Tiêu chuẩn của hệ thống thuế hiệu quả

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ kinh tế: Hoàn thiện chính sách thuế nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (Trang 34 - 35)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH THUẾ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ

2.1.1.5 Tiêu chuẩn của hệ thống thuế hiệu quả

Hệ thống thuế, theo Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Văn Hiệu (2002)[25, tr.11], “là tổng hợp các sắc thuế khác nhau có mối quan hệ thống nhất, biện chứng, phụ thuộc nhau, cùng hướng vào một mục tiêu chung nhằm thực hiện các nhiệm vụ nhất định của Nhà nước trong từng thời kỳ.”

Qua kinh nghiệm nghiên cứu và thực tiễn, các nhà nghiên cứu trên thế giới đều thống nhất một hệ thống “tốt” cần thỏa mãn năm tiêu chuẩn quan trọng sau:

Thứ nhất là hiệu quả kinh tế: Tính hiệu quả kinh tế thể hiện ở hai khía cạnh: Một là, hệ thống thuế sẽ gây ra những tổn thất lợi ích xã hội, những tác động tiêu cực tới phân bổ nguồn lực. Vì vậy, hệ thống thuế cần hạn chế tối thiểu những tổn thất vô ích này. Hai là hiệu quả thu thuế. Để thu được thuế, cần phải có bộ máy quản lý thuế. Vì vậy, cần phải bỏ ra chi phí nhất định để duy trì bộ máy quản lý thuế. Một hệ thống thuế hiệu quả là hệ thống thuế đảm bảo số tiền chênh lệch giữa thu từ thuế và chi phí quản lý là lớn nhất. Do vậy, việc giảm thiểu chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý luôn là mục tiêu quan trọng của cơ quan quản lý thuế.

Thứ hai là tính công bằng: Hệ thống thuế cần phải đảm bảo được sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. Sự công bằng phải đảm bảo hai nguyên tắc: công bằng ngang và công bằng dọc. Theo đó, người nộp thuế có điều kiện như nhau sẽ nộp thuế bằng nhau, người nộp thuế có điều kiện khác nhau thì nộp thuế khác nhau. Việc đối xử bất công bằng giữa các đối tượng nộp thuế là một trong những nguyên nhân thúc đẩy hành vi trốn thuế.

Thứ ba là tính đơn giản: Hệ thống thuế cần phải đơn giản để tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý góp phần giảm chi phí quản lý. Giảm chi phí quản lý thuế là một yếu tố quan trọng góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách từ thuế. Các qui định về thuế cần tránh tình trạng có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau.

Thứ tư là tính linh hoạt: Hệ thống thuế phải có khả năng thích ứng một cách dễ dàng với những thay đổi của hoàn cảnh kinh tế. Điều đó thể hiện ở khả

năng tự điều chỉnh của hệ thống thuế nhằm đáp ứng kịp thời và phù hợp với những thay đổi của hoàn cảnh kinh tế. [22],[25],[50]

Phân tích trên gợi ý cho luận án những quan điểm về hoàn thiện chính sách thuế. Đó là cần phải đảm bảo nguồn thu ngân sách, đảm bảo sự công bằng, tính đơn giản và tính linh hoạt.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ kinh tế: Hoàn thiện chính sách thuế nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (Trang 34 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(154 trang)
w