8 Giúp học sinh tự rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 1 Kết luận
1. Kết luận
Xây dựng môi trường văn hoá nói chung và văn hoá giáo dục trong nhà trường nói riêng là một nhiệm vụ cần được quan tâm hiện nay. Phát triển môi trường giáo dục kỹ năng giao tiếp cho học sinh có ý nghĩa thiết thực đối với việc hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh, nhất là đối với các em học sinh là người DTTS đang học tại các trường phổ thông DTNT.
Trong khuôn khổ luận văn “Phát triển môi trường giáo dục kỹ năng giao tiếp cho học sinh trường phổ thông DTNT tỉnh Hà Giang”, tác giả luận văn đã đề cập tới một số vấn đề cơ bản như sau:
Thứ nhất, luận văn đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về giao tiếp, môi trường giao tiếp và phát triển môi trường giáo dục kỹ năng giao tiếp cho học sinh trường phổ thông DTNT trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh THPT và học sinh người DTTS.
Thứ hai, luận văn đã tiến hành nghiên cứu và đánh giá về thực trạng môi trường giao tiếp và các kĩ năng giao tiếp của học sinh trường phổ thông DTNT tỉnh Hà Giang, qua đó đã xác định được những thuận lợi, khó khăn của môi trường giao tiếp, những hạn chế trong kỹ năng giao tiếp của các em làm ảnh hưởng đến quá trình học tập, sinh hoạt và giao tiếp xã hội.
Thứ ba, trên cơ sở phân tích thực trạng môi trường giao tiếp và các kỹ năng giao tiếp của học sinh tại trường phổ thông DTNT tỉnh Hà Giang, luận văn đã đề xuất những biện pháp cơ bản để phát triển môi trường giáo dục kĩ năng giao tiếp là:
- Xây dựng các chuẩn mực ứng xử giao tiếp trong trường học.
- Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo hướng tăng cường rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
- Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phối hợp hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm và hoạt động tập thể tạo môi trường giao tiếp cho học sinh.
- Mở rộng phạm vi giao tiếp cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, tham quan dã ngoại gắn kết giữa nhà trường với cộng đồng.
- Phát triển chương trình giáo dục dành cho địa phương gắn với nội dung giáo dục kỹ năng giao tiếp.
- Thành lập tổ tư vấn học đường, tạo môi trường chia sẻ phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh phổ thông dân tộc nội trú.
Để đảm bảo các biện pháp này có thể được thực hiện trên thực tế, tác giả luận văn đã tiến hành khảo nghiệm và khẳng định tính khả thi của các biện pháp trên. Đó là cơ sở để các trường phổ thông DTNT có thể ứng dụng các biện pháp vào thực tế xây dựng, phát triển môi trường giáo dục kỹ năng giao tiếp cho học sinh.
Luận văn đã đề cập đến nhiều nội dung theo đối tượng và phạm vi nghiên cứu, nhưng do hạn chế về thời gian thực hiện luận văn, một số nội dung chỉ nêu lên theo lô gíc hệ thống, cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo tính đồng bộ nhằm nâng cao hơn nữa tính khả thi trong thực tế.
Luận văn đã hoàn thành với sự giúp đỡ của các các giảng viên trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, đặc biệt là dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Thị Tính. Những kết quả nghiên cứu của luận văn có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng được với yêu cầu thực tế của trường phổ thông DTNT tỉnh Hà Giang. Tác giả của luận văn mong nhận được sự đóng góp của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các thầy, cô giáo và đồng nghiệp.