CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH THUẾ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA Ở VIỆT NAM
3.1.1.3 Thu-chi ngân sách:
Nhờ kinh tế liên tục tăng trưởng và công tác thu ngân sách có tiến bộ nên trong 10 năm 2001-2010, trừ năm 2005 tăng trưởng thấp (1,1%) và năm 2009 giảm 0,4%; 8 năm còn lại, tổng thu ngân sách Nhà nước đều tăng cao so với năm trước (Năm 2001 tăng 18,2%; năm 2002 tăng 15,4%; năm 2003 tăng 39,4%; năm 2004 tăng 28,1%; năm 2006 tăng 47,7%; năm 2007 tăng 3,84%; năm 2008 tăng 19%; năm 2010 tăng 10,9%). Đến năm 2010, tổng thu ngân sách Nhà nước đã gấp 5 lần năm 2000. Tính ra, trong giai đoạn năm 2001-2012, tổng thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân mỗi năm 16,1%. [4],[5]
Mặc dù thu ngân sách Nhà nước hàng năm tăng với tốc độ cao, nhưng nhu cầu chi tiêu lớn, trong đó chi đầu tư phát triển thường chiếm trên 28% tổng số chi và chiếm gần 33% tổng số thu ngân sách nên từ năm 2001 đến năm 2012 ngân sách Nhà nước luôn trong tình trạng bội chi và tỷ lệ bội chi có xu hướng gia tăng, nhất là trong những năm cuối Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010. Tính chung mười năm 2001-2010 ngân sách Nhà nước bội chi 558,7 nghìn tỷ đồng, bằng 5,36% GDP, trong đó 5 năm 2001-2005 bội chi 154,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,85% GDP; 5 năm 2006-2010 bội chi 404,2 nghìn tỷ đồng, bằng 5,58% GDP. [4],[5]
Việt Nam có tỷ lệ nợ công ở mức trung bình, nhưng tốc độ tăng nợ công cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP tính bằng USD theo giá thực tế. Ước tính năm 2010, GDP của nước ta đạt khoảng 100,8 nghìn tỷ USD, gấp 3,1 lần năm 2001, tăng bình quân mỗi năm 13,4%; trong khi đó nợ công năm 2010 gấp gần 5,7 lần năm 2001, tăng bình quân mỗi năm 21,2%. Bên cạnh đó tỷ lệ nợ công so với GDP của Việt Nam đã cao hơn tỷ lệ nợ công phổ biến 30-40% GDP của các nước đang phát triển và cao hơn tỷ lệ nợ công của một số nước trong khu vực (tỷ lệ nợ công của Thái Lan bằng 48,6% GDP; In-đô-nê-xi-a bằng 26,5% GDP; Trung Quốc bằng 17,4% GDP). [4],[5]