“Bất kể bạn làm việc ở đâu thì bạn cũng không phải là một người làm công tầm thường. Bạn chỉ làm việc cho
một chủ - đó chính là bản thân bạn… Không ai nợ bạn một sự nghiệp cả - bạn làm chủ nó như một người sở hữu duy nhất”.
Andy Grove – CEO - Tập đoàn Intel
Đây là lúc bạn nên nắm rõ thực lực của mình: nắm rõ công việc kinh doanh mới mà bạn đang dự tính làm và ai sẽ là người cộng tác với bạn. Bạn sẽ thực hiện việc đó ở đâu? Bạn nên rời khỏi công ty hiện tại hay nên ở lại để thực hiện kế hoạch của mình?
Liệu nguyên lý 80/20 có thể giúp bạn đưa ra quyết định không? Vâng, nguyên lý 80/20 có thể giúp bạn tìm ra những dự án kinh doanh siêu lợi nhuận, nơi mà lợi ích kinh tế thu được rất cao trên cùng một lượng vốn tư bản. Nguyên lý 80/ 20 cũng cho chúng ta thấy con người và những ý tưởng của họ chính là chìa khóa dẫn đến thành công.
Vì thế, nếu bạn đã biết qua cách tạo ra những giá trị phi thường – có lẽ sau khi thử nghiệm ngay tại công ty mình, để tiếp tục ở lại đó, có lẽ bạn phải tự lừa dối bản thân. Nếu bạn áp dụng nguyên lý 80/20 vào công ty đang làm, bạn sẽ thấy mình đang bị nó bóc lột ghê gớm.
Khi con người 80/20 làm việc trong một tập đoàn nào đó thì lợi nhuận mà họ mang về cho tập đoàn thường gấp 20 đến 200 lần so với phần thù lao mà họ nhận được. Bạn có thể đòi hỏi công ty trả thêm cho mình tiền thưởng hay cổ phiếu, nhưng hầu hết các tập đoàn thường không bao giờ trả công xứng đáng với công sức mà con người 80/20 đã bỏ ra. Và khi bạn càng tạo được nhiều của cải bằng nguyên lý 80/20 thì thực trạng này càng trở nên khốc liệt hơn.
Do đó, để nhận được giá trị hợp lý, để tận hưởng được thành quả lao động của mình, bạn không thể ở lại công ty hiện tại mãi. Đây là một bước nhảy ngắn để đi đến quyết định rằng bạn có nên tách ra để thành lập công ty riêng cho mình hay không. Quyết định ở hay đi không chỉ đơn thuần dựa vào yếu tố kinh tế. Yếu tố xã hội và sự suy xét cá nhân cũng cần được quan tâm đến. Có thể bạn yêu thích môi
trường làm việc cũng như các đồng nghiệp ở đây. Có thể họ sẽ không tham gia vào dự án kinh doanh liều lĩnh của bạn, hoặc có thể bạn là người không thích sự mạo hiểm và hơn thua trên thương trường.
Nếu bạn quyết định ở lại công ty, điều đó vẫn tốt đẹp vì bạn có thể tiếp tục tận hưởng những lợi ích mà họ trao cho bạn đồng thời có thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Việc đi hay ở thật sự không phải là chọn lựa bắt buộc. Bạn hoàn toàn có thể thực hiện cả hai việc này cùng lúc.