3.1. Định hướng hoàn thiện môi trường thu hút FDI
3.1.1. Bối cảnh khu vực và quốc tế có ảnh hưởng đến hoàn thiện môi trường thu hút FDI môi trường thu hút FDI
Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh kinh tế suy thoái cả trên phạm vi thế giới lẫn khuôn khổ quốc gia hiện nay, việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư để tiếp tục thu hút FDI luôn được đặt ra trên các bàn nghị sự. Bên cạnh những nhận định chính thức của chính phủ về những nguyên nhân cơ bản, cố hữu cũng như về một số vấn đề bộc lộ rõ trong thời gian gần đây, những phản hồi từ các cơ quan chức năng, viện nghiên cứu, chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp,… đều cho thấy rõ các nguyên nhân làm suy giảm tính hấp dẫn của môi trường thu hút đầu tư, dẫn đến sự tụt giảm đáng kể lượng FDI trong thời gian gần đây.
Thứ nhất, chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp và thiếu bền vững là một trở
ngại lớn đối với môi trường đầu tư. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2001 – 2010 là 7,25%. Trong đó, tăng trưởng trung bình giai đoạn 2001 – 2005 là 7,51% và giai đoạn 2006 – 2010 lại bị tụt lùi, còn 7%. Chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp còn thể hiện ở tính hiệu quả kinh tế thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. Với mức tăng 5,13% trong giai đoạn 2001- 2010, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam là thấp so với các nước trong khu vực khi Trung Quốc gấp trên 2 lần so với Việt Nam; Thái Lan gấp 4,5 lần; Malaysia gấp 12 lần và Hàn Quốc gấp 23,5 lần. Bên cạnh đó là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp và hầu như không được cải thiện từ năm 2001 đến nay. Năm 2009, Việt Nam bị tụt 5 hạng so với năm 2008, trong khi các nước trong khu vực lại cải thiện được vị thế cạnh tranh của mình trong bảng xếp hạng. Chất lượng tăng trưởng thấp còn thể hiện ở sự tăng nhanh chỉ số lạm phát so với mức tăng trưởng. Trong vòng 5 năm, tính cộng dồn đơn giản, lạm phát đã tăng gần 60% trong khi
tổng tăng trưởng GDP chỉ đạt 35,1%. Tính không bền vững của tăng trưởng kinh tế còn được các chuyên gia chứng minh qua những vấn đề xã hội bức xúc: lao động – việc làm, xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội, môi trường (theo tính toán của các chuyên gia, thiệt hại môi trường do các hoạt động kinh tế gây ra chiếm khoảng 5,5% GDP hàng năm). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức về thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Thứ hai, chính sách ưu tiên phát triển CNHT nhằm hiện thực hóa chủ trương
nội địa hóa, đã được đề ra từ khá lâu, nhưng việc triển khai thực hiện rất chậm, thiếu chủ động. CNHT Việt Nam còn thiên về những ngành sử dụng nhiều lao động, gia công, lắp ráp là chủ yếu mà chưa tập trung vào những ngành công nghệ cao. Sự yếu kém của ngành này được coi là một trong những nguyên nhân làm giảm sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam. Thêm nữa, sự lấn sân nhau giữa các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, phụ tùng, chi tiết và doanh nghiệp lắp ráp, hoàn thiện vô hình dung đã biến họ thành đối thủ cạnh tranh của nhau. Hiện tượng này càng làm tăng tỷ lệ sản phẩm gia công, tăng sự phụ thuộc vào nước ngoài, thay vì tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm dần sự phụ thuộc vào các công ty mẹ. Nhiều chuyên gia cùng đồng tình với quan điểm: đã đến lúc cần thay đổi cách chấp nhận hiện trạng này như một bước đi cần thiết để giúp lao động nông nghiệp làm quen với lĩnh vực công nghiệp, cũng như giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ ba, không chỉ bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của nền kinh tế thế giới,
môi trường đầu tư ở Việt Nam đang mất dần tính hấp dẫn là còn do sự bất ổn của nền kinh tế dẫn đến những khó khăn ngày càng tăng trong đời sống của cư dân, đặc biệt là của người lao động hưởng lương trong các doanh nghiệp. Tiền lương quá thấp (chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tối thiểu của công nhân trong các doanh nghiệp FDI), trong khi lạm phát tăng cao, khiến đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này đã dẫn đến hệ lụy là các cuộc đình công liên tiếp xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số doanh nghiệp FDI vi phạm Luật Lao động, vi phạm các cam kết, thoả thuận,
xâm hại quyền lợi của người lao động, còn tương đối nhiều. Từ tháng 1/1995 đến hết tháng 9/2008 đã xẩy ra hơn 2600 cuộc đình công tập thể người lao động; trong đó, số vụ trong các doanh nghiệp có vốn FDI chiếm tới 72,4%. Riêng năm 2009 cả nước xảy ra 219 vụ đình công, năm 2010 có 424 vụ (trong đó doanh nghiệp FDI chiếm tới 90% với 339 vụ). Năm 2011, tính đến hết quý I số vụ đình công đã lên tới 220 vụ, bằng hơn một nửa so với cả năm 2010. Số vụ đình công tăng mạnh đã và đang ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
Thứ tư, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến trên nhiều
lĩnh vực, làm cho môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, dẫn đến những vụ khiếu kiện gây thiệt hại cả về kinh tế lẫn uy tín quốc gia.
Thứ năm, tỷ trọng lao động nông nghiệp cao trong tổng số lao động, chuyển
dịch lao động chậm, tỷ lệ thiếu việc làm còn lớn, lao động chưa qua đào tạo nhiều, tỷ lệ nghèo cao dẫn đến dung lượng thị trường nhỏ, tâm lý tiểu nông còn nặng nề… là những yếu tố gây trở ngại cho quyết định của nhà đầu tư.
Trước những bất cập đó, Việt Nam đã đề ra quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Với khoảng 300 tỷ USD cho đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015, Việt Nam sẽ dành ưu tiên hàng đầu cho cải thiện môi trường thu hút đầu tư kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo lập đồng bộ và phát triển các loại thị trường (tài chính, hàng hóa, dịch vụ, lao động, khoa học và công nghệ) theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư, phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước.