm gió mùa, được điều hòa hơi ẩm từ vịnh Bắc Bộ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Mang đặc trưng của vùng đồng bằng ven biển, Thái Bình có điều kiện phát triển du lịch đường sông, du lịch văn hóa kết hợp với sinh thái, cảnh quan…

2.1.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội

Thái Bình nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy phát triển khá sớm. Song song phát triển cảng biển, tỉnh cũng đang triển khai xây dựng dự án đường cao tốc ven biển, đường cao tốc Thái Bình - Hà Nam, đường sắt Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định.

Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 107.572ha, hầu hết có thể cấy trồng được ba, bốn vụ/năm, Thái Bình là một trong những tỉnh dẫn đầu về năng suất lúa trong cả nước. Ngành nông nghiệp của tỉnh đang có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng và hiệu quả cao.

Đường bờ biển dài 54km với nhiều đầm phá, Thái Bình đã tiến hành khai thác diện tích mặt nước của các vùng bờ đầm, bờ thửa ngập mặn làm vùng nuôi trồng thủy sản và các loại nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao. Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Viện Địa lý quy hoạch mở rộng cảng quốc gia Diêm Điền, với tổng vốn đầu tư 48 triệu USD. Khi hoàn thành sẽ bảo đảm cho tàu thuyền có trọng tải 1000 tấn có thể ra vào cảng. Ngành đóng tàu và đánh bắt xa bờ nhằm đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản đang được đẩy mạnh.

Với số dân trên 1.785.000 người, mật độ trung bình khoảng 1.200 người/km2. Số người trong độ tuổi lao động trên 1.097.000 người, chiếm 58,5%, là nguồn lao động ổn định, lâu dài. Tỉnh có 2 trường đại học, 3 trường cao đẳng và nhiều trường trung cấp dạy nghề với quy mô đào tạo trên 23 nghìn sinh viên/ năm đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế trong tỉnh, tạo sức mạnh nội lực cho địa phương.

Thái Bình hiện có 9 khu công nghiệp tập trung và 15 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3295,5ha. Hiện nay, các khu công nghiệp như Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Tiền Hải, Gia Lễ…; các cụm công nghiệp Phong Phú, Đông La, Phương La có hệ số lấp đầy trên 90%. Các khu công nghiệp như Cầu Nghìn, Sông Trà đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng.

2.1.1.3. Tài nguyên du lịch văn hóa

2.1.1.3.1. Tài nguyên du lịch văn hóa vật thể

Với nội lực kiên cường, người dân Thái Bình đã tạo dựng hàng ngàn di sản văn hóa, kết tinh của lao động, tâm hồn và trí tuệ của bao thế hệ kế tiếp nhau trên vùng đất này. Theo số liệu tổng kiểm kê di tích toàn tỉnh tháng 7/2007, Thái Bình hiện còn 2176 di tích văn hóa, bao gồm: 601 đình, 738 chùa, 538 đền - miếu, 22 văn chỉ, 26 lăng mộ, 173 từ đường, 7 nhà lưu niệm, 59 phủ điện quán. Các di sản văn hóa vật thể ở Thái Bình chủ yếu là các di tích lịch sử - văn hóa với các giá trị khác nhau về lịch sử, văn hóa, khoa học… Các di tích được phân bố tại các địa phương như sau: thành phố Thái Bình 47, huyện Hưng Hà 551, Quỳnh Phụ 349, Thái Thụy 260, Kiến Xương 265, Tiền Hải 171, Vũ Thư 303, Đông Hưng 230. Những công trình kiến trúc đó đã phản ánh các sự kiện lịch sử, đời sống kinh tế - văn hóa, phong tục, tập

quán, tín ngưỡng… của mỗi làng quê nói riêng và của nhân dân Thái Bình nói chung qua các thời kỳ lịch sử.

* Di tích lịch sử - văn hóa các triều đại

- Di tích cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào những năm đầu Công Nguyên (40 - 43) không xuất phát từ Thái Bình nhưng có rất nhiều vị tướng lĩnh quê ở Thái Bình đã tham gia. Một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của thời kỳ lịch sử này là đền Tiên La (xã Đoan Hùng, Hưng Hà) thờ bà Vũ Thị Thục - một nữ tướng tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

- Di tích về Lý Nam Đế và Nhà nước Vạn Xuân: Lý Bí (Lý Nam Đế) là nhân vật lịch sử được thờ tự ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thái Bình, bao gồm cả đình, đền, chùa miếu… Đình Tử Các - miếu Đồn (Thái Hòa, Thái Thụy), miếu Hai Thôn (Xuân Hòa, Vũ Thư), đình và đền Cổ Trai (Hồng Minh, Hưng Hà)… là những căn cứ của Lý Bí trong cuộc khởi nghĩa chống xâm lược giành độc lập, sau là nơi thờ ông và vợ là bà Đỗ Thị Khương cùng các tướng quân của ông. Các di tích gắn liền với các sự kiện lịch sử đã phản ánh đậm nét về Lý Bí và sự đóng góp lớn lao của người dân Thái Bình trong cuộc khởi nghĩa Lý Bí (542) lập nên nước Vạn Xuân độc lập.

- Di tích nhà Đinh: Trong 12 sứ quân của thời kỳ phong kiến cát cứ, sứ quân Trần Lãm vùng Kỳ Bố Hải Khẩu (thành phố Thái Bình nay) là một sứ quân có thế lực mạnh. Lực lượng của ông có sự liên kết, phối hợp với Đinh Bộ Lĩnh. Sau khi ông mất, Đinh Bộ Lĩnh nắm binh quyền, chuyển về Hoa Lư đánh dẹp các sứ quân, lập ra nhà Đinh. Nhân dân vùng Kỳ Bố Hải Khẩu nói riêng và Thái Bình nói chung đã có công lao rất lớn để tạo tiền đề cho sự nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Tiên Hoàng.

Hiện nay, Trần Lãm được thờ là Thành Hoàng làng tại đình Lạc Đạo (phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình), đây cũng là nơi lưu niệm sự kiện của sứ quân Trần Lãm. Các di tích phản ánh về thời kỳ này còn có các đình, đền, miếu thờ các vị tướng lĩnh có công như: từ đường thờ Bùi Quang Dũng (Tân Bình, Vũ Thư), miếu Ba Thôn (Thụy Hải, Thái Thụy), miếu Bắc (Đông Sơn, Đông Hưng)…

- Di tích thời Lý: Vương triều Lý được xác lập (1010 - 1225) đã mở ra một trang mới của lịch sử nước nhà - thời kỳ của quốc gia phong kiến độc lập, hoàn thành cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên cường của dân tộc ta sau một ngàn

năm Bắc thuộc. Các di tích lịch sử ở Thái Bình phản ánh nhiều nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử dưới vương triều Lý.

Cụm di tích lịch sử Lưu Xá (Canh Tân, Hưng Hà) thờ Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái phó Lưu Ba, hai ông có công trong việc phò tá Lý Công Uẩn, xây dựng chùa Báo Quốc. Miếu và chùa làng Riệc (Hòa Tiến, Hưng Hà) nơi thờ và lưu niệm Lưu Lượng - vị quan hà đê sứ triều Lý, là người có công lao trong công cuộc khẩn hoang trị thủy vùng sông Luộc, sông Hóa. Đền Tiến Trật (Đô Lương, Đông Hưng) thờ Đặng Tiến Thành là người đỗ Thái học sinh năm 1138 và thờ 20 nghĩa sĩ của làng đã có công trong cuộc kháng chiến chống xâm lược thời Lý.

Dưới triều Lý, đạo Phật trở thành quốc đạo, đồng thời các nhà tu hành cũng đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Vì vậy, nhiều di tích lịch sử ở Thái Bình là nơi tưởng niệm các vị chân tu có công với dân, với nước. Chùa Hú (Hòa Tiến, Hưng Hà) nơi thờ và lưu niệm thiền sư Dương Không Lộ, tương truyền nơi đây là quê hương của ông. Chùa Keo một di tích nổi tiếng Thái Bình cũng là nơi thờ thiền sư Dương Không Lộ.

Đền Thượng và chùa Phúc Thắng (Song Lãng, Vũ Thư) là nơi thờ và lưu niệm thiền sư Đỗ Đô, là thiền sư thuộc thế hệ thứ 3 của thiền phái Thảo Đường. Năm 1066 triều Lý Thánh Tông, Đỗ Đô được cử sang Trung Quốc tham dự khoa thi Bạch Liên của nhà Tống (Khoa thi tiến sĩ về Phật học) và đã đỗ thủ khoa. Trở về nước ông làm quan cho triều Lý. Về sau Đỗ Đô xin vua xây dựng và tu hành tại chùa Phúc Thắng.

Đền Thánh (cụm di tích La Vân, Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ) thờ Khổng Minh Không, Nguyễn Minh Không, là những pháp sư giỏi của triều Lý.

- Di tích thời Trần: Thái Bình là đất phát tích và hưng nghiệp của nhà Trần. Trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của vương triều Trần, người dân Thái Bình đã đóng góp nhiều công sức và xây dựng một vương triều thịnh trị. Các di tích lịch sử phản ánh về thời đại nhà Trần chiếm tỉ lệ nhiều nhất trong các di tích lịch sử ở Thái Bình.

Quần thể di tích lịch sử thời Trần tập trung nhiều nhất tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Đây là khu lăng tẩm các vua Trần, có hành cung Long Hưng với nhiều điện, đài xưa kia nguy nga, tráng lệ. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước dưới vương triều này. Mỗi lần chiến thắng quân

Nguyên - Mông, các vua Trần đều về đây làm lễ hiến tiệp, bái yết tổ tiên, đặc biệt là lễ mừng toàn thắng sau ba lần kháng chiến chống Nguyên - Mông. Ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (1228), trước khi hai vua Trần trở về kinh đô, vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã đem các tướng giặc bị bắt là Tích Lệ Cơ Ngọc, Nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham chính Sầm Đoạn, Phàn Tiếp và các tướng sĩ nhà Nguyên về đây làm lễ dâng tổ tiên ở Chiêu Lăng (lăng Trần Thái Tổ). Trước bá quan văn võ, vua Trần Nhân Tông đã đọc 2 câu thơ bất hủ:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá Non sông nghìn thuở vững âu vàng)

Lời tuyên ngôn của độc lập của nước Đại Việt, chấm dứt sự xâm lược của đế quốc Nguyên - Mông, đưa đất nước vào thời kỳ hưng thịnh dưới triều Trần.

Tại đây, hiện còn lăng tẩm các vua, hoàng hậu và nền cốt của hành cung Long Hưng triều Trần. Đền thờ các vua Trần và Hưng Đạo Đại Vương đã được phục chế và xây dưng lại. Đây là một khu khảo cổ có quy mô rộng lớn, chưa khai quật nhiều, còn chứa đựng trong lòng đất nhiều giá trị vật chất và tinh thần về vương triều Trần cách đây gần 8 thế kỷ.

Thái sư Trần Thủ Độ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung là hai nhân vật có công lớn, mang tính quyết định lập nên vương triều Trần, lăng tẩm được đặt tại xã Liên Hiệp, Hưng Hà.

Trên phòng tuyến Đào Động, Lộng Khê, A Sào vùng ven sông Luộc, sông Hóa xưa, nay có đền A Sào và voi đá (An Thái, Quỳnh Phụ) để tưởng niệm cuộc hành quân của Trần Hưng Đạo. Trên đường đi, voi bị sa xuống đầm lầy, không cách nào cứu được. Trần Hưng Đạo đã rút gươm thề rằng:

“Ta đi không chiến thắng trận này, không bao giờ trở về nơi này nữa” rồi tiếp tục lên đường. Voi đá là một di tích, một hình ảnh mang tư tưởng quyết thắng, khích lệ quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến đánh giặc giữ nước.

- Di tích thời Lê - Trịnh: Đình Đông Linh (An Bài, Quỳnh Phụ) lưu niệm Phạm Bôi, vị khai quốc công thần, vị tướng có nhiều công dưới triều Lê.

Miếu Đông (Thái Hồng, Thái Thụy) tưởng niệm Lê Hựu và Lê Thị Phương, là tướng quân phối hợp với nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược.

Từ đường Hoàng Công Chất (Nguyên Xá, Vũ Thư), nơi thờ thủ lĩnh một phong trào khởi nghĩa nông dân lớn thế kỷ XVIII và lưu niệm đây là nơi buổi đầu tụ nghĩa.

- Di tích thời Nguyễn: Các di tích lịch sử trên địa bàn Thái Bình còn lại đến nay được xây dựng hoặc trùng tu lại nhiều nhất dưới triều Nguyễn. Những nhân vật lịch sử và sự kiện được lưu lại nhiều nhất là cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành và các thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương kháng Pháp.

Đình Tổ (Tây Giang, Tiền Hải), đình Lai Vi (Quang Minh, Kiến Xương) là không gian thờ và lưu niệm nơi Phan Bá Vành tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ của cuộc khởi nghĩa.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh Thái Bình (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)