Tiêu chí đánh giá chất lượng công chức hải quan

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ kinh tế: Nâng cao chất lượng công chức của Cục Hải quan Cao Bằng (Trang 54 - 58)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.1.2. Tiêu chí đánh giá chất lượng công chức hải quan

Chất lượng công chức là khái niệm trừu tượng. Để xác định chất lượng công chức hải quan phải thông qua một hệ thống các tiêu chí định tính, định lượng: phẩm chất chính trị, đạo đức; năng lực chuyên môn; kỹ năng nghề nghiệp; trình độ ngoại ngữ, tin học; trình độ sức khoẻ; kết quả, hiệu quả công tác.

Thứ nhất: Phẩm chất chính trị, đạo đức

Về phẩm chất chính trị của công chức hải quan được biểu hiển trước hết là sự tin tưởng tuyệt đối với lý tưởng cách mạng, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, đó là con đường mà Đảng và Nhà nước ta đã lựa chọn, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, không dao động trước những khó khăn thử thách. Đồng thời phải có biện pháp để đường lối đó đi vào thực tiễn cuộc sống.

Phẩm chất chính trị của công chức hải quan còn biểu hiện thông qua thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần gương mẫu trong công tác, tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, bảo vệ lợi ích quốc gia, tăng cường hợp tác quốc tế dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Về phẩm chất đạo đức, cán bộ công chức nói chung trước hết phải sống và làm việc theo tiêu chuẩn đạo đức một công dân. Trong điều kiện thực tiễn hiện nay, phải lấy việc gương mẫu sống và làm việc theo pháp luật là tiêu chuẩn đạo đức cơ bản.

Công chức hải quan luôn gương mẫu, có lối sống lành mạnh, thực hiện cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; không tham nhũng, vụ lợi cá nhân, sinh hoạt bê tha, có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, sâu sát với công việc, không quan liêu cửa quyền, gây phiền hà cho dân, tác phong làm việc khoa học, dân chủ, nói đi đôi với làm, làm nhiều hơn nói – đó là

những tiêu chí đánh giá đạo đức của người cán bộ, công chức.

Là công chức hải quan, phải luôn có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần tập thể, khiêm tôn, giản dị, trung thực, không cơ hội, có nếp sống văn minh, nêu gương cho quần chúng. Như vậy mới tạo được lòng tin từ phía nhân dân, thuyết phục được nhân dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, trung thành với sự nghiệp cách mạng, với lợi ích của quốc gia. Phải luôn cảnh giác, kiên định vững vàng trong mọi tình huống đặc biệt là sự cám dỗ vật chất bằng nhiều hình thức hết sức tinh vi.

Thứ hai: Trình độ, năng lực chuyên môn

Về trình độ học vấn: trình độ học vấn là mức độ học vấn giáo dục mà công chức đạt được. Hiện nay, trình độ học vấn của công chức nước ta được phân thành mức độ khác nhau từ thấp đến cao gồm bậc phổ thông và bậc đại học, trong bậc phổ thông chia thành các cấp: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức là trình độ được đào tạo qua các trường lớp có văn bằng chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc. Trình độ chuyên môn đào tạo ứng với hệ thống văn bằng hiện nay và được chia thành các trình độ như: sơ cấp; trung cấp; đại học và trên đại học. Tuy nhiên, khi xem xét về trình độ chuyên môn của công chức cần phải lưu ý đến sự phù hợp giữa chuyên môn đào tạo với yêu cầu thực tế của công việc.

Thứ ba: Kỹ năng nghề nghiệp

Đây là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng của công chức, phản ánh tính chuyên nghiệp của công chức trong thực thi công vụ. Công chức cần có những kỹ năng quản lý tương ứng với nhiệm vụ được giao để thể hiện vai trò, nhiệm vụ của công chức. Có thể chia thành ba nhóm kỹ năng chính:

Nhóm 1: Kỹ năng kỹ thuật, liên quan đến khả năng nắm vững các phương pháp sử dụng các phương tiện, công cụ cũng như kiến thức về một lĩnh vực cụ thể nào đó.

Nhóm 2: Các kỹ năng quan hệ, liên quan đến khả năng giao tiếp, phối hợp, chia sẻ và động viên, thu hút người khác với tư cách cá nhân hoặc nhóm.

Nhóm 3: Kỹ năng tổng hợp, tư duy chiến lược. Công chức có khả năng tổng hợp và tư duy trong công việc một cách linh hoạt để vận dụng vào thực tiễn. Điều này liên quan đến khả năng nhìn nhận tổ chức như một thể thống nhất và sự phát triển của các lĩnh vực, hiểu được mối liên hệ phụ thuộc giữa các bộ phận bên trong của tổ chức, lĩnh vực, dự đoán được những thay đổi trong bộ phận này sẽ ảnh hưởng tới bộ phận, lĩnh vực khác ra sao.

Với các nhóm kỹ năng trên đều cần tới các khả năng cá nhân tương ứng với từng vị trí công tác như: khả năng tự nhìn nhận đánh giá, khả năng quản lý, kiềm chế mọi sự căng thẳng (mà chủ yếu là khả năng tổ chức công việc một cách có kế hoạch), khả năng giải quyết vấn đề một cách tự tin và sáng tạo... Yêu cầu thực tiễn hoạt động hải quan đòi hỏi tất cả đội ngũ công chức đều cần phải có đủ những kỹ năng trên, trong khi đó số công chức có được các kỹ năng này hiện nay không phải là nhiều.

Thứ tư: Kinh nghiệm công tác

Kinh nghiệm công tác là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng công chức. Kinh nghiệm là những vốn kiến thức thực tế mà công chức tích luỹ được trong thực tiễn công tác. Kinh nghiệm là kết quả được hình thành trong hoạt động thực tiễn. Chính kinh nghiệm đã góp phần vào việc hình thành năng lực thực tiễn của công chức và làm tăng hiệu quả công vụ mà công chức đảm nhận. Kinh nghiệm phụ thuộc vào thời gian công tác của công chức nói chung và thời gian công tác ở một công việc cụ thể nào đó nói riêng của công chức. Tuy nhiên, giữa kinh nghiệm công tác và thâm niên công tác không phải hoàn toàn tuân theo quan hệ tỷ lệ thuận. Thời gian công tác chỉ là điều kiện cần cho tích luỹ kinh nghiệm nhưng chưa phải là điều kiện đủ. Điều kiện đủ để hình thành kinh nghiệm công tác của công chức phụ thuộc vào chính khả năng, nhận thức, phân tích, tích luỹ và tổng hợp của từng công chức.

Thứ năm: Trạng thái sức khoẻ, thể chất

Sức khoẻ của công chức được xem là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng công chức. Vì sức khoẻ được hiểu là trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không đơn thuần chỉ là không có bệnh tật. Sức khoẻ là tổng hoà nhiều yếu tố được tạo bởi bên trong và bên ngoài, thể chất và tinh thần. Bộ Y tế

nước ta quy định 03 trạng thái là: Loại A: Thể lực tốt, không có bệnh tật; Loại B: trung bình; Loại C: Yếu, không có khả năng lao động.

Tiêu chi sức khoẻ đối với công chức không những là một tiêu chí chung, cần thiết cho tất cả cán bộ, công chức nhà nước mà còn tuỳ thuộc vào những hoạt động đặc thù của từng loại công chức để có thêm những yêu cầu tiêu chuẩn riêng về sức khoẻ. Vì vậy, việc xây dựng tiêu chí phản ánh về sức khoẻ của công chức cần xuất phát từ yêu cầu cụ thể đối với hoạt động có tính đặc thù của từng loại công chức.

Do điều kiện công tác, công chức hải quan thường làm việc ở các cửa khẩu biên giới, bến cảng, nhà ga, kho hàng ở nhiều địa điểm khác nhau xa cách trung tâm thành phố, phải đi lại, di chuyển nhiều trên không gian rộng. Hơn nữa, do tính chất công việc không trải đều về thời gian mà tập trung theo đợt, theo chuyến, cường độ làm việc cao, áp lực lớn. Vì vậy, đòi hỏi công chức hải quan phải có sức khoẻ, nền tảng thể chất và tinh thần tốt.

Yêu cầu sức khoẻ không chỉ là một quy định bắt buộc khi tuyển chọn công chức hải quan mà còn phải là yêu cầu được duy trì trong suốt quá trình công tác của công chức cho đến khi về hưu.

Thứ sáu: Hiệu quả, hiệu suất công tác

Đây là nhóm tiêu chí đánh giá năng lực thực thi nhiệm vụ của công chức, phản ánh mức độ và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của công chức, thể hiện mức độ đảm nhận chức trách, nhiệm vụ của công chức. Để đánh giá công chức hải quan theo tiêu chí này cần dựa vào kết quả thực hiện công việc qua từng quý, từng năm. Đánh giá thực hiện công việc là phương pháp, nội dung của quản trị nguồn nhân lực trong các tổ chức, cơ quan. Đánh giá thực hiện công việc, thực chất là xem xét, so sánh giữa thực hiện nhiệm vụ cụ thể của công chức với những tiêu chuẩn đã được xác định trong bản mô tả công việc và bản tiêu chuẩn đánh giá hoàn thành công việc.

Kết quả đánh giá thực hiện công việc cho phép phân tích và đánh giá về chất lượng công chức thực tế. Nếu như công chức liên tục không hoàn thành nhiệm vụ được giao, hiệu quả, hiệu suất công tác thấp, thì có nghĩa là công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong trường hợp này, có thể kết luận chất lượng công

chức thấp, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao ngay cả khi công chức có trình độ chuyên môn cao hơn yêu cầu của công việc.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ kinh tế: Nâng cao chất lượng công chức của Cục Hải quan Cao Bằng (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w