Trong thơ ca dân gian

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 20 - 23)

CHƯƠNG 1: VĂN HÓA LÀNG QUÊ VÀ SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN DUY- ĐỒNG ĐỨC BỐN - PHẠM CÔNG TRỨ

1.2. Sự thể hiện của văn hóa làng quê trong nền thơ ca dân tộc

1.2.1. Trong thơ ca dân gian

Thơ ca dân gian là điệu tâm hồn của người dân đất Việt; là sự biểu hiện toàn vẹn, sâu sắc không gian địa - văn hóa làng quê Việt Nam. Thơ ca dân gian mang đến cho ta cảm nhận về cái đẹp trong cuộc sống, trong thiên nhiên và trong quan hệ ứng xử.

Trong ca dao, dân ca, văn hóa làng quê được thể hiện sinh động ở nhiều phương diện khác nhau. Ca dao tồn tại dưới dạng văn vần, khúc ngâm, là khuôn thước cho lối thơ trữ tình (tách khỏi điệu hát thì ca dao cũng là thơ). Ca dao khác với tục ngữ: ca dao thiên về khía cạnh tình cảm, tục ngữ thiên về lý trí, kinh nghiệm. Đời sống tình cảm của nhân dân ta biểu hiện rất dồi dào, thắm thiết và sâu sắc trong ca dao.

Mỗi chúng ta đều sinh ra từ chiếc nôi gia đình lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, sự đùm bọc nâng niu của anh chị em ruột thịt. Mái ấm gia đình ấy, dẫu có đơn sơ đến đâu đi nữa vẫn là nơi đi về, lắng hồn ta những lúc vui buồn, khi mưa nắng.

Có lẽ thế, nên tình cảm gia đình như một mạch nguồn chảy xuyên suốt, mạnh mẽ trong ca dao, dân ca. Tất cả những lời ca ấy khi bé ta đều được nghe qua lời ru của bà, của mẹ để rồi lớn khôn lên được tìm hiểu nó, ta thêm cảm nhận thấm thía hơn:

Ơn cha nặng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang

Có lẽ bao giờ cũng vậy, trong tình cảm gia đình, khơi nguồn sâu sắc nhất luôn là tình cảm của người con đối với cha mẹ và ngược lại, rất tự nhiên như hơi thở của cuộc sống vậy. Nơi ấy có cha mẹ là có tình yêu thương đằm thắm, ngọt ngào.

Không những khuyên con người ta biết ơn mẹ cha, ca dao dân ca còn hướng mỗi trái tim chúng ta về với cội nguồn, tổ tiên - một đạo lí truyền thống vô cùng đẹp đẽ của dân tộc:

Con người có tổ có tông Như cây có cội như sông có nguồn

Trong tâm hồn người dân Việt Nam không chỉ lắng sâu những khúc ca về đạo lí biết ơn mẹ cha, tổ tông, mà còn là tiếng nói từ trái tim về tình cảm anh em ruột thịt:

Anh em như thể chân tay Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần

Cũng như tình cảm cha mẹ con cái, tình cảm anh em với mỗi người thật sâu nặng và có ý nghĩa lớn lao. Chỗ dựa, nơi giúp ta khi vấp ngã, khổ đau ấy chính là anh em.

Còn gì quí giá và hạnh phúc bằng ta có những người anh em biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Tình cảm vợ chồng có lẽ là nội dung được nhắc nhiều trong ca dao. Nó biểu hiện nét đẹp trong quan hệ ứng xử của con người.

Chồng em áo rách em thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người

Câu ca đẹp ở cái nghĩa tình thủy chung son sắt của người vợ - một nét đẹp trong phẩm hạnh của người phụ nữ Việt.

Nếu tình cảm gia đình là cảm hứng khơi nguồn trong tâm hồn mỗi con người thì tình cảm bạn bè, nghĩa tình gắn bó với công việc, những vật thân thuộc là sự phát triển tiếp, sâu sắc thêm những gì đẹp đẽ trong đời sống tình cảm của người dân quê.

Sự gắn bó tình người phải chăng chính là một trong những yếu tố tạo nên sức sống của người Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Ra đi vừa gặp bạn hiền Cũng bằng ăn quả đào tiên trên trời

Đây là câu hát mừng trong những cuộc hát lễ hội được diễn tả như gặp một điều cao quí thiêng liêng, một niềm vui lớn. Nó thường là câu hát ở chặng mở đầu, làm quen trong các cuộc hát đối đáp xưa. Lời ca cho ta thấy cái gốc là tình cảm chân thực, niềm khát khao có bạn, quí trọng tình bạn đã làm nên niềm vui sướng đến bất ngờ của nhân vật trữ tình. Mang hình thức trò chuyện, lời trò chuyện thể hiện tình cảm gắn bó làng trên xóm dưới, nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống sinh hoạt cộng đồng.

Không chỉ gắn với người nhà, anh em, làng xóm, người Việt Nam vốn nhân ái bao dung ngay cả với những vật tưởng như tầm thường nhất.:

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta Cấy cày vốn nghiệp nông gia Ta đây trâu đấy ai mà quản công

Lời ca cho thấy tình cảm gắn bó, thương quí của người nông dân với con trâu - một người bạn thân thiết của nhà nông. Bài ca mang đậm chất giọng tâm tình, cảm thông càng làm sáng lên nét đẹp trong nhân cách người dân quê Việt Nam.

Tình yêu quê hương đất nước là một đề tài lớn trong ca dao. Đó là những tình cảm chân thành, tự nhiên mà sâu sắc nồng nàn: sự gắn bó với quê hương, với nghề nông, lòng yêu mến tự hào về cảnh đẹp, về cuộc sống thanh bình, về núi sông với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương Nhớ ai dãi nắng dầm sương Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

Bài ca là lời bộc bạch nhẹ nhàng, đằm thắm nỗi nhớ của chàng trai. Nỗi nhớ làm nền tâm trạng, để trên nền tâm trạng ấy hình ảnh quê hương hiện lên thật gần gũi và sinh động qua những món ăn dân dã, đơn sơ, bình dị cùng những con người vất vả biết đùm bọc yêu thương thật đậm đà khó quên! Trong tâm hồn người xa xứ, thấm đượm hồn quê giản dị, dư vị quê hương thật đậm đà, sâu sắc.

Cũng biểu hiện tình yêu quê, ở bài ca dao sau lại là niềm tự hào đầy yêu mến của nhân vật trữ tình về phong cảnh, con người làng quê của mình:

Làng ta phong cảnh hữu tình Dân cư đông đúc như hình con long

Nhờ giời hạ kế sang đông Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi

Cái nhìn, cái tình của người nông dân với nơi sinh sống của mình tuy đơn sơ, chất phác nhưng giàu tình nghĩa và chân thành. Đặc biệt trong đó tình làng hòa lẫn tình người, tình yêu lao động bởi thế nên sâu đằm vô cùng.

Ca dao luôn là tiếng nói tâm tình, là sản phẩm tinh thần ra đời trong cuộc sống lao động sản xuất và chiến đấu của người xưa. Nó như một bức tranh vừa khái quát vừa cụ thể, về cảnh vật, phong tục, sinh hoạt, quan hệ gia đình xã hội của dân tộc Việt Nam. Có thể thấy trong ca dao, dân ca, văn hóa làng quê được thể hiện thật nhiều chiều “lời ca dao mộc mạc nhưng thấm thía và sâu sắc mang theo cả những nỗi niềm tâm sự, những ước mơ thầm kín, những tiếng hát ngợi ca chân tình. Và trong cuộc sống hôm nay, những cái gì đẹp nhất, cao quý và tinh anh của đất nước cũng trở thành lời ca tiếng hát trong tâm hồn dân tộc”[26;282].

Cùng với ca dao, dân ca những câu tục ngữ, thành ngữ ngắn gọn mà súc tích cũng là tấm gương phản ánh lời nói hàng ngày mọi biểu hiện của đời sống cộng đồng dân tộc và quan niệm của nhân dân lao động về đạo đức và các hiện tượng xã hội. Đó là những bài học của phong cách ứng xử đẹp đẽ, phù hợp với đạo lí truyền thống và

cũng phù hợp với sự phát triển của xã hội. Họ truyền cho nhau những kinh nghiệm lâu đời có tính tập thể, quí báu rút ra trong quá trình quan sát và cải tạo thiên nhiên để có được mùa màng bội thu, làm ấm lên nghĩa tình làng xóm: “Trồng khoai trên ruộng lạ/

gieo mạ ở ruộng quen”. Họ truyền cho con cháu những tư tưởng và đạo đức của nhân dân lao động ứng xử với nhau trong cuộc sống như: răn dạy con cháu hãy giữ cho mình những phẩm giá phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức tốt đẹp của cha ông “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “chết trong còn hơn sống đục”, hãy sống cho đúng với lương tâm mình cả với người trong gia đình, người ngoài xã hội. Với người trong một nhà thì phải biết “Chị ngã em nâng”, “Anh em như thể chân tay”, “máu chảy ruột mềm”. Hiểu thật sâu sắc giá trị của tinh thần tương thân tương ái, lòng cưu mang giúp nhau khi cơ nhỡ, vấp váp, ông cha ta còn khuyên nhủ: “Bán anh em xa mua láng giềng gần” phải cùng “Tối lửa tắt đèn có nhau”. Trong cuộc sống hàng ngày, người làng quê rất coi trọng tình cảm, đó là tình cảm lớn nhiều khi vượt quá tình cảm của gia đình:

Khôn ngoan đối đáp người ngoài Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau Hay:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng

Con người làng quê sống vì nghĩa với nhau, sống vì con cháu, cao hơn chính bản thân mình là đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tình cảm ấy đã gắn kết họ chặt chẽ lại với nhau để tạo nên một kết cấu quyền lực làng xã có sức mạnh vô thường: “phép vua thua lệ làng”.

Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, có ý nghĩa hàm súc, do nhân dân sáng tạo ra và lưu truyền từ đời này sang đời khác, nó biểu đạt những kinh nghiệm, những lý tưởng bằng hình thức nghệ thuật ngôn từ dân gian. Đó chính là những nét đẹp của văn hóa làng quê được gìn giữ qua thời gian.

Như vậy có thể thấy, đến với thế giới của ca dao, dân ca và tục ngữ Việt Nam là chúng ta đến với những điệu cảm xúc của con người làng quê, với những vẻ đẹp văn hóa ánh lên từ nhiều bình diện, đó là hồn dân tộc Việt vút lên thành thanh âm, phổ vào câu hát, lời ca. Để từ đó ta biết yêu và trân trọng cái đẹp trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu Văn hóa làng quê trong thơ lục bát đương đại (qua thơ nguyễn duy, đồng đức bốn, phạm công trứ) luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)