Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là một quy luật khách quan của nền sản xuất hàng hóa, là một nội dung trong cơ chế vận động của thị trường. Sản xuất hàng hóa càng phát triển, hàng hóa dịch vụ bán ra càng nhiều, số lượng nhà cung cấp càng đông thì cạnh tranh càng gay gắt. Nhưng cũng chính nhờ sự cạnh tranh, mà nền kinh tế thị trường vận động theo hướng ngày càng nâng cao năng suất lao động xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của riêng ai, nên cạnh tranh trở thành một quy luật quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Mọi ngành, doanh nghiệp đều phải tự mình vận động để đứng vững trong cơ chế này. Cơ chế thị trường mở đường cho doanh nghiệp nào biết nắm thời cơ, biết phát huy tối đa thế mạnh của mình và hạn chế được tối thiểu những bất lợi để giành thắng lợi trong cạnh tranh.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang hội nhập với kinh tế thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, song cũng buộc các doanh nghiệp có những đổi mới để nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường, hội nhập
kinh tế chính là khơi thông các dòng chảy nguồn lực trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện mở rộng thị trường chuyển giao công nghệ và các kinh nghiệm quản lý.
Thách thức hàng đầu khi hội nhập kinh tế thế giới là tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt cả thị trường trong nước và xuất khẩu do các hàng rào thuế quan bảo hộ cũng như các chính sách ưu đãi đang dần bị loại bỏ. Chính vì vậy, các ngành, doanh nghiệp phải không ngừng tăng vốn đầu tư, luôn đổi mới công nghệ, chất lượng lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh. Thách thức nữa là hàng hóa và dịch vụ sẽ ngày càng phải đương đầu với những rào cản thương mại quốc tế mới. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải trang bị cho mình những kiến thức về thị trường cả trong nước và ngoài nước, nắm bắt tập quán, luật kinh doanh ở thị trường trong nước và ngoài nước. Khi mà sức cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao nó sẽ thể hiện tốt vai trò, chức năng của mình trong việc:
- Phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. - Kích thích sản xuất phát triển ổn định.
- Thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật. - Mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh đó nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm của các doanh nghiệp là một tất yếu khách quan.