Ngay từ ngày thành lập, trường phổ thông DTNT tỉnh Hà Giang đã được nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo cho 300 học sinh ăn ở, sinh hoạt khép kín tại trường. Cụ thể, cơ sở vật chất những năm qua và hiện tại của nhà trường gồm có: 10 phòng học kiên cố, 03 phòng học cấp bốn, 34 phòng ký túc xá của học sinh, 01 nhà hiệu bộ 3 tầng là nơi làm việc của cán bộ giáo viên và cán bộ quản lý của nhà trường, 01 nhà đa chức năng đủ cho 300 học sinh vui chơi và tổ chức các hoạt động ngoại khoá, văn nghệ thể thao. Năm 2010, nhà trường mới được đầu tư xây dựng xong 01 nhà ăn đảm bảo phục vụ được 600 học sinh. Với hệ thống cơ sở vật chất như trên, so với quy mô phát triển của nhà trường thì còn thiếu chỗ ở và sinh hoạt cho khoảng 150 học sinh. vì vậy, tạm thời nhà trường phải cho học sinh ở ghép trong ký túc xá. Nhìn chung những cảnh quan của nhà trường được thiết kế theo hướng thân thiện với người học nhằm tạo môi trường giao tiếp thuận lợi cho học sinh. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu phòng học bộ môn, thư viện, phòng đọc, phòng truyền thống và thiếu sân chơi, bãi tập cho các hoạt động ngoài giờ lên lớp...
Về trang thiết bị dạy học, đồ dùng thực hành thí nghiệm và sách giáo khoa, sách tham khảo, nhà trường được tỉnh Hà Giang quan tâm, cung cấp tương đối đầy đủ. Nhưng hiện tại, nhà trường chưa có đủ phòng thí nghiệm, phòng thực hành, chưa có phòng học bộ môn theo đúng nghĩa, nhà trường mới chỉ có một số phòng trống mang tính chất kho trữ. Chính vì vậy, giáo viên chỉ tiến hành thí nghiệm những bài, tiết học đơn giản hoặc có thể làm tại lớp những bài thực hành bắt buộc.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Thực trạng cơ sở vật chất trên của trường phổ thông DTNT tỉnh Hà Giang đang là thách thức lớn đối với thầy và trò của nhà trường, đặc biệt đối với việc nâng cao chất lượng Dạy – Học, gắn học với thực hành.
Tóm lại, thực trạng cơ sở vật chất, thực trạng giáo dục của trường phổ thông DTNT tỉnh Hà Giang trong những năm qua tuy còn nhiều khó khăn hạn chế, song bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ, dự báo chiều hướng khả quan và tốt đẹp đây chính là môi trường giáo dục nói chung và môi trường giao tiếp nói riêng thuận lợi để học sinh dân tộc thu nhận và xử lý thông tin trong quá trình giao tiếp một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.