Sự ổn định chính trị có sức hút quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đây là yếu tố quyết định nhằm giảm thiểu những rủi ro kinh tế chính trị của vốn FDI vượt khỏi sự kiểm soát của chủ đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Những bất ổn định kinh tế chính trị không chỉ làm cho dòng vốn này bị chững lại, thu hẹp, mà còn làm cho dòng vốn từ trong nước chảy ngược ra ngoài, tìm đến những nơi "trú ẩn" mới an toàn và hấp dẫn hơn.
Điều kiện này không chỉ bao gồm các yêu cầu về duy trì sự ổn định phát triển kinh tế và trật tự xã hội cần thiết cho sự vận hành bình thường của đất nước, sự hoàn chỉnh hữu hiệu và tính có thể dự báo được của hệ thống pháp luật đầu tư theo xu hướng ngày càng tiếp cận tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, mà còn phải duy trì được dư luận và tâm lý xã hội chung thuận lợi và ủng hộ các nhà ĐTNN. Bất kỳ sự bất ổn định chính trị nào, các xung đột khu vực, nội chiến hay sự hoài nghi, tẩy
chay, thiếu thiện cảm và "gây khó dễ" của giới lãnh đạo và nhân dân đối với vốn ĐTNN, đều là những nhân tố nhạy cảm tác động tiêu cực đến tâm lý và hành động thực tế của các chủ ĐTNN, cũng như làm chậm lại các cải cách chính sách cần thiết đối với việc thu hút FDI của nước chủ nhà.
Các yếu tố thể chế, luật pháp có thể uy hiếp đến khả năng tồn tại và phát triển của bất cứ một thực thể nào. Khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh trên một địa bàn nào, nhà đầu tư buộc phải tuân theo các yếu tố thể chế luật pháp tại địa bàn đó. Luật pháp và các rào cản thâm nhập thị trường của nước sở tại ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động kinh doanh quốc tế nói chung và đầu tư trực tiếp nói riêng. Môi trường luật pháp quy định lĩnh vực, hình thức đầu tư, thời hạn dự án. Nó đòi hỏi các chủ đầu tư bắt buộc phải tiến hành các dự án của mình theo đúng các quy định. Môi trường luật pháp phù hợp với các chính sách thông thoáng, minh bạch sẽ tạo điều kiện và khuyến khích các dòng vốn hướng vào các lĩnh vực được ưu tiên gọi đầu tư.
+ Sự bình ổn của thể chế luật pháp. Thể chế nào có tình hình chính trị, ngoại giao bình ổn cao sẽ có thể tạo điều kiện tốt cho hoạt động kinh doanh và ngược lại các thể chế không ổn định, xảy ra xung đột sẽ tác động xấu tới hoạt động đầu tư, kinh doanh trên lãnh thổ của nó.
+ Các đạo luật liên quan: Luật đầu tư, luật doanh nghiệp, luật lao động, luật chống độc quyền, luật cạnh tranh, luật chống bán phá giá ...
+ Chính sách: Các chính sách của nhà nước (như: chính sách thương mại, chính sách phát triển ngành, phát triển kinh tế, thuế, các chính sách điều tiết cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng...) sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, thể hiện qua khả năng tạo ra lợi nhuận hoặc thách thức đối với doanh nghiệp.
Chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu, các thuế tiêu thụ, thuế thu nhập... sẽ ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.
+Các thủ tục hành chính không rườm rà, phiền phức gây tốn kém về thời gian và chi phí, làm mất cơ hội đầu tư.