Đối với thuế TNDN

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ kinh tế: Hoàn thiện chính sách thuế nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (Trang 129 - 133)

2 Quĩ tiền tệ quốc tế

4.2.2.2Đối với thuế TNDN

Hiện nay, đã có qui định ưu đãi thuế suất cho DNNVV nhưng, tiêu chí xác định DNNVV đưa ra chưa thực sự hợp lý và chưa có những qui định hỗ trợ DNNVV huy động vốn. Vì vậy, luận án đề xuất hoàn thiện những nội dung sau:

Xây dựng ngưỡng thu nhập chịu thuế xác định DNNVV

Tiêu chí xác định DNNVV để ưu đãi thuế suất thuế TNDN là doanh thu. Theo đó doanh nghiệp có doanh thu hàng năm không quá 20 tỷ đồng sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 20% (so với mức thuế suất phổ thông 22%). Qui định này không tạo được sự công bằng. Với cùng mức doanh thu những ngành nghề có tỷ suất lợi nhuận cao sẽ được hưởng lợi nhiều hơn những ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp.

Do đó, luận án đề xuất áp dụng thuế suất lũy tiến từng phần với hai bậc thuế: thu nhập tính thuế từ 0 đến 5 tỷ đồng chịu thuế suất 20%; trên 5 tỷ đồng chịu thuế suất 22%. Với giải pháp này, doanh nghiệp lớn cũng sẽ được hưởng lợi vì số thuế TNDN sẽ giảm đi vì vậy ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên mức độ giảm sẽ không nhiều vì mức thuế suất chênh lệch không lớn. Một vấn đề nữa trong giải pháp này đó là thu nhập tính thuế là 5 tỷ đồng thì thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp có thể sẽ lớn hơn 5 tỷ đồng, vì thế số lượng DNNVV được ưu đãi thuế sẽ nhiều hơn. Vì vậy, để số thu ngân sách không bị ảnh hưởng nhiều thì có thể qui định bậc thuế đầu tiên là từ 0 đến 3 tỷ đồng thay vì từ 0 đến 5 tỷ đồng. Dù vậy, trong dài hạn, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên do qui mô và số lượng DNNVV tăng.

Ưu đãi thuế cho DNNVV mới thành lập

Hiện nay, Việt Nam có nhiều ưu đãi và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào một số ngành, nghề, lĩnh vực, địa phương. Tuy nhiên chưa có qui định ưu đãi cho DNNVV mới thành lập nói chung, vì vậy luận án đề xuất ưu đãi thuế cho DNNVV mới thành lập. Theo đó, có thể qui định miễn thuế TNDN cho doanh nghiệp mới thành lập trong 1 năm đầu có doanh thu không quá 50 tỷ đồng (doanh nghiệp nhỏ theo cách phân loại của luận án). Qui định này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mới thành lập có thể tích lũy thêm vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Mặc dù vậy, cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ, tránh để doanh nghiệp lợi dụng qui định này trục lợi. Doanh nghiệp có thể liên tục ngừng sản xuất kinh doanh và đăng ký thành lập mới để trốn thuế, đặc biệt đối với doanh nghiệp kinh doanh thương

địa điểm đặt trụ sở của doanh nghiệp có thể biết doanh nghiệp thành lập mới hay chỉ gian lận để hưởng ưu đãi thuế.

Khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ

Nghiên cứu và phát triển công nghệ là lĩnh vực tốn nhiều chi phí nhưng thời gian hoàn vốn chậm. Vì vậy, lĩnh vực này dường như chỉ dành cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn. Do đó để khuyến khích DNNVV đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, cần có qui định hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, theo qui định, doanh nghiệp được trích lập quĩ khoa học công nghệ từ thu nhập tính thuế nhưng mức trích lập còn thấp (không quá 10% thu nhập tính thuế), đặc biệt không hiệu quả với DNNVV, vì thu nhập tính thuế của nhóm doanh nghiệp này không cao, số quĩ trích lập không đủ để nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ.

Với thực tế đó, cần có qui định khác, hỗ trợ DNNVV nói riêng và doanh nghiệp nói chung đầu tư nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Qua kinh nghiệm thực tiễn đã áp dụng tại một số nước Châu Âu như: Hà Lan; Hungary (đã nêu ở mục 2.4.2), luận án đề xuất qui định cho phép doanh nghiệp được trừ 150% chi phí thực tế đầu tư vào nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trước khi tính thuế TNDN. Qui định này thiết thực hơn so với qui định trích lập quĩ khoa học- công nghệ hiện nay. Với qui định này, chỉ có những doanh nghiệp thực sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ mới được ưu đãi.

Cho phép DNNVV khấu hao nhanh

Hiện nay, theo qui định doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả kinh tế cao được phép khấu hao nhanh (không quá 2 lần mức khấu hao xác định theo phương pháp đường thẳng) đối với máy móc, thiết bị, thiết bị vận tải… Hỗ trợ này được doanh nghiệp đánh giá là ít hài lòng, chứng tỏ nó không phát huy hiệu quả trong thực tế. Vì vậy, để hỗ trợ hơn nữa cho DNNVV có thể quay vòng vốn nhanh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cần có qui định riêng đối với DNNVV. Qua kinh nghiệm thực tiễn áp dụng tại Anh, Hà Lan, Nhật (đã nêu ở mục 2.4.2) và kết quả khảo sát, luận án đề xuất qui định, cho phép DNNVV (có doanh thu hàng năm không quá 50 tỷ đồng một năm, doanh nghiệp nhỏ theo cách phân loại của luận án)

khấu hao 50% đối với máy móc, thiết bị; dụng cụ làm việc đo lường, thí nghiệm; thiết bị và phương tiện vận tải; dụng cụ quản lý; súc vật, vườn cây lâu năm. Với qui định này, doanh nghiệp chỉ cần hơn 2 năm để hoàn vốn đầu tư vào tài sản cố định, tăng tốc độ vòng quay vốn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào tài sản cố định phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Xây dựng qui định tính thuế căn cứ vào hệ thống kế toán tiền mặt

Sự phát triển của hệ thống công nghệ thông tin sẽ giúp cho việc thanh toán điện tử trở nên dễ dàng và phổ biến hơn, dần xóa bỏ nền kinh tế tiền mặt, giúp chính phủ kiểm soát tốt hơn dòng tiền của doanh nghiệp. Khi đó, hệ thống kế toán tiền mặt sẽ trở nên phổ biến và cần thiết hơn đối với quản lý doanh nghiệp .

DNNVV thường xuyên phải đối mặt với rủi ro chiếm dụng vốn, vì vậy doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc luân chuyển vốn. Để hạn chế rủi ro doanh nghiệp phải nộp thuế trước khi nhận được tiền, có thể xây dựng qui định tính thuế dựa vào hệ thống kế toán tiền mặt. Khi đó DNNVV có thể lựa chọn phương thức nộp thuế căn cứ vào kế toán tiền mặt: khi nào doanh nghiệp nhận được tiền thanh toán thì mới phải nộp thuế. Qui định này được áp dụng cho việc kê khai, nộp thuế GTGT. Trong trường hợp này, doanh nghiệp nhỏ sẽ chỉ phải nộp thuế GTGT khi khách thanh toán, thay vì nộp thuế khi phát sinh giao dịch. Tuy nhiên qui định này đòi hỏi một nền kinh tế có trình độ công nghệ cao: sử dụng phương thức thanh toán chủ yếu là thanh toán điện tử. Khi đó mọi thông tin liên quan tới dòng tiền mặt của doanh nghiệp sẽ đều phải qua hệ thống ngân hàng, kết nối với cơ quan quản lý thuế. Có như vậy, cơ quan quản lý thuế mới kiểm soát được thời điểm doanh nghiệp nhận được tiền thanh toán.

Để làm được điều này, cơ quan quản lý thuế cần xây dựng hệ thống thông tin hiện đại kết nối với hệ thống ngân hàng thương mại để kiểm soát thông tin về các khoản thanh toán của doanh nghiệp. Việc áp dụng giải pháp này cần thực hiện từng bước, trước tiên cần thí điểm tại các thành phố lớn, nơi có trình độ công nghệ cao.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ kinh tế: Hoàn thiện chính sách thuế nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (Trang 129 - 133)