7. Kết cấu của luận văn
1.3.3.1. Nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng
Nếu coi tín dụng là việc “tin tưởng” mà đưa ra cho khách hàng sử dụng giá trị hiện tại với mong muốn nhận được giá trị tương lai trong một thời gian nhất định thì rủi ro tín dụng là khả năng mà mong muốn đó không được đáp ứng, hay nói cách khác đó là khả năng xảy ra sự khác biệt không mong muốn giữa kết quả thực tế và kết quả kỳ vọng theo kế hoạch – đúng hạn nhận được đầy đủ gốc và lãi. Như vậy rủi ro tín dụng là rủi ro từ phía bên vay, do đó rủi ro tín dụng là bạn đồng hành trong kinh doanh, chúng ta có thể đề phòng, hạn chế chứ không thể loại trừ.
Rủi ro tín dụng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với các khoản lỗ tiềm tàng về phía ngân hàng. Rủi ro tín dụng là loại rủi ro do khách hàng không trả được nợ, nghĩa là không hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ của họ. Khách hàng không có khả năng hoặc không sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình. Do đó khách hàng gây ra toàn bộ hay một phần lỗ của khoản tiền cho vay của ngân hàng. Rủi ro tín dụng rất nguy hiểm, khi một ngân hàng quá tập trung cho vay vào một lĩnh vực hoặc một số khách hàng, do tác động của nền kinh tế vĩ mô hoặc một lý do nào đó khách hàng không trả được nợ có thể gây nên những khoản nợ xấu và có thể dẫn ngân hàng tới tình trạng mất khả năng thanh toán. Khi khả năng không trả được nợ của khách hàng là chưa chắc chắn và khả năng thu hồi chưa thể dự báo trước thì rủi ro tín dụng được chia thành ba loại :
+ Rủi ro không trả được nợ : là việc khách hàng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, khách hàng vi phạm các điều khoản trong hợp đồng tín dụng, trường hợp khách hàng bị pháp luật xét xử hoặc khả năng kinh tế không trả được nợ.
+ Rủi ro tiềm ẩn : là rủi ro không dự báo trước được do cơ chế chính sách thay đổi, do thiên tai, chiến tranh hay do biến động lớn của thị trường trong và ngoài nước.
+ Rủi ro thu hồi vốn : ngân hàng không phát hiện việc trả lãi, gốc chậm trễ hoặc không đủ theo các kỳ hạn đã cam kết trong quá trình thu hồi vốn vay. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến rủi ro tín dụng là sự mất khả năng trả nợ của khách hàng do gặp phải biến cố trong sản xuất kinh doanh như : khả năng sinh lời thực tế thấp và giảm sút ; phát triển ngành nghề, sản phẩm không thích hợp và không phải là thế mạnh ; giảm giá trị trong cơ cấu tài chính của hoạt động kinh doanh, nghĩa là sử dụng vốn không đúng mục đích, thường luân chuyển các nguồn vốn ngắn hạn cho đầu tư dài hạn ; khách
hàng khó kiểm soát đối với nhiều hoạt động trên các địa bàn cách xa nhau ; công tác quản lý của khách hàng về tài chính, vốn lưu động hay nhân sự thiếu chặt chẽ....