CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH THUẾ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ
2.2.3.2 Gánh nặng chi phí tuân thủ lũy thoái theo qui mô doanh nghiệp
Những nghiên cứu trước đều chỉ ra rằng gánh nặng thuế cao không chỉ bởi vì thuế suất cao. Chi phí tuân thủ thuế cũng tạo gánh nặng lớn cho DNNVV.
Một nghiên cứu năm 2007 của CIEM1 cho thấy, mỗi năm, doanh nghiệp phải mất khoảng 1.733 giờ cho các thủ tục mua hóa đơn thuế giá trị gia tăng, trong đó, chỉ tính riêng thời gian lập hồ sơ đã mất 1.680 giờ. Doanh nghiệp cũng phải mất 728 giờ/năm để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. [17]
Nghiên cứu của La Xuân Đào năm 2009 cũng chỉ ra rằng chi phí tuân thủ thuế ở Đồng bằng sông Cửu Long là 407 giờ/năm cho hoạt động kê khai nộp thuế giá trị gia tăng và 309 giờ/năm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp. [19]
Theo đánh giá của Báo cáo Môi trường kinh doanh 2012 của World Bank, mức độ thuận lợi về thuế của Việt Nam đứng ở mức 151/183 nền kinh tế trên thế giới và đứng cuối trong bảng xếp hạng so với các nước trong khu vực. Gánh nặng tuân thủ thuế của Việt Nam rất cao, đặc biệt là chi phí về thời gian liên tục nhiều năm đều ở nhóm các nước cao nhất thế giới. Một doanh nghiệp quy mô trung bình thấp ở Việt Nam (mức doanh thu khoảng 1.155.000 US$, bằng 1050 lần thu nhập bình quân đầu người) có số lần nộp thuế là 32 lần/năm; với thời gian để chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ khai thuế, nộp tờ khai là 941 giờ/năm và mức thuế suất bình quân là 40,1% trên tổng lợi nhuận. [30]
Qua những kết quả nghiên cứu trên có thể thấy chi phí tuân thủ thuế về thời gian là rất lớn. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu trên chỉ cho thấy chi phí tuân thủ thuế trung bình, hoàn toàn không phản ánh gánh nặng chi phí tuân thủ theo qui mô.
Nghiên cứu tại một số nước trên thế giới đều cho thấy gánh nặng chi phí tuân thủ thuế lũy thoái theo qui mô doanh nghiệp. Vì vậy, chi phí tuân thủ thuế tạo gánh nặng lớn hơn đối với DNNVV.