CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH THUẾ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ
2.2.2.2 Các chi phí cấu thành chi phí tuân thủ thuế
Với phân tích nêu trên, chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp gồm các chi phí bằng tiền và các chi phí về thời gian.
Chi phí bằng tiền gồm có:
Thứ nhất là tiền thuê tư vấn thuế: trong nền kinh tế phát triển có sự chuyên môn hóa sâu sắc, tư vấn thuế là một nghề ra đời từ nhu cầu thiết thực của xã hội. Doanh nghiệp vì nhiều lý do khác nhau có nhu cầu thuê tư vấn thuế. Doanh nghiệp có thể không có nhân viên kế toán thuế hoặc do nghiệp vụ quá phức tạp, họ đều cần tới tư vấn thuế. Do vậy, việc thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ làm phát sinh chi phí thuê tư vấn thuế cho doanh nghiệp.
Thứ hai là lương của nhân viên làm công việc chuẩn bị tờ khai thuế và kế toán thuế. Có nhiều qui định về kê khai, nộp thuế rất phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Vì vậy, một nhân viên kế toán thông thường không thể đảm nhiệm đồng thời công việc kê khai, nộp thuế. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải thuê đội ngũ nhân viên chuyên thực hiện các công việc liên quan tới thuế, gọi tắt là kế toán thuế. Nếu không phải thực hiện nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp sẽ không phải thuê nhân viên làm kế toán thuế. Vì vậy, lương trả cho nhân viên kế toán thuế cũng là một phần của chi phí tuân thủ thuế
Thứ ba là chi phí sử dụng phần mềm quản lý liên quan tới nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp có thể sẽ phải cần tới sự trợ giúp của phần mềm quản lý chuyên dụng về thuế. Việc sử dụng phần mềm quản lý chuyên dụng cũng được coi là một phần của chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp.
Thứ tư là chi phí mua tài liệu hoặc chi phí cho nhân viên tham gia các khóa học liên quan tới thuế. Việc trau dồi kiến thức, cập nhật những qui định mới về thuế, nâng cao trình độ quản lý là nhu cầu rất thiết thực của doanh nghiệp. Những chi phí đối với các hoạt động này cũng nhằm mục tiêu thực hiện nghĩa vụ thuế. Do đó nó được coi là một phần của chi phí tuân thủ thuế.
Thứ năm là các loại chi phí khác, như tiền điện thoại, bưu điện, đi lại, các khoản tiền phạt do rủi ro không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, nhân viên phải di chuyển từ doanh nghiệp tới cơ quan thuế, tới nơi nộp thuế. Quá trình đó làm phát sinh chi phí đi lại, cần phải tính trong chi phí tuân thủ thuế. Bên cạnh đó, do sự phức tạp của các qui định về thuế, doanh nghiệp có rủi ro kê khai và nộp thuế không đúng qui định. Rủi ro này phải chịu xử phạt bằng các khoản tiền phạt. Số tiền phạt phụ thuộc vào mức độ vi phạm. Nếu doanh nghiệp gửi hồ sơ qua bưu điện thì chi phí đó cũng được tính vào chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp.
Chi phí về thời gian gồm có:
Thứ nhất là thời gian chuẩn bị số liệu để kê khai. Doanh nghiệp phải tiến hành tập hợp các dữ liệu nội bộ (chẳng hạn như sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ...); phân tích thêm các thông tin về kế toán và các số liệu, chính sách thuế quan trọng có ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế; Tính toán các nghĩa vụ thuế trên cơ sở các dữ liệu đầu vào, nhập dữ liệu vào các bảng tính thuế, các ứng dụng hỗ trợ hay sổ sách kế toán; cập nhật hệ thống kế toán đáp ứng sự thay đổi của chính sách mới về thuế suất hoặc các quy định khác; Chuẩn bị các sổ sách kế toán bắt buộc cho mục đích thuế và lưu giữ khi được yêu cầu cung cấp.
Thứ hai là thời gian kê khai. Hoạt động kê khai thuế của doanh nghiệp gồm các công việc sau: thực hiện lập các Tờ khai thuế và các mẫu biểu, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế. Nếu gửi hồ sơ trực tiếp tại cơ quan thuế thì phải tính cả thời gian đi lại, thời gian chờ đợi tại cơ quan thuế để nộp được tờ khai.
Thứ ba là thời gian nộp thuế. Thời gian nộp thuế bao gồm: Tính toán số thuế phải nộp, bao gồm cả việc đối chiếu, tính toán lại số thuế phải nộp trên tờ khai thuế với sổ sách kế toán; Phân tích, tính toán số thuế phải nộp thêm so với số thuế tạm nộp; Nộp tiền thuế vào ngân sách, bao gồm cả thời gian đi lại và chờ đợi để nộp được tiền thuế.
Thứ tư là thời gian để chuẩn bị và hỗ trợ cho thanh tra thuế. Cơ quan thuế có thể thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp bất kỳ lúc nào. Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp các loại văn bản, chứng từ, hóa đơn phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của thanh tra thuế; Do vậy, doanh nghiệp phải dành thời gian chuẩn bị giấy tờ, tiếp đón thanh tra thuế.
Thứ năm là thời gian thực hiện hoàn thuế, khiếu nại thuế. Để được hoàn thuế hoặc giải quyết khiếu nại thuế, doanh nghiệp cũng phải gửi hồ sơ tới cơ quan thuế, yêu cầu hoàn thuế, giải quyết khiếu nại thuế. Sau khi hoàn tất hồ sơ gửi cơ quan thuế, doanh nghiệp phải chờ đợi quyết định và nhận lại tiền hoàn thuế hoặc kết quả giải quyết khiếu nại. Thời gian nhận lại chờ đợi càng lâu thì chi phí càng cao vì nó làm giảm tốc độ quay vòng vốn của doanh nghiệp. [30]