Vị thế trung tâm kinh tế của Hà Nội đã được thiết lập từ rất lâu trong lịch sử. Cùng với TP. HCM, Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế của cả quốc gia. Năm 2007, GDP của Thành phố là 137.935 tỷ VNĐ, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 12,1%, trong đó, khu vực trong nước là 112.686 tỷ VNĐ và khu vực FDI là 23.150 tỷ VNĐ; GDP bình quân đầu người là 22,4 triệu VNĐ. Năm 2010, GDP của Hà Nội là 246.732 tỷ VNĐ, trong đó, khu vực trong nước là 202.560 tỷ VNĐ và khu vực nước ngoài là 40.385 tỷ VNĐ; GDP bình quân đầu người đạt 37,3 triệu VNĐ so với mức trung bình của cả Việt Nam là 13,4 triệu VNĐ, tức cao gấp gần 2,5 lần. Năm 2010, GDP của thành phố tăng 11,04%, tổng thu ngân sách là 100.000 tỷ đồng.
Là thành phố lớn thứ 17 trên thế giới (gấp 4,5 về diện tích và 1,5 về dân số nước Singapo, bằng 1/10 diện tích và 1/4 dân số Đài Loan), Hà Nội ước chiếm khoảng 1% diện tích và 7,6% dân số cả nước. Tính theo giá so sánh năm 1994, thì Hà Nội ước chiếm 12,73% GDP cả nước (bằng khoảng 1/2 GDP của TP.HCM và cao gấp 3 lần của Hải Phòng và gấp hơn 7 lần của Đà Nẵng); chiếm 10% tổng thu NSNN cả nước (bằng hơn ½ TP.HCM và cao gấp 3 Hải Phòng, gấp 7 lần Đà Nẵng); chiếm 13,2% GTSX công nghiệp cả nước (bằng ½ TP.HCM, gấp gần 3 lần Hải Phòng và hơn 8 lần Đà Nẵng); chiếm khoảng 20% tổng đầu tư xã hội cả nước (cao hơn xấp xỉ mức của TP.HCM, gấp hơn 5 lần Hải Phòng và 9 lần Đà Nẵng); Hà Nội hiện là trung tâm bán buôn của khu vực phía Bắc với tỷ trọng bán buôn chiếm tới 77% trị giá trong tổng số bán ra và chiếm khoảng 13% tổng mức bán lẻ cả nước (bằng ½ của TP.HCM, cao gấp hơn 3 lần Hải Phòng và 7 lần Đà Nẵng); chiếm 11,1% tổng kim ngạch xuất khẩu trên cả nước, bằng 1/3 của TP.HCM, cao gấp 4 lần Hải Phòng và khoảng 13 lần Đà Nẵng); Tuy GTSX Nông-lâm-thủy sản chỉ chiếm khoảng 0,2% cả nước, nhưng lại cao gấp đôi của Tp.HCM, cũng như của Hải Phòng, gấp 13 lần của Đà Nẵng).
Biểu đồ 2.1: Kinh tế Hà Nội (so sánh với các Thành phố lớn khác)
(Nguồn: Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội)
2.1.4. Cơ sở hạ tầng
Nằm bên cạnh sông Hồng, giao thông từ Hà Nội đến các tỉnh khác của Việt Nam tương đối thuận tiện, bao gồm cả đường không, đường bộ, đường thủy và đường sắt.
+Đường hàng không. Ngoài sân bay quốc tế Nội Bài cách trung tâm khoảng 35 km, thành phố còn có sân bay Gia Lâm ở phía Đông, thuộc quận Long Biên. Từng là sân bay chính của Hà Nội những năm 1970, hiện sân bay Gia Lâm chỉ phục vụ cho các chuyến bay dịch vụ của trực thăng, gồm cả dịch vụ du lịch, đến năm 2012 sẽ khai thác bay dân dụng tuyến nội địa.
+Đường sắt. Hà Nội là đầu mối giao thông của năm tuyến đường sắt trong nước và một tuyến liên vận sang Bắc Kinh, Trung Quốc, đi nhiều nước châu Âu.
+Đường bộ. Với các bến xe Gia Lâm, Lương Yên, Phía Nam, Nước Ngầm, Mỹ Đình là những điểm đón khách liên tỉnh, hệ thống đường bộ gồm quốc lộ 1A: xuyên Bắc – Nam, quốc lộ 2: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, quốc lộ 3: Thái Nguyên, Cao Bằng, quốc lộ 5A: Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương,
Quảng Ninh, quốc lộ 6: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, quốc lộ 32: Phú Thọ...
+Đường thủy. Hà Nội cũng là đầu mối giao thông quan trọng với bến Phà Đen đi Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Việt Trì và bến Hàm Tử Quan đi Phả Lại.
2.1.5. Văn hóa-xã hội
Với lịch sử lâu đời 1.000 năm tuổi, truyền thống văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, Thủ đô Hà Nội thực sự là một trung tâm văn hóa, giáo dục lớn của Việt Nam với các nhà hát, bảo tàng, các làng nghề truyền thống, những cơ quan truyền thông cấp quốc gia và các trường đại học lớn. Phần lớn các chuyên gia đầu ngành đang công tác, nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở Thủ đô. Là trung tâm giáo dục lớn nhất Việt Nam, năm 2010, Hà Nội có 677 trường tiểu học, 581 trường trung học cơ sở và 186 trường trung học phổ thông với 27.552 lớp học, 982.579 học sinh. Hà Nội xứng đáng là cái nôi rèn luyện và tạo dựng các thế hệ trí thức của thời đại mới. Đặc biệt, Thành phố đang chiếm hơn 70% cán bộ khoa học đầu ngành và hơn 50% cán bộ khoa học có trình độ sau đại học của cả nước./.
2.2.Thực trạng môi trường thu hút FDI ở thành phố Hà Nội
Để đẩy mạnh CNH, HĐH Thủ đô, Hà Nội không chỉ cần vốn mà cả công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý hiện đại và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Các yếu tố cần thiết này sẽ được đáp ứng nhanh hơn thông qua thu hút FDI. Vì lẽ đó, Hà Nội xác định, khu vực FDI là bộ phận khăng khít của chính sách phát triển kinh tế đối ngoại và chiến lược phát triển kinh tế xã hội, sẽ tồn tại và phát triển lâu dài trong cơ cấu kinh tế Thủ đô. Như vậy, được xem là một trong những công cụ thiết yếu thực hiện nhiệm vụ quan trọng của Thủ đô, FDI nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả chính phủ, các cấp quản lý thành phố và cả nhiều giới chức khác như các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp...