Tỉnh Khánh Hòa có trên 385 km bờ biển kể cả các đảo, có 200 đảo lớn nhỏ. Vùng biển Khánh Hòa có nguồn lợi đa dạng, phong phú mang tính địa phương. Nguồn lợi
hải sản bao gồm: cá, giáp sát, thân mềm, rong biển, trong đó chủ yếu là nguồn lợi cá
biển. Vùng biển Khánh Hòa có hơn 600 loài cá khác nhau, trong đó có trên 50 loài có giá trị kinh tế. Cá nổi: chiếm tỷ trọng 70% gồm các loài cá lớn như: Nhám, Thu, Ngừ,
Bạc Má… cá nhỏ như cá Cơm, Trích, Nục, Chuồn, Chỉ Vàng… Cá đáy: chiếm tỷ
trọng không lớn (khoảng 30%) nhưng có giá trị kinh tế cao như: cá Mú, Đổng, Mối, Đỏ Da… Trữ lượng cá biển ở Khánh Hòa có khoảng 116 nghìn tấn. Khả năng cho phép khai thác hàng năm khoảng 70 nghìn tấn, trong đó chủ yếu là cá nổi, cá đáy tuy
sản lượng không lớn nhưng có nhiều loài cá có giá trị xuất khẩu [26].
Phân bố cá theo một số ngư trường trong khu vực biển Khánh Hòa nhưng sản lượng khai thác hàng năm chủ yếu từ nguồn cá di cư tùy theo mùa. Vùng biển Khánh
Hòa có thể khai thác quanh năm nhưng có hai vụ chính: Vụ Bắc thường khai thác xa
bờ (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau) và Vụ Nam thường khai thác gần bờ (từ tháng 3 đến tháng 9). Đặc biệt ở Khánh Hòa phát triển nghề lưới rê khơi, đó là nghề truyền
thống, có mùa vụ khai thác quanh năm, khai thác cá nổi rất có hiệu quả.
Trong những năm gần đây ngành thủy sản Khánh Hòa đã có những bước phát
triển rõ nét, tạo được thế đi lên, đạt được những thành quả đáng kể, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn. Tình hình khai thác thuỷ sản tại tỉnh Khánh Hoà trong các năm gần đây thể hiện qua bảng 2.2 sau [19]:
Bảng 2.2: Sản lượng khai thác thuỷ sản tại Khánh Hoà từ năm 2010-2012
Chỉ tiêu Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012
1.Sản lượng khai thác thuỷ sản (tấn) 76.391 79.770 83.000
2.Tốc độ tăng liên hoàn (%) - 104,42 104,05
3.Mức tăng liên hoàn (tấn) - 3.379 3.230
Nhìn chung, tổng sản lượng thuỷ sản khai thác toàn tỉnh Khánh Hòa tăng trưởng ổn định qua các năm từ 2010 đến 2012. Sản lượng thuỷ sản khai thác bình quân hàng năm toàn tỉnh đạt trên dưới 80.000 tấn/năm bao gồm tôm, mực, cá các loại trong đó cá
chọn chiếm 20%, cá sô chiếm 50%, cá tạp chiếm 30%.
Tuy sản lượng khai thác đạt khá, nhưng do giá nhiên liệu và chi phí chuyến biển
vẫn duy trì ở mức cao, trong khi giá thành các sản phẩm khai thác tăng không đáng kể
nên lợi nhuận của ngư dân đạt thấp. Bên cạnh đó, lực lượng lao động nghề biển thiếu,
tùy thuộc vào hiệu quả đánh bắt và mức tiền công nên nhiều chủ tàu không duy trì
được lao động thường xuyên để ổn định sản xuất. Mặt khác, khả năng tiếp cận nguồn
vốn của ngư dân gặp khó khăn, các ngân hàng ít quan tâm cho vay đối với các chủ tàu khai thác thủy sản vì rủi ro cao nên ngư dân gặp không ít khó khăn.