CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH THUẾ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA Ở VIỆT NAM
3.1.1.6 Hệ thống pháp luật
Hệ thống pháp luật Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong 10 năm gần đây bằng những nỗ lực của Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và kết quả thể hiện qua sự tăng bậc về chỉ số qui định pháp luật. Năm 2009, Việt Nam đứng thứ 73 về chỉ số này, hay xếp sau 55% các nước được xếp hạng trong Chỉ số CCI năm 2009. Hoàn thiện khung pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, thị trường hàng hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, và đảm bảo an sinh xã hội là những lĩnh vực được ưu tiên.
Từ 2001-2012 đã có hơn 180 dự án luật, pháp lệnh được trình Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nhiều bộ luật quan trọng đã được ban hành trong giai đoạn này như Luật sở hữu trí tuệ, Luật thực hành, chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng và sửa đổi, bổ sung nhiều bộ luật kinh tế như Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật bảo hiểm xã hội, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế bảo vệ môi trường …
Như vậy, có thể thấy trong giai đoạn 2001-2012, Việt Nam đã thực hiện xong chiến lược 10 năm 2001-2010 và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Đây cũng là giai
đoạn đánh dấu nhiều bước tiến lớn trong quản lý nhà nước với việc ra đời nhiều bộ luật quan trọng. [5]
Sau giai đoạn phát triển kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn chú trọng phát triển theo chiều sâu. Đây là giai đoạn đòi hỏi cần có những thay đổi tích cực trong hệ thống quản lý nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho phép doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu. Vì vậy, đây là giai đoạn thích hợp để hoàn thiện chính sách thuế theo hướng hỗ trợ nhiều hơn cho DNNVV.