Giải pháp về tổ chức quản lý

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch cuối tuần tỉnh Bình Dương (Trang 88 - 92)

7. Bố cục của luận văn

3.2.1. Giải pháp về tổ chức quản lý

Công tác tổ chức quản lý du lịch của Bình Dương hiện nay đang được thực hiện một cách bài bản, được thực hiện một cách nghiêm túc và từng bước đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đưa du lịch Bình Dương phát triển ngày càng mạnh mẽ, cần thực hiện những biện pháp hiện thực hóa những chủ trương, đường lối của Nhà nước và UBND tỉnh, từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về du lịch gắn liền với thực tiễn hoạt động du lịch và kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với biến động của thực tiễn.

Xin được đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

- Về công tác Quy hoạch đầu tư phát triển: quy hoạch phát triển các khu điểm du lịch, các dự án kêu gọi đầu tư phải bám sát những định hướng chiến lược lớn của tỉnh. Các dự án đầu tư hạ tầng du lịch cần bám sát định hướng của Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương, nhằm hướng các hoạt động đầu tư, phát triển theo đúng định hướng chung. Quy hoạch hệ thống sản phẩm dịch vụ du lịch và phát triển sản phẩm du lịch gắn với thế mạnh của tỉnh trên cơ sở khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.

- Về quản lý: Tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động du lịch để đưa ra giải pháp kịp thời, hợp lý cho từng không gian du lịch, tuyến du lịch cụ thể. Tăng cường quản lý quy hoạch, giám sát công tác tổ chức thực hiện để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn và kịp thời xử lý các vi phạm. Hạn chế tối đa những dự án đầu tư xây dựng một phần thì phải dừng lại do thiếu vốn hoặc do không thể tiến hành công tác giải phóng mặt bằng và hướng tới mục tiêu 100% các dự án đầu tư đều được đưa vào khai thác sử dụng đúng mục đích, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động du lịch và tăng cường thu hút đầu tư du lịch.

Nâng cao vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh và có các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với các

87

tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch vi phạm, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội và tăng thêm niềm tin đối với người dân về công tác quản lý nhà nước cũng như có tính răn đe với các trường hợp tương tự. Môi trường xã hội của Bình Dương tương đối phức tạp, người lao động từ khắp nơi đến Bình Dương làm việc, nhiều dịch vụ kinh doanh du lịch như quán bar, karaoke, nhà nghỉ,… thường gắn liền với nhiều tệ nạn xã hội, chính vì thế công tác thanh tra, xử lý vi phạm đóng vai trò không nhỏ trong việc đưa các dịch vụ du lịch Bình Dương về đúng với mục đích phát triển.

- Về bảo vệ môi trường, cảnh quan, di tích: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước, giám sát việc tổ chức, khai thác các công trình xây dựng tại các khu, điểm có tiềm năng du lịch, đặc biệt khu vực có các di tích, di sản văn hóa. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và môi trường, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự. Kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép và triển khai thực hiện đầu tư các công trình xây dựng tạo các khu, điểm du lịch. Kiên quyết xử lý các công trình vi phạm các quy định về quản lý xây dựng hay trái với quy hoạch phát triển du lịch và đô thị của địa phương.

Tăng cường công tác trồng và chăm sóc cây xanh tại các khu vực công viên và các khu vực công cộng.

Cần có biện pháp bảo tồn tài nguyên du lịch thông qua việc khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch và chỉ rõ cho họ lợi ích từ việc tham gia vào hoạt động này thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền, giáo dục ý thức. Bên cạnh đó, cần phải cho họ lợi ích cụ thể chứ không phải chỉ là lợi ích trên lý thuyết để họ gắn bó với hoạt động du lịch và từng bước hướng tới đóng góp vào du lịch một cách tự giác. Cụ thể là đối với các chương trình du lịch gắn với yếu tố cộng đồng như du lịch sinh thái vườn, du lịch làng nghề, cần có văn bản quy định lợi ích cụ thể của các hộ gia đình tham gia vào chương trình và có sự hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình để họ có điều kiện đầu tư những trang thiết bị cần thiết để phục vụ khách tốt hơn. Để có thể thực hiện tốt công việc này, Sở Văn hóa, Thể thao và

88

Du lịch cần học tập cách làm của Tiền Giang, đó là thu hút sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế về du lịch cộng đồng và du lịch bền vững.

- Về đẩy mạnh liên kết, đa dạng hóa sản phẩm du lịch: Xây dựng kế hoạch, chiến lược xúc tiến cho từng giai đoạn theo mục tiêu phát triển chung nhất, đẩy mạnh việc đưa sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh ra thị trường. Đa dạng hóa sản phẩm thông qua việc đầu tư xây dựng các chương trình du lịch chuyên đề, chương trình du lịch kết hợp theo các tuyến du lịch chủ đạo của tỉnh. Hiện tại Bình Dương có thể phát triển các chương trình du lịch chuyên đề như du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch thăm nhà cổ,… và các chương trình du lịch kết hợp theo quốc lộ 13 liên kết Bình Dương với thành phố Hồ Chí Minh, theo tỉnh lộ 744 liên kết Bình Dương với Tây Ninh, tỉnh lộ 741 liên kết Bình Dương với Bình Phước, tỉnh lộ 743 liên kết Bình Dương với Đồng Nai.

Các chuyên gia kinh tế du lịch nhận định để phát triển du lịch, các địa phương cần phải liên kết, hỗ trợ nhau phát huy lợi thế, khai thác các nguồn lực một cách hợp lý. Chính vì vậy, để có được những bước đi đúng đắn trong phát triển du lịch cuối tuần trong tỉnh, Bình Dương không chỉ dựa vào tiềm lực trong tỉnh mà bỏ qua yếu tố liên kết phát triển. Việc liên kết sẽ giúp Bình Dương phát huy được lợi thế của mình và tận dụng được cơ hội đến từ các tỉnh khác cũng như làm phong phú thêm sự lựa chọn cho du khách. Trong chuyến đi nghỉ cuối tuần của du khách từ 1-2 ngày, du khách hoàn toàn có thể kết hợp giữa việc tham quan địa đạo Củ Chi với thăm Bình Dương hoặc đi thăm Bình Dương kết hợp với đi thăm núi Bà Đen (Tây Ninh), thăm Bình Dương kết hợp với đi cắm trại tại khu du lịch thác Giang Điền hoặc tham quan khu du lịch Bửu Long, làng bưởi Tân Triều (Đồng Nai)…

Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình xúc tiến khai thác được thế mạnh của từng bên để tạo ra một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nhất. Ví dụ, kết hợp các điểm đến hấp dẫn như núi Bà Đen, địa đạo Củ Chi, khu du lịch Đại Nam, làng tre Phú An sẽ tạo thành một sản phẩm du lịch kết hợp được các thế mạnh của nhiều tỉnh và đảm bảo tính phong phú của điểm đến cho chương trình du lịch cuối tuần kéo dài 2 ngày.

89

Các công ty du lịch tại các tỉnh có liên kết sẽ chào bán các chương trình du lịch của nhau và các chương trình du lịch cuối tuần liên kết giữa các điểm du lịch của các tỉnh. Tại văn phòng các công ty du lịch, cần có đầy đủ thông tin tuyến điểm du lịch của các tỉnh khác trong chương trình liên kết để khơi dậy nhu cầu đi khám phá của khách.

Cần có giải pháp phân chia lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương một cách hợp lý để mỗi người dân có trách nhiệm hơn với công việc và thái độ của mình đối với hoạt động du lịch. Cụ thể là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần vận động các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh tổ chức các tour, tuyến gắn với thiên nhiên và các giá trị văn hóa địa phương, tỉnh cần có những hành động thiết thực trong việc chia sẻ lợi ích cho cộng đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng chính sách, chiến lược, quan điểm phát triển loại hình du lịch này rõ ràng như: ưu tiên sử dụng nhân sự địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch; phối hợp với các công ty lữ hành và các ban ngành liên quan tại địa phương tư vấn và hỗ trợ trang thiết bị cho một số cơ sở các điểm du lịch cộng đồng thường được du khách lựa chọn như các nhà vườn, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ... và cần có các quy định cụ thể bằng văn bản trong việc phân chia lợi ích cho những người trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, Sở cũng cần có sự đầu tư nghiên cứu để đề xuất lên UBND Tỉnh những mức phân chia lợi nhuận từ du lịch phù hợp với từng đối tượng nông dân, nghệ nhân, từng hình thức đóng góp vào hoạt động du lịch…

Phát triển du lịch cuối tuần Bình Dương là công việc cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, ban ngành địa phương, trong đó UBND tỉnh quản lý, chỉ đạo trực tiếp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua Phòng Nghiệp vụ du lịch và Trung tâm xúc tiến du lịch thực hiện công tác nghiệp vụ. Quản lý nhà nước đóng vai trò tiên phong và kết nối các doanh nghiệp cũng như người dân địa phương vào việc thúc đẩy hoạt động du lịch của tỉnh ngày càng phát triển.

90

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch cuối tuần tỉnh Bình Dương (Trang 88 - 92)