5. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
1.4.1. Tác động tích cực
Về phân tích cán cân vãng lai, có thể thấy ngay là kiều hối đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm sự thiếu hụt cán cân vãng lai. Cụ thể trong nhiều năm liền Việt Nam là một quốc gia nhập siêu, tính riêng năm 2010, Việt Nam nhập siêu khoảng 12,3 tỷ USD, nguồn kiều hối nhận được trong năm 2010 là 8 tỷ USD, đã bù đắp được khoảng 67% thâm hụt cán cân thương mại. Với trên 9 tỷ USD thu hút được năm 2011 thì sức ép về sự thiếu hụt cán cân vãng lai và nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế cũng được giảm thiểu rất nhiều. Số ngoại tệ này cũng được kỳ vọng sẽ trợ giúp cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Kiều hối góp phần thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Kiều hối cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn với vai trò là nguồn cung cấp ngoại tệ cho nền kinh tế, tạo ra một nguồn lực tài chính cho đất nước, làm tăng sức đề kháng của Việt Nam trước những chuyến biến phức tạp của nền kinh tế Thế giới. Đây là một nguồn lực tài chính được huy động trong dân cư – nội lực tài chính của quốc gia - mang tính ổn định hơn những nguồn ngoại tệ khác như vốn vay, tiền viện trợ…giúp quốc gia giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài.
Kiều hối là nguồn thu ngoại tệ ổn định, không hoàn lại và đặc biệt kiều hối tạo ra nguồn vốn cho sự phát triển kinh tế, không tạo gánh nặng nợ nước ngoài cho nền kinh tế. Kiều hối giúp Việt Nam hạn chế được rủi ro huy động vốn và giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài. Việt Nam được coi là nơi đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, số vốn mà các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện trong năm 2009 là 10 tỷ USD và trong năm 2010 là 11 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có những tiêu cực như gây ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội gia tăng và vốn của tư bản nước ngoài, nếu họ không xuất khẩu thì sẽ cạnh tranh với hàng hàng hoá cùng loại sản xuất trong nước. Trong khi đó nguồn vốn kiều hối thì tránh được các mặt tiêu cực này. Còn đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cũng là nguồn vốn quan trọng, nhưng 90% là vốn vay. Trong năm 2010, số vốn ODA giải ngân ở Việt Nam là 3,5 tỷ USD nhưng có tới 3,2 tỷ (91,4%) là vốn vay, nếu sử dụng không tốt sẽ tạo ra gánh nặng nợ nần cho các thế hệ sau. Trong khi đó, nguồn vốn kiều hối không phải trả nợ cho ai cả.
Hiện nay, xuất khẩu đang là lĩnh vực tạo ra nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Tuy nhiên, xuất khẩu hoặc du lịch phải đầu tư nhiều mới có được những khoản ngoại tệ nói trên trong khi đó thì nguồn thu kiều hối không phải đầu tư, hoặc nếu có thì không đáng kể so với giá trị mà nó mang lại.
Quan trọng hơn cả, trên phương diện thực tế, kiều hối trực tiếp giúp nhiều gia đình nghèo có phương tiện sinh sống và vốn làm ăn đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Kiều hối đóng góp cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người lao động. Nguồn vốn này chạy thẳng vào lực lượng dân cư, do đó có tính thúc đẩy đầu tư tư nhân cao, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập cho các chủ thể nhận kiều hối và các chủ thể được hưởng lợi từ nguồn đầu tư kiều hối.